Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh: Dư luận có chỗ đúng, có chỗ không

Cẩm Anh (thực hiện) 05/12/2020 10:30

Khi có chính sách hay là ra các quyết định cho giáo dục, nhất là về chương trình – sách giáo khoa rất quan trọng thì phải tuyệt đối thận trọng, không thể vội vàng.

TS Nguyễn Thụy Anh.

PV:Bà nói gì về câu chuyện sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông mới “gây bão” trên mạng xã hội thời gian qua?

TS Nguyễn Thụy Anh: Trong vấn đề sách giáo khoa vừa qua, ý kiến của dư luận có ý kiến đúng có ý kiến sai, không phải đúng hoàn toàn. Là bởi vì chúng ta chưa có đủ thời gian để truyền thông và cung cấp cho dư luận, cung cấp cho người dân, cung cấp cho phụ huynh thậm chí cung cấp kiến thức cho thầy cô giáo về chương trình giáo dục phổ thông mới, về việc thế nào là sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực. Cá nhân tôi theo dõi các status, các bình luận trên mạng xã hội thì tôi hiểu bức xúc của mọi người là tất nhiên. Bởi vì trong rất nhiều ý kiến có thể nhận ra phần lớn mọi người chưa hiểu hết sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực và tại sao lại thay đổi sách giáo khoa vào thời kỳ này.

Chúng ta cần có thời gian nhiều hơn để nhân dân và đặc biệt là các thầy cô giáo hiểu kỹ hơn về chương trình – sách giáo khoa mới, về triết lý của nó, về vai trò của thầy cô giáo và phụ huynh trong khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Các thầy cô giáo của chúng ta trước đây vẫn coi sách giáo khoa là pháp lệnh, cái gì ghi trên sách giáo khoa là răm rắp thực hiện. Trước đây sách giáo khoa thì giáo viên và học sinh cùng sử dụng. Nhưng bây giờ thì sử dụng sách giáo khoa thế nào và sách giáo viên thế nào, lại là việc khác nhau.

Nếu chúng ta có một chút kiến thức về làm sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực thì hiểu sách giáo viên rất quan trọng. Còn sách giáo khoa chỉ để giáo viên tổ chức các hoạt động học, ngoài ra học sinh sử dụng sách giáo khoa như một tài liệu tự học nữa. Như vậy thì tất cả những định hướng đó phải được trao đổi để giáo viên tiếp cận được về những điều này. Cho nên việc tập huấn cho giáo viên quan trọng hơn cả. Nhưng khi chúng ta đưa sách giáo khoa vào sử dụng thì từ lúc biên soạn đến lúc năm học bắt đầu tôi biết là không có đủ thời gian để tập huấn giáo viên, thậm chí các nhà quản lý giáo dục cũng chưa được tập huấn đầy đủ. Tất cả những điều đó tạo lên khó khăn cho bộ sách khoa mới này khi đưa vào thực hiện.

Bà nghĩ gì khi trước ý kiến dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có động thái yêu cầu chỉnh sửa?

- Cá nhân tôi cho rằng không có việc gì được phép làm một cách vội vàng, kể cả việc biên soạn sách giáo khoa lẫn việc chỉnh sửa sách giáo khoa. Nếu câu chuyện dư luận vừa rồi về bộ sách giáo khoa Cánh diều mà ngay lập tức chúng ta vội vàng sửa theo ý kiến dư luận thì điều đó tôi nghĩ là bất cập. Chúng ta phải bình tĩnh nhìn lại thẩm định lại xem bộ sách đó có sai ở đâu, có vấn đề ở chỗ nào, trả lời được trước dư luận rồi mới đi đến quyết định chỉnh sửa. Cách làm như vậy nên áp dụng với tất cả các bộ sách khác, không chỉ là Cánh diều.

Các vấn đề liên quan đến giáo dục thì nó liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực khác của cuộc sống vì nó là gốc của mọi vấn đề. Cho nên khi có chính sách hay là ra các quyết định cho giáo dục, nhất là về chương trình – sách giáo khoa rất quan trọng thì phải tuyệt đối thận trọng, không thể vội vàng.

Xin cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh: Dư luận có chỗ đúng, có chỗ không

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO