Tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ: Lớn lên giữa bức tường đầy sách

Việt Quỳnh (thực hiện) 07/04/2019 09:00

Sinh năm 1980 tại Hà Hồi, Thường Tín, Hà Nội, chàng trai trẻ mới tốt nghiệp đại học không quên được những năm tháng sinh viên, nên tìm về với thầy, bạn để ngâm thơ, gẩy đàn, uống rượu... cho đến giờ đây đã là Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ.

Tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ: Lớn lên giữa bức tường đầy sách

Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ.

Là người thường xuyên có các bài viết trên báo chí, tác giả của 17 công trình nghiên cứu đã công bố, cũng là nhân vật cho nhiều phỏng vấn liên quan đến công việc chuyên môn, nhưng ít người được biết chân dung thực sự, cùng những quan niệm về thơ của Đỗ Anh Vũ…

Thật hay khi quen biết anh đã 20 năm. Một sinh viên khoa ngôn ngữ trường KHXH & NV với một tiến sĩ ngôn ngữ không hề khác nhau về tính cách?

(Cười) Thì các cụ bảo: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời” mà. Tôi nghĩ rằng không chỉ tôi mà với tất cả mọi người, khi đã bước qua ngưỡng tuổi 18-20 thì về cơ bản tính cách đã được định hình. Những chặng đường về sau chỉ là bồi đắp làm phong phú cho bản thân hơn về kiến thức, về nhận thức chứ tính tình thì nhìn chung vẫn là một con người ấy mà thôi.

Vậy tuổi thơ của anh thì sao?

Tôi may mắn được sinh ra, lớn lên trong môi trường gia đình có truyền thống yêu sách vở, chữ nghĩa. Bố mẹ tôi đều là giáo viên, dạy khoa học tự nhiên nhưng lại rất yêu văn chương, bố chơi guitar, mẹ hát. Tôi lớn lên giữa những bức tường đầy sách.

Mẹ tôi bảo ngày xưa, thời kỳ bố mẹ mới cưới, lương của một người là đã đủ chi tiêu cho cả hai vợ chồng rồi, nên toàn bộ lương còn lại dành để mua sách. Nhà nhiều sách đến nỗi sau này, UBND xã thỏa thuận: Nhờ kho sách của nhà tôi làm thư viện chung để phục vụ bà con trong xã, bố tôi trở thành thủ thư, thành một cán bộ xã (lúc đó bố tôi đã về hưu theo chế độ mất sức).

Tuổi thơ của tôi, có nhiều khi phải lấy trộm sách trong các hốc tường trên cao để đọc. Ngoài niềm vui sách vở, tôi còn được theo bố đi câu cá, bắn chim, lang thang khắp những rặng cây, cánh đồng, bờ ao. Nhờ thế mà mình cũng được hiểu thêm về đời sống xã hội, về cây cỏ muôn loài, về các chuyện mưa nắng của nhà nông…

Bố mẹ đã tác động lên việc hình thành giáo dục và nhân cách anh ra sao?

Bố mẹ tôi đều là những người rất nghiêm khắc trong chuyện học hành của con cái. Học ra học chơi ra chơi. Ngay từ rất sớm, tôi đã bị đưa vào khuôn khổ theo một thời gian biểu do bố tôi lập ra. Giờ nào phải ngồi vào bàn học, giờ nào được giải lao, giờ nào được tùy ý đọc sách. Bố mẹ cũng là người định hướng quan trọng cho tôi nên đọc sách cuốn gì trước cuốn gì sau. Ngoài ra tất nhiên không thể thiếu được sự giáo dục về đời sống, về mỗi hành động lời nói hàng ngày, về việc ứng xử với mọi người sao cho lễ phép, đúng mực. Tôi nghĩ tất cả những điều đó đã giúp mình có được một điểm xuất phát tốt, để sau đó tiếp tục đi ra với đời.

Tôi nhớ mãi thời sinh viên, anh đã tỏ ra “chịu chơi”, khi rảnh anh đã ôm đàn hát, đọc thơ trong những cuộc vui với bạn bè?

Đàn guitar do tôi mày mò tự học từ thời cấp 3, khi lên đến đại học đã có thể đệm cho bè bạn hát hoặc tự đệm cho chính mình. Lớp của tôi lại cũng là lớp có phong trào văn nghệ, nhiều bạn yêu ca hát, thích văn chương, nhiều bạn làm thơ, nên càng có môi trường để anh em giao lưu văn nghệ. Tiếp đó, những ngày tháng tham gia phong trào sinh viên tình nguyện càng là môi trường lý tưởng để đàn hát giao lưu. Rồi những đêm cắm trại ở sân trường, những lần có sinh nhật các bạn trong ký túc, những đêm trung thu, đêm tết dương lịch… có khi ôm đàn hát thâu đêm, hát gần đến sáng. Đó là những ngày tháng tôi không bao giờ quên.

Còn vừa rồi, khi trình bày luận văn tiến sĩ, anh vẫn tranh thủ làm thơ để tự giới thiệu bản thân và công trình nghiên cứu của anh?

(Cười) Thực ra tôi có ý thức phân biệt rất rõ hai thể loại: Một là thơ trữ tình trau chuốt, có cấu tứ, có hình tượng, có nội dung thi ca, hai là loại thơ ứng dụng, nhiều người gọi là văn vần, là diễn ca. Còn tôi hay dùng chữ “chuyển soạn”. Cái bài mà bạn bảo là khi trình bày luận án vẫn kết hợp giới thiệu bản thân và công trình nghiên cứu là do tôi chuyển thể từ lời cám ơn bằng văn xuôi đã đọc trước đó sang một phiên bản thứ hai bằng song thất lục bát, có vần điệu nhịp nhàng, đọc lên tặng mọi người cho vui, giống như một thứ gia vị để tạo thêm một chút kỷ niệm cho ngày bảo vệ luận án.

Tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ: Lớn lên giữa bức tường đầy sách - 1

Ngoài công việc nghiên cứu ngôn ngữ, anh còn làm thơ, viết báo và viết sách nữa?

Vâng, như đã nói bên trên, tôi cũng có làm thơ. Ngoài những bài mang tính chất ứng dụng, tạo vần điệu cho vui, tôi cũng đã có một số bài thơ được in trên báo Văn nghệ và tạp chí Văn nghệ Quân đội. Thơ đăng báo thì tất nhiên phải khác hẳn với thơ chuyển soạn rồi. Viết báo cũng là một niềm yêu thích của tôi, đặc biệt là việc viết các tiểu luận mang tính chất phê bình văn chương.

Tôi cũng có một số bài nghiên cứu, khảo cứu về mảng ngôn ngữ văn hóa, những bài này thì phù hợp với việc đăng trên các tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Ngôn ngữ, Ngôn ngữ và đời sống. Cuối năm 2017, tôi có tập hợp một số tiểu luận và khảo cứu ưng ý và in thành cuốn sách mang tên “Vẻ đẹp của yêu tinh” (Hỗn luận), do công ty Nhã Nam kết hợp với NXB Hội Nhà văn phát hành. Cuốn sách cũng may mắn nhận được sự quan tâm, đón nhận của nhiều độc giả và khoảng một chục bài phê bình, phỏng vấn, nhận định về cuốn này trên các báo trung ương như Đời sống pháp luật, Người đưa tin, Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Tinh hoa Việt, Thời báo Ngân hàng, Zing.vn… Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và biết ơn các độc giả của mình.

Anh nghĩ sao về việc cứ xuất khẩu là có thể thành thơ của người Việt nói chung và anh nói riêng?

Tôi nghĩ mỗi dân tộc có những nét tính cách riêng mà nhiều nhà nghiên cứu vẫn gọi là tính cách văn hóa. Và một trong những nét tính cách đặc thù của người Việt, theo tôi là tính nghệ sĩ. Tính nghệ sĩ có nhiều biểu hiện và một trong những biểu hiện điển hình ấy chính là rất thích làm thơ, thích gieo vần, thích những cách nói nhịp nhàng có vần điệu. Kho tàng tục ngữ ca dao đồ sộ của người Việt chính là một minh chứng rõ ràng nhất cho việc này. Dĩ nhiên độ trau chuốt của mỗi bài, mỗi câu thì có sự khác nhau. Không phải bài nào cũng hay như bài nào, cũng không thể đứng từ tiêu chí của văn chương bác học để đòi hỏi chất lượng của bài nào cũng là tuyệt bích. Nhưng nhìn chung, tôi vẫn thấy rằng việc xuất khẩu thành thơ, thích làm thơ, thích lối nói vần điệu là một điều rất lành mạnh. Nó làm người ta sống vui hơn, cũng là một cách để giải trí và rèn luyện tư duy nữa.

Bất kể diễn đạt văn xuôi nào thì anh cũng bắt vần theo dạng thơ ca – đây là thú vui, hay đề tài nghiên cứu?

Thực ra đấy là thú vui thôi. Tôi gần như có thể chuyển soạn bất cứ dạng văn bản nào từ hình thức văn xuôi sang hình thức lục bát hoặc song thất lục bát. Từ một truyện ngắn, một truyện cười dân gian, một bài báo, một bài phê bình, một lời cám ơn hội nghị, một tản văn, các status hoặc bài viết ngắn trên facebook của bạn bè. Và tôi đã đăng tất cả các bài chuyển soạn đó trên trang cá nhân của mình. Tuy nhiên tôi cũng đã có những suy nghĩ dài hơn về việc này. Có thể đến một lúc nào đó tôi sẽ dành thời gian để suy nghĩ về tính liên văn bản của một tác phẩm. Trong lịch sử từ trước tới nay, việc diễn ca tác phẩm văn xuôi đôi khi cũng có những hữu ích trong việc tuyên truyền, cổ động. Việc chuyển từ văn xuôi hoặc một dạng văn bản khác sang thơ cũng có những nguyên tắc riêng và thậm chí có cả ít nhiều yếu tố kỹ thuật nữa.

Anh có nghĩ rằng khi ám ảnh về ngôn ngữ thơ với những hạn chế về biểu hiện qua số lượng câu, chữ thì thông tin cụ thể cũng sẽ bị hạn chế, và cảm xúc qua đó cũng biểu hiện một cách khiên cưỡng?

Dĩ nhiên văn xuôi bao giờ cũng là thứ sống động và tự nhiên hơn thơ. Thơ bao giờ cũng bị những quy tắc của vần điệu, số lượng câu chữ chi phối. Vì thế không phải trường hợp nào tôi cũng chuyển sang thơ được. Chuyển sang thơ vẫn phải giữ đúng tinh thần nguyên tác. Nếu cảm giác chuyển không đạt hoặc khiên cưỡng, mất tự nhiên thì tôi sẽ dừng lại ngay.

Tiếp xúc với anh, cái có thể nhận ra ngay là người tình cảm, nhiệt thành và cũng rất trách nhiệm. Điều gì làm anh có tất cả những tính cách đó?
Tình cảm nhiệt thành thì tôi nghĩ ai cũng có thôi, quan trọng là đúng với cảm hứng, sở thích, năng lực và sở trường của từng người. Còn về ý thức trách nhiệm với công việc, tôi nghĩ là tùy từng người đưa ra ứng xử của mình. Với bản thân tôi, tôi chỉ tự nhủ đã hứa với ai việc gì thì cố gắng làm cho hết sức và trọn vẹn. Công việc gia đình và cơ quan cố gắng giải quyết hài hòa để cho mọi việc suôn sẻ, để cuộc sống mỗi ngày được vận hành một cách trơn tru. Chính điều đó làm mình sống yên tâm và sống vui mỗi ngày.

Anh cũng rất tự hào khi là bố của bốn người con? Anh chia sẻ về các con của anh?

Tôi hơi nhiều con so với các bạn cùng trang lứa (cười). Vợ chồng tôi kết hôn 10 năm và được bốn cháu trai. Cháu đầu học lớp 4, cháu thứ hai học lớp 1, cháu thứ ba 5 tuổi đi mẫu giáo và cháu út mới được 15 tháng. Mỗi ngày với tôi quả thực là vô cùng bận rộn với việc chăm sóc các cháu vì ông bà nội ngoại hai bên đều mất cả, gia đình tôi lại không thuê người giúp việc.

Cùng với việc chăm lo, gia đình, hoàn thành các công việc, dự định mới của anh là gì?

Tôi sẽ in công trình luận án tiến sĩ của mình thành sách để phục vụ rộng rãi bạn đọc. Luận án của tôi nghiên cứu về đặc điểm ngôn ngữ nghệ thuật thơ Nguyễn Bính qua các tác phẩm trước 1945. Ngoài ra, tôi cũng dự định sẽ tập hợp các tiểu luận – khảo cứu và in thêm một cuốn nữa giống như cuốn đã từng ra mắt. Cuốn thứ hai này có tên “Lảo đảo giữa nhân gian” (Mê luận). Hy vọng vẫn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm và yêu mến của các độc giả

Xin cảm ơn anh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ: Lớn lên giữa bức tường đầy sách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO