Tiến thoái lưỡng nan

Bảo Khang 02/08/2020 08:00

Đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Trước tình thế khó lường ấy, V.League và giải hạng Nhất Quốc gia đã phải tạm hoãn vô thời hạn. Những nhà làm bóng đá Việt Nam hẳn nhiên rất muốn đưa 2 giải chuyên nghiệp kể trên quay trở lại sớm. Nhưng họ dù có muốn cũng đang rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Covid-19 quay lại và nỗi lo rất thực tế.
Covid-19 quay lại và nỗi lo rất thực tế.

Những phương án trong bị động

Tới nay, Covid-19 đã hoành hành trên 216 quốc gia và vùng lãnh thổ, hoạt động thể thao nói chung và bóng đá nói riêng cũng trải qua một giai đoạn với quá nhiều những biến cố. Ở bối cảnh ấy, sự trở lại và diễn ra trơn tru xuyên suốt 2 tháng qua của V.League và giải hạng Nhất Quốc gia trở thành niềm mơ ước của nhiều quốc gia, trong đó có những giải VĐQG hàng đầu như Ngoại hạng Anh, Bundesliga, La Liga hay Serie A…

Bởi lẽ, khi mà nhiều giải đấu ấy phải diễn ra trong sự câm lặng trên khán đài, bởi họ không thể đón khán giả vào sân giữa tâm dịch tiềm ẩn quá nhiều nguy hiểm như Covid-19 thì ở Việt Nam, mỗi trận đấu được thu hút trung bình tới 8.000 - 9.000 người hâm mộ. Và cũng vì thế mà 2 tháng qua, những trận đấu của V.League, hạng Nhất Quốc gia luôn nhận được sự quan tâm của báo chí thể thao trên thế giới, như một điển hình đáng trân trọng ở một năm vốn nhiều khó khăn như 2020.

Nhưng khi đang diễn ra với guồng máy trơn tru, đại dịch Covid-19 lại bùng phát trở lại. Để đảm bảo sức khỏe cho các cầu thủ, người hâm mộ… VFF và VPF quyết định tạm hoãn cả hai giải đấu. Các phương án lần lượt được đưa ra thảo luận, từ việc đưa Cúp Quốc gia với những CLB không thuộc tỉnh thành được liệt kê trong tâm dịch đến tổ chức trám vào thời gian FIFA Day được FIFA nhất trí hoãn vào tháng 9 tới cho đến ý tưởng trở lại vào cuối năm, khi AFF Cup 2020 được dời hoàn toàn sang tháng 4 năm sau… đều đã hiện diện.

Tuy nhiên, sự chủ động trong các phương án mà VFF và VPF nhanh chóng đưa ra lại nằm trong sự bị động của tình hình dịch bệnh. Bởi chỉ khi nào dịch Covid-19 được kiểm soát, chỉ khi nào các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép giải đấu trở lại thì những phương án trên mới có thể từ giấy tờ đi vào thực tế.

Có nên dừng V.League tại đây?

VFF và VPF đương nhiên muốn các giải chuyển nghiệp Việt Nam có thể trở lại như kịch bản ở đợt đầu tiên diễn ra Covid-19 tại Việt Nam. Tức là sau hơn 2 tháng quyết liệt đẩy lùi dịch bệnh, V.League, hạng Nhất rồi Cúp Quốc gia cũng đã quay trở lại trong 2 tháng. Nhưng đặt một câu hỏi, liệu thời gian đẩy lùi dịch Covid-19 ở giai đoạn tới cũng kéo dài 2 tháng, thì với tháng 11 và 12 cuối năm, V.League có kịp để tổ chức phần còn lại của giải. Chưa hết, bản thân các CLB đang vướng vào những điều khoản liên quan đến cột mốc 31/10.

Bởi theo thông lệ, họ chỉ ký hợp đồng với các ngoại binh đến thời điểm đó. Việc mở rộng thời gian cũng đồng nghĩa, các CLB phải trả tiền nhiều hơn cho các ngoại binh. Đấy là chưa kể trong thời gian “nằm im” chờ dịch đi qua, nhiều CLB phải gánh thêm những khoản tiền xoay quanh kinh phí duy trì, sinh hoạt, tập luyện, lương thưởng mà không nhận được nguồn thu từ tài trợ vì không được thi đấu.

Vô hình trung, 4 CLB gồm Quảng Nam, SLNA, DNH Nam Định, Thanh Hóa đã gửi công văn xin dừng V.League ngay thời điểm hiện tại. Mới đây, B.Bình Dương cũng có đề nghị chính thức lên VFF, VPF về việc tạm hoãn cúp Quốc gia (dự kiến tổ chức vào ngày 4/8 tới). Việc các CLB có sự trái chiều trong quan điểm càng khiến cho việc định hướng giải đấu trở lại của những nhà chuyên môn gặp nhiều thách thức hơn.

Nhưng đặt một câu hỏi ngược lại, nếu dừng V.League, thiệt hại của nó sẽ như thế nào? Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VPF đã trả lời: “Chúng ta biết bóng đá sống bằng nguồn tài trợ, không sống bằng nguồn ngân sách nhà nước. Nếu chúng ta không thực hiện, hủy hợp đồng thì nhãn tiền trước mắt là chúng ta không có tiền. Một khi đã phá vỡ hợp đồng là mất uy tín. Ai sẽ tiếp tục tin tưởng tài trợ cho giải đấu?”.

Đúng là ai cũng muốn V.League có nguồn thu. Đúng là ai cũng muốn V.League phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau. V.League nếu như muốn có được điều ấy thì cần lắm sự cương quyết đến từ VPF, sự đồng lòng của các CLB. Thử tưởng tượng, nếu như tại Ngoại hạng Anh, Man City, M.U, Chelsea cũng xin bỏ giải thì liệu giải đấu có còn hấp dẫn đến vòng đấu cuối cùng và giữ lại được 740 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình hay không?

Câu hỏi ấy hãy để các CLB V.League ngẫm và trả lời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiến thoái lưỡng nan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO