Tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, năm 2020: Tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp

Khánh Ly (Thực hiện) 07/12/2020 07:16

Trong 2 ngày 9 và 10/12, sẽ diễn ra Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc. Nhân dịp này, PV Đại Đoàn kết đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Huy Giang, Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương.

Ông Phạm Huy Giang.

Theo ông Phạm Huy Giang, thực hiện Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn 2016-2020, các phong trào thi đua đã phát triển mạnh mẽ, sâu rộng trong cả nước, các cấp, các ngành, các vùng miền, địa phương, với nội dung và hình thức ngày càng đổi mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực.

Các phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước để xác định mục tiêu và nội dung thi đua, cổ vũ, động viên các cấp, các ngành và nhân dân cả nước tích cực phấn đấu, vượt qua khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Trong 5 năm qua, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động và chỉ đạo tổ chức triển khai 4 phong trào thi đua trong phạm vi cả nước: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”.

Các phong trào thi đua đã được triển khai đồng bộ, với nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực, trở thành nòng cốt trong phong trào thi đua của cả nước, được các cấp, các ngành, các địa phương và đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia.

Các phong trào thi đua đã phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị, tạo động lực góp phần quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

PV: Trong các phong trào thi đua, các mô hình hay, gương điển hình tiên tiến được coi là hạt nhân quan trọng. Chúng ta đã quan tâm, nhân rộng những mô hình, điển hình này thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Huy Giang: Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến luôn được là một trong những nội dung trọng tâm trong việc đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đã ban hành kế hoạch tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, mô hình mới giai đoạn 2016-2020.

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh công tác truyên truyền tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; đồng thời xây dựng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến, các tấm gương người tốt, việc tốt.

Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động để kịp thời động viên, khích lệ và nhân rộng các điển hình, thông qua nhiều hình thức, tạo sức lan tỏa ra toàn xã hội và tạo không khí sôi nổi trong cả nước.

Năm 2020 đất nước gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19 và bão chồng bão, lũ chồng lũ. Trong bối cảnh đó, các phong trào thi đua đã được thực hiện thế nào và có ý nghĩa ra sao để giúp đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức, thưa ông?

-Kể từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam; đặc biệt thời gian vừa qua, tình hình thiên tai, bão lũ xảy ra nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Càng khó khăn thì càng phải thi đua, các ngành, các cấp và nhân dân cả nước đã ra sức thi đua phấn đấu, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động các cấp, các ngành và nhân dân chung sức, đồng lòng, tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả của thiên tai.

Trong đại dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng trực tiếp phát động phong trào “Toàn dân ủng hộ phòng chống dịch bệnh Covid-19”, đã huy động được sự đóng góp, ủng hộ bằng tiền và hiện vật trị giá 2.105 tỷ đồng.

Các tổ chức, đoàn thể, cá nhân đã có nhiều sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực, góp phần phòng, chống dịch bệnh, xuất hiện nhiều tấm gương “người tốt, việc tốt” thể hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng.

Từ những cháu bé đến cụ già trên 100 tuổi đã mang những đồng tiền dành dụm được để ủng hộ chống dịch. Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt (97 tuổi) tự may khẩu trang để tặng người nghèo. Những mô hình như “ATM gạo”, “ATM khẩu trang”, “Siêu thị 0 đồng”... đã giúp đỡ thiết thực cho người nghèo trong giai đoạn khó khăn.

Nhiều chiến sĩ quân đội, cán bộ y tế gác lại việc riêng, “ăn lán, ngủ rừng”, bám địa bàn tiếp tục làm nhiệm vụ. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đồng bào ta ở nước ngoài và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam đã tích cực đóng góp nguồn lực tài chính, thời gian, công sức, kinh nghiệm, tinh thần cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trong thiên tai, bão lũ, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và người dân đã tích cứu hộ, cứu nạn, bất chấp nguy hiểm cứu người, cứu tài sản, vận chuyển hàng hóa, đồ dùng thiết yếu cứu trợ người dân, nhiều chiến sĩ đã quên mình hi sinh khi thực hiện nhiệm vụ...

Những tấm gương người tốt, việc tốt trong dịch bệnh, bão lũ, thiên tai và tinh thần thi đua yêu nước của nhân dân ta đã góp phần cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Qua đó, phải khẳng định rằng, trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn 2016-2020, các phong trào thi đua trong cả nước đã có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, năm 2020: Tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO