Kho xăng dầu 'nuốt' đất lúa, dân bức xúc

Đức Sơn 11/04/2016 09:30

UBND tỉnh Hà Nam có chủ trương thu hồi diện tích lớn đất lúa của bà con nông dân giao cho doanh nghiệp tư nhân làm kho trung chuyển xăng dầu. Lo mất nguồn sống, lo ô nhiễm môi trường, mất an toàn cháy nổ… người dân địa phương liên tục kêu cứu đến các ngành chức năng.

Những ruộng lúa màu mỡ của thôn Do Lễ sẽ biến mất khi triển khai dự án kho trung chuyển xăng dầu của Công ty Hải Linh.

Người dân không đồng tình

Bao đời nay, người nông dân thôn Do Lễ, xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam sống yên bình, chăm chỉ với những đồng ruộng màu mỡ. Bỗng dưng, UBND tỉnh Hà Nam chấp thuận cho Công ty TNHH Hải Linh (Công ty Hải Linh) xây dựng Dự án kho trung chuyển xăng dầu khủng “nuốt” gần 6 ha đất trồng lúa hai, ba vụ.

Thôn Do Lễ vốn đông dân lại ít đất nông nghiệp, nên khi Dự án “nuốt” diện tích lớn đất trồng lúa của người dân khiến nhiều người hoang mang như “ngồi trên đống lửa”.

Người dân thôn Do Lễ phản ánh, xã và huyện biết thông tin tỉnh chấp thuận Dự án cho Công ty Hải Linh tại địa bàn nhưng cố tình “ém” thông tin, không lấy ý kiến của nhân dân. Đùng một cái, chính quyền xã triệu tập mời cán bộ, đảng viên chi bộ thôn Do Lễ họp bất thường.

Sau khi nghe Bí thư chi bộ thôn triển khai việc thu hồi đất cho Công ty Hải Linh thì đảng viên trong chi bộ có ý kiến không đồng tình. Các đảng viên thôn Do Lễ lý giải rằng, nếu Nhà nước có quyết định thu hồi đất lúa để phục vụ mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích công cộng cho nhân dân thì đảng viên trong chi bộ không có ý kiến nhưng đằng này lại thu hồi đất lúa cho doanh nghiệp tư nhân làm kho xăng dầu, phục vụ lợi ích kinh tế riêng của doanh nghiệp là khó chấp nhận.

Do vậy, hầu hết các đảng viên tham gia cuộc họp đã thống nhất biểu quyết không đồng ý và yêu cầu chuyển Dự án kho trung chuyển xăng dầu của Công ty Hải Linh đi nơi khác.

Trong khi chưa được sự đồng thuận của người dân, Công ty Hải Linh đã vội vàng đưa máy móc, nhân công đến để san lấp mặt bằng làm Dự án. Để bảo vệ nguồn sống, thu nhập của mình, cực chẳng đã, người dân thôn Do Lễ mới liên tục tụ tập đông người, kéo lên trụ sở UBND xã Liên Sơn, nhà riêng của Bí thư, Chủ tịch xã và Trụ sở tiếp dân của huyện Kim Bảng để đề nghị về việc không đồng ý với chủ trương xây dựng kho trung chuyển xăng dầu tại thôn Do Lễ.

Thậm chí, người dân còn kéo hàng trăm người, đặt quan tài tại nơi Công ty Hải Linh làm dự án để phản đối việc thực hiện Dự án.

Quan sát thực tế tại Dự án này, chúng tôi thấy những lo ngại của người dân là có cơ sở. Dự án “nuốt” diện tích ruộng lúa rộng lớn, lại nằm sát khu dân cư, trường học, nhà văn hóa. Không ít người dân hoang mang tâm sự với chúng tôi. “Hai vợ chồng già chỉ trông vào mấy sào ruộng. Người trẻ, thanh niên còn đi làm thuê kiếm tiền được, thân già như tôi chân đứng còn không vững, nếu bị thu hồi đất thì làm gì để sống. Con cái cũng chẳng khá giả gì nên cũng không đỡ đần bố mẹ được gì. Tại sao không chọn nơi khác…”- ông Trần Văn Thật, một người dân thôn Do Lễ tâm sự.

Dấu hiệu bất thường?

Để giúp Công ty Hải Linh thực hiện Dự án, ngay sau khi có sự chấp thuận của UBND tỉnh Hà Nam, ngày 25-11-2015 UBND huyện Kim Bảng đã có Thông báo số 95/TB-UBND về việc thu hồi đất để giải phóng mặt bằng Xây dựng Kho trung chuyển xăng dầu của Công ty Hải Linh trên diện tích 58.606m2 đất tại địa bàn thôn Do Lễ.

Điều đáng bàn, trong diện tích thu hồi đất thì phần lớn là diện tích đất trồng lúa hai, ba vụ của nhân dân. Đặc biệt, trong qua trình thu hồi đất và triển khai dự án, chính quyền địa phương có biểu hiện “ém thông tin”, thiếu dân chủ, minh bạch.

Về những vấn đề trên, bà Ngô Thị Thảo - Phó trưởng thôn Do Lễ cho biết, khi tiến hành thu hồi đất để thực hiện Dự án Kho xăng dầu thì chi bộ và nhân dân thôn Do Lễ không được biết gì.

Còn Phó Chủ tịch UBND xã Liên Sơn Đặng Thế Thật lý giải: “Chúng tôi nghĩ toàn bộ đây là do huyện chỉ đạo và đã có công tác tham mưu của Phòng Tài nguyên môi trường. Mình cấp dưới cảm thấy các bác ấy làm cấp cao, các bác ấy làm đảm bảo đúng quy trình theo luật. Mặc dù là đất nông nghiệp nhưng đây là chủ trương lớn của tỉnh. Tỉnh chọn chỗ đấy, xã chỉ thực hiện theo thôi”.

Tiếp tục biện minh về việc chính quyền không thực hiện niêm yết công khai về dự án, các quyết định thu hồi đất ở nơi sinh hoạt công cộng ở thôn Do Lễ thì ông Thật cho rằng, do lúc đó tình hình nông thôn bất ổn, người dân phản đối kịch liệt nên xã không tiến hành việc đó(!?).

Phóng viên yêu cầu cung cấp những tài liệu liên quan đến Dự án thì ông Phó Chủ tịch UBND xã Liên Sơn đã thẳng thừng từ chối và đùn đẩy lên cấp trên: “Các anh phải liên hệ làm việc với UBND huyện Kim Bảng. Sau đó, huyện có giấy giới thiệu về xã thì xã mới cung cấp tài liệu”.

Để có thông tin chính xác, khách quan về vụ việc, chúng tôi đã đến UBND huyện Kim Bảng để đặt lịch làm việc. Chánh văn phòng UBND huyện Kim Bảng Vũ Hoàng Long hứa hẹn sẽ báo cáo lãnh đạo huyện. Thế nhưng nhiều ngày trôi qua, phóng viên liên lạc lại cũng chỉ nhận được câu trả lời từ ông Long “lãnh đạo chưa chỉ đạo”.

Điều 58, Luật Đất đai năm 2013 quy định: Đối với dự án có sử dụng đất lúa…vào các mục đích khác không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau: “Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 héc ta đất trồng lúa…”.

Tuy nhiên trong các Quyết định chấp thuận của UBND tỉnh Hà Nam và thông báo thu hồi đất của UBND huyện Kim Bảng lại không thấy căn cứ nào thể hiện việc Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Mặt khác, việc chính quyền địa phương khi thu hồi đất làm dự án không niêm yết thông tin tại địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi là chưa thực hiện đúng với quy định của Luật Đất đai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kho xăng dầu 'nuốt' đất lúa, dân bức xúc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO