Tiếng kêu từ một dòng sông đang chết - Bài 1: Ô nhiễm cần sự giải cứu

Tấn Thành 18/04/2017 08:35

Sông Trường Giang của tỉnh Quảng Nam có chiều dài khoảng 67 km. Đây là con sông có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với cuộc sống của người dân vùng Đông tỉnh này xưa và nay. Nhưng hiện tại, lòng sông bị bồi lấp và “bóp bụng” cùng với đó là sự ô nhiễm khiến dòng sông này đang bị chết. Sự bồi lấp đã xảy ra cả tuyến sông, nhưng nặng nhất là ở Cửa Lở thuộc xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành.

Tôm chết cũng như xả thải vô tội vạ khiến sông Trường Giang bị ô nhiễm nặng.

Trường Giang xưa

Người dân Quảng Nam cho rằng, Trường Giang là con sông kỳ lạ. Bởi con sông này chạy theo ven biển, đoạn phía nam chạy cách bờ biển khoảng 2 km trở lại, đoạn phía bắc cách biển xa nhất khoảng 7 km. Đây là con sông nằm ngang, vì thế, Trường Giang không có thượng lưu, chẳng có hạ lưu.

Theo đó, đầu sông phía nam qua Cửa Lở đổ ra biển An Hòa thuộc huyện Núi Thành, còn về phía bắc đổ ra sông Thu Bồn rồi ra biển tại tại Cửa Đại - Hội An. Do nằm dọc dài ven biển nên con sông này có vị trí cầu nối quan trọng với các nhánh sông ở thượng nguồn đổ về. Chính vì thế hàng chục thế kỷ qua Trường Giang giữ vai trò huyết mạch giao thông đường thủy của xứ Quảng...

Càng quan trọng, vì trong quá khứ khi giao thông đường bộ chưa phát triển, trên sông Trường Giang ghe thuyền chạy từ An Hòa ra Bàn Thạch, Hội An và ngược lại, hay xuôi ngược với vùng cao khi con sông này tiếp nối với các con sông thượng nguồn đổ về.

Con sông đang chết

Mặc dù có vị trí quan trọng như vậy, nhưng giờ đây, sông Trường Giang bị bồi lấp, bị ô nhiễm,… Cụ thể, ngày càng có nhiều chướng ngại vật và nhiều bãi cạn do các công trình vượt sông như cầu, đập thuỷ lợi, hệ thống trụ điện,... không đảm bảo các thông số kỹ thuật đã làm cho lòng sông bị bồi cạn, luồng lạch bị thu hẹp đáng kể.

Càng đáng lo ngại, thời gian qua người dân tự ý lấn sông làm hồ nuôi tôm, xây dựng những công trình lấn chiếm lòng sông, ngư cụ khai thác của người dân làm ách tắc giao thông…Nhiều nơi dòng sông bị “bóp bụng” nặng nề. Nếu trước đây đôi bờ xa cách có nơi trên 150m thì giờ nhiều quãng sông chỉ còn là con lạch. Có nơi chỉ là một vài sải chân.

Dọc dòng sông có nhiều hồ nuôi tôm, trong đó có những hồ lấn chiếm đã làm giảm chiều rộng của sông. Hay như từ khi có đập Cổ Linh thuộc xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, con đập này đã trở thành điểm “thắt nút cổ chai” sông Trường Giang bởi nơi đây chỉ có độ thông thuyền là 2,5m cùng với độ sâu rất hạn chế. Cùng với đó là thời tiết ngày càng khắc nghiệt, bão lũ nặng nề dẫn đến việc bồi lấp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng sông.

Nếu tuyến sông ngày xưa là lưu thông huyết mạch, dòng chảy mạnh mẽ, thì ngày nay dòng nước lắm khi đục ngầu, trôi chậm chạp nặng nề và đang bị ô nhiễm do chất thải của quá trình nuôi thủy sản nước lợ và sự xả thải của chính những khu dân cư, nhà máy phía trên dòng sông đã khiến sông Trường Giang ngày càng bị ô nhiễm.

Nói không quá, thời hoàng kim của sông Trường Giang đã qua và hiện tại dòng sông này đang chết theo nhiều nghĩa. Trong đó, đáng lo ngại, việc thoát nước chậm đã ảnh hưởng đến công tác phòng chống lụt bão vào mùa mưa. Càng đáng lo việc bồi lấp đã khiến hàng nghìn tàu thuyền ra vào biển ngày càng trở nên khó khăn. Hệ sinh thái thủy sản ngày càng cạn kiệt, khiến nhiều ngư dân đành phải thay đổi nghề nghiệp, tìm kế mưu sinh khác.

Tình trạng dòng sông ngày càng kiệt đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc trị thủy; những dự án về về nuôi trồng thủy sản, nhiều đề án, chương trình phát triển du lịch biển, du lịch văn hóa, du ngoạn sông nước làng quê,… Vì thế việc “giải cứu” sông Trường Giang càng quan trọng và cấp bách.

Bàn cách cứu

UBND tỉnh Quang Nam đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học nhằm tìm biện pháp “giải cứu” sông Trường Giang. Tại các hội thảo, ý kiến của hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng, việc “giải cứu” con sông này không chỉ để góp phần thoát lũ, cứu nguồn sinh thái thủy sản đang dần cạn kiệt, giải quyết vấn đề gao thông đường thủy mà còn góp phần quan trọng để thực hiện thành công Dự án tổng thể sắp xếp dân cư phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn Quảng Nam cũng như nhiều vấn đề quan trọng khác.

Cuối năm 2016, Viện Khoa học và Thủy lợi Việt Nam thuộc Bộ NN&PTNT, tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu tổng thể sông Trường Giang và vùng phụ cận phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam”. Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày những phương pháp nghiên cứu tài nguyên sinh vật, nguồn lợi thủy sản sông Trường Giang và vùng phụ cận; nghiên cứu đặc điểm khí tượng thủy văn và các loại hình thiên tai trên khu vực sông Trường Giang và đã đưa ra nhiều phương án nhằm nỗ lực “giải cứu” sông Trường Giang.

Theo TS Nguyễn Đình Ninh- nguyên Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN & PTNT): “Vấn đề thoát lũ của sông Trường Giang phải được xem là một nhiệm vụ chính trong nội dung nạo vét và chỉnh trị sông với tần suất đảm bảo thiết kế”.

Thế rồi dự án “Nạo vét thoát lũ khẩn cấp sông Trường Giang” cũng đã ra đời. Đây là dự án mà người dân vùng ven sông Trường Giang hết sức quan tâm. Dự án với tổng mức đầu gần 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, do BQL Khu kinh tế mở Chu Lai làm chủ đầu tư.

Gần đây nhất, dự án nạo vét đảm bảo giao thông khu vực trên tuyến Cửa Đại - Cù lao Chàm, với chiều dài nạo vét 2,04 km, khối lượng là 82.775m3, với tổng kinh phí hơn 10 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương.

Cùng với đó dự án nạo vét Cửa Lở cũng đã đặt ra. Với mục đích cao nhất là nỗ lực để cứu lấy sông Trường Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếng kêu từ một dòng sông đang chết - Bài 1: Ô nhiễm cần sự giải cứu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO