Tiếng máy quân dân ở nơi đại ngàn

QUẢNG NGHĨA 17/09/2021 00:00

Giữa màu xanh của núi rừng Trường Sơn, ở nơi thung lũng bằng phẳng vang lên tiếng máy cày làm đất cho vụ gieo trồng mới. Còn ở nơi bậc cầu thang nhà sàn, máng gạo trắng xóa tuôn ra từ chiếc máy xay xát lúa… Từ ngày có tiếng máy, đồng bào ở các bản vui lắm, họ không chỉ tăng gia sản xuất mà còn học cách sử dụng.

Gùi chiếc máy xay lúa đầu tiên về bản

Đến nay, đời sống đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) vẫn còn nhiều khó khăn. Ở giữa đại ngàn, đồng bào vẫn canh tác bằng phương thức cũ, họ thiếu kiến thức và phương tiện sản xuất. Để giúp bà con thay đổi nhận thức, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, những người lính biên phòng đã kiên trì, “mưa dầm thấm lâu” hướng dẫn đồng bào nâng cao ý thức, tự lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Dốc Mây là một bản nhỏ, ở giữa đại ngàn Trường Sơn. Bản chưa có đường, nên chỉ cách trung tâm xã Trường Sơn hơn 20km nhưng để tới được bản phải mất 5 giờ đồng hồ lội suối, trèo đèo. Không đường, không điện và không có sóng điện thoại nên không có bất cứ máy móc, phương tiện hiện đại nào hoạt động được ở bản Dốc Mây. Cũng vì thế mà từ lương thực, con giống đến bàn ghế học sinh từ đường Hồ Chí Minh nhánh tây vào bản… đều phải mang vác, gùi cõng bằng sức người. Hình ảnh những người phụ nữ Bru-Vân Kiều chiều chiều mang cối ra đầu bản giã gạo đã khiến những người chiến sĩ suy nghĩ phải giúp người dân vơi bớt cơ cực, vất vả.

Trăn trở trước sự khó khăn của bản xa vùng biên, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô nảy ra sáng kiến mua một chiếc máy xay xát đưa về bản. Khổ nỗi, bản Dốc Mây lúc này chưa có điện sáng nên chọn loại máy nào cho phù hợp. Cuối cùng các chiến sĩ quyết định chọn loại máy xay- nghiền mini chạy bằng điện vừa có thể sử dụng động cơ để phục vụ bà con.

Máy xay, nghiền đa năng đã giúp đồng bào Bru-Vân Kiều (ở xã Trường Sơn) bớt vất vả khi giã gạo bằng tay.

Từ sự kết nối và kêu gọi tài trợ, chiếc máy xay mini đa năng đầu tiên được bộ độ biên phòng gùi, cõng lên tặng cho dân bản Dốc Mây. Máy tuy không nặng nhưng phải hai người thay nhau gùi, vừa đi vừa nghỉ và phải mất hơn một buổi mới đến nơi.

Ngày chiếc máy xay lúa về bản, bà con kéo đến đông để xem chiếc “máy biên phòng”. Già Hồ Hưng là người đầu tiên của bản mang tới một bao lúa nhỏ, khi chiến sĩ đổ vào xay, thấy gạo trắng chảy thành dòng theo máng, bà con vỗ tay vui mừng.

Dõi mắt xem chiếc máy, chị Hồ Thị Con nói: “Cái máy nhỏ này hay thiệt, nó vừa xay lúa, vừa nghiền ngô, sắn. Máy xay gạo một lúc bằng chị em trong bản giã bằng tay một buổi. Có máy xay, phụ nữ trong bản không phải cực nhọc nữa, siêng lên rẫy hơn”.

Tiếng máy vùng biên

Từ thành công của việc đưa chiếc máy xay đa năng đầu tiên lên với bản Dốc Mây, Đồn Biên phòng Làng Mô quyết định thực hiện mô hình “Tiếng máy vùng biên” để đưa các máy nông nghiệp lên với đồng bào dân tộc thiểu số ở giữa đại ngàn Trường Sơn. Sáng kiến này mang nhiều ý nghĩa nhân văn đã thu hút được sự quan tâm của các tập thể, cá nhân hảo tâm cùng đồng hành với bộ đội biên phòng đưa máy nông nghiệp lên phục vụ sản xuất để thay đổi tập quán canh tác, tăng năng suất cây trồng.

Đến nay, Đồn Biên phòng Làng Mô đã hỗ trợ cho bà con ở xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) 9 máy xay nghiền đa năng và 3 chiếc máy tuốt lúa, 4 máy cày mini.

“Máy” ấp trứng do Bộ đội Biên phòng ở Trường Sơn sáng chế giúp người dân có con giống phát triển chăn nuôi.

Đại úy Trần Thanh Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Làng Mô chia sẻ: Để các máy hoạt động hiệu quả, bộ đội đã cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cho các thanh niên nhanh nhẹ, sáng dạ ở các bản cách vận hành, sử dụng. Đến nay, dân bản đã có thể sử dụng thành thạo các máy nông cụ.

Đại úy Trần Thanh Nam cho biết thêm: Với giá thành các loại máy này không cao, từ 6 đến 10 triệu đồng/máy, dễ sử dụng và đa tác dụng, từ xay xát gạo đến xay, nghiền ngô, sắn để làm thức ăn chăn nuôi. Máy cày nhỏ thì tiện lợi cho việc làm đất ở những diện tích nhỏ, hẹp và dễ cơ động ở các địa hình đồi, dốc.

Theo Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Làng Mô, điều quan trọng và ý nghĩa hơn cả là những phương tiện cơ giới này không chỉ giúp cho bà con đỡ vất vả trong quá trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, mà còn là nguồn động lực lớn, khuyến khích cho bà con tích cực lao động, mở rộng sản xuất, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

Không chỉ hỗ trợ, trang bị máy nông nghiệp cho bà con, thời gian qua, bộ đội biên phòng Làng Mô (ở xã Trường Sơn) còn có nhiều sáng kiến giúp ích cho người dân trong sản xuất kinh doanh. Đến thăm nhà Bí thư Chi bộ bản Đá Chát Hồ Xuân Trung, chúng tôi tò mò bởi một chiếc hộp xốp rất lạ mắt mà anh giới thiệu đó là “máy” ấp trứng do bộ đội sáng chế.

Đi cùng chúng tôi, Đại úy Trần Thanh Nam “khoe”: “Chiếc hộp đó được coi là lò ấp trứng, do chính anh “tìm được” trên Internet rồi mày mò làm”.

Chị Nguyễn Thị Thảo ở bản Đá Chát là hộ dân đầu tiên được tặng mô hình này và cho ra đời 2 lứa gà giống hơn 50 con, tỷ lệ trứng nở thành công hơn 90%. Sau chị Thảo, anh Trung, nhiều hộ ở đây đã nhờ anh Nam và các chiến sĩ ở Đồn Biên phòng làm cho các lò ấp trứng để chủ động được giống gia cầm chăn nuôi, vừa giảm được chi phí ban đầu.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết, những máy móc, phương tiện sản xuất do Đồn Biên phòng Làng Mô hỗ trợ đã tạo nên bước tiến mới, góp phần cải thiện điều kiện sản xuất cho bà con nơi đây. Chủ động được khâu sản xuất chính là bước đi quan trọng để đồng bào tộc tộc thiểu số ở Trường Sơn ổn định và nâng cao đời sống, góp phần bảo vệ bình yên biên cương của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếng máy quân dân ở nơi đại ngàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO