Theo ông Nguyễn Xuân Viễn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, đối thoại với với nhân dân là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy dân chủ, quyền, trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, góp phần cụ thể hoá cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Đối thoại nhân dân góp phần giải quyết bức xúc của người dân trong tỉnh Vĩnh Phúc.
Thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị và Quyết định số 55-QĐ/TU ngày 3/02/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, trong những năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tích cực phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân theo nhóm nội dung chuyên đề, theo nhóm đối tượng; đưa nội dung tổ chức đối thoại vào chương trình công tác hàng năm, xác định rõ nội dung, đối tượng, địa bàn tổ chức đối thoại, góp phần giúp cấp ủy, chính quyền nắm bắt, giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
“Đây là dịp để cấp ủy, chính quyền trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những sáng kiến, kiến nghị của nhân dân về xây dựng, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cơ chế, chính sách của tỉnh và những vấn đề còn tồn tại, những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện từ cơ sở; những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đồng thời phát huy vai trò của nhân dân trong việc phát hiện, tố giác những cán bộ, đảng viên, công chức có những hành vi tiêu cực”- ông Nguyễn Xuân Viễn chia sẻ.
Thông qua đối thoại, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước được lãnh đạo các cấp truyền đạt trực tiếp đến với các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tạo sự thống nhất giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, kịp thời giải quyết những vấn đề mới nảy sinh, khó khăn vướng mắc chưa được sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình thực hiện, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền. Nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, phát huy và mở rộng quyền làm chủ của nhân dân, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
Theo ông Nguyễn Xuân Viễn, sau hội nghị đối thoại trực tiếp giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, tình hình tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân có sự chuyển biến tích cực; các tầng lớp nhân dân đều vui mừng và bày tỏ sự tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời cũng hiểu rõ, nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những thuận lợi, khó khăn của địa phương, từ đó thấy được phần trách nhiệm của mình trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân đã tạo được cầu nối hiệu quả giữa chính quyền và nhân dân, đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân để góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gần dân, do dân, vì dân.
Thực hiện Quyết định số 217QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, Ban Thường trực UB MTTQ tỉnh đã chủ trì, hiệp thương thống nhất với các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động, tích cực triển khai các hoạt động giám sát, phản biện xã hội đảm bảo có trọng tâm, thiết thực, tránh chồng chéo, không gây áp lực cho hoạt động của cấp huyện và cơ sở. Tổ chức tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ, hướng dẫn, đôn đốc MTTQ các cấp lựa chọn nội dung, hình thức giám sát, phản biện xã hội phù hợp trên cơ sở những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm, bức xúc, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với việc tham gia tiếp công dân, phối hợp đôn đốc, giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của công dân theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã phối hợp với UBND tỉnh tham gia tổ công tác rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh, nhờ đó các vụ việc khiếu kiện kéo dài dần được tháo gỡ. Số lượt công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị giảm, niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền được tăng cường, củng cố.