Đổi mới để nâng tầm vị thế Mặt trận

Hạnh Nguyên 21/07/2019 08:30

Chuyển biến nổi bật, đột phá nhất của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh trong những năm gần đây là đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Mặt trận.

Cốt lõi nhất là đổi mới chương trình phối hợp, hiệp thương, thống nhất hành động của MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội và các tổ chức thành viên. MTTQ Hà Tĩnh không ngừng đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân; linh hoạt trong tuyên truyền, vận động; đổi mới sáng tạo trong việc xây dựng các mô hình; giám sát, phản biện đi vào chiều sâu… Từ đó, tạo sự đồng thuận cao trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; vị thế, vai trò của Mặt trận vì thế càng được củng cố và nâng cao.

Đổi mới để nâng tầm vị thế Mặt trận

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Hà Văn Hùng: “Để đổi mới thành công cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận”.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, MTTQ Hà Tĩnh không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các cuộc vận động (CVĐ), các phong trào thi đua yêu nước, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Điểm nhấn nổi bật nhất là CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từ đầu nhiệm kỳ, Hà Tĩnh có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và có 38 xã đạt dưới 7 tiêu chí, đến cuối năm 2018 không còn xã dưới 11 tiêu chí và có 158 xã đạt chuẩn NTM (tăng 132 xã); huyện Nghi Xuân được công nhận là huyện đạt chuẩn NTM.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 8 phường đạt chuẩn văn minh đô thị và TP Hà Tĩnh được công nhận đô thị loại II. Kết quả xây dựng NTM, đô thị văn minh đạt được đã củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Qua khảo sát của MTTQ, tỷ lệ hài lòng của nhân dân tại các xã, phường, thị trấn đăng ký xây dựng NTM, đô thị văn minh đạt 85% - 98%.

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng năm, bằng nhiều hình thức, MTTQ Hà Tĩnh đã phát động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm. Trong 5 năm qua (2014-2019), Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động ủng hộ Quỹ gần 140 tỷ đồng, đã hỗ trợ cho hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, tặng quà Tết, hỗ trợ đột xuất, khám, chữa bệnh và hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó học giỏi, góp phần “kéo” tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm mạnh.

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường được MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai có hiệu quả, nổi bật là: Phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp”; “Thắp sáng đường quê” và “Bảo vệ dòng sông quê hương”; phong trào trồng cây xanh, hàng rào xanh, đường hoa đã tạo được sự lan tỏa trong nhân dân bảo vệ môi trường; phong trào “Ba không” (không ma túy, không cờ bài ăn tiền, không vi phạm an toàn giao thông); phong trào “Đoàn kết, sáng tạo”…

Trong “ngôi nhà chung” Mặt trận, việc đổi mới hình thức, nội dung tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc… đã tạo nên không khí thi đua sôi nổi, gắn kết các tầng lớp nhân dân.

MTTQ các cấp ở Hà Tĩnh đã phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần nâng cao các thương hiệu hàng Việt trong tâm trí người tiêu dùng, từng bước hình thành thói quen tiêu dùng của nhân dân theo hướng ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đến nay có hơn 78% người dân Hà Tĩnh quan tâm, hưởng ứng.

Tất cả các phong trào, các CVĐ do MTTQ Hà Tĩnh phát động đều có chiều sâu, tạo sức lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân. Bà Nguyễn Thị Mai Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực UB MTTQ tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Để có được những thành quả này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã dày công xây dựng các chương trình, kế hoạch, triển khai thực hiện các phong trào, CVĐ một cách bài bản, công phu và không ngừng sáng tạo. Tất cả các phong trào, CVĐ đều tập trung hướng mạnh về cơ sở, vì nhân dân”.

Đột phá trong giám sát, phản biện

Công tác giám sát và phản biện xã hội đã được MTTQ Hà Tĩnh đẩy mạnh, trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm của MTTQ và các tổ chức thành viên. Cách thức giám sát, phản biện được đổi mới theo hướng tích cực, sâu sát, hiệu quả.

Nhiệm kỳ qua, MTTQ Hà Tĩnh và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp chủ trì giám sát 468 chuyên đề. Phối hợp với HĐND, các ban, ngành tham gia 1.251 cuộc giám sát, tổ chức phản biện 1.014 dự thảo văn bản với 4.970 ý kiến phản biện. Nội dung giám sát gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, của từng địa phương liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Anh Đức cho biết: “Trong quá trình giám sát và phản biện xã hội, MTTQ và các đoàn thể ở Hà Tĩnh đã phát huy được trí tuệ, kiến thức chuyên sâu nên kết quả giám sát, phản biện xã hội được cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân đồng tình, đánh giá cao”.

Nhiều chuyên đề giám sát để lại tiếng vang lớn, tạo bước đột phá trong công tác giám sát, phản biện. Sau mỗi chuyên đề giám sát, MTTQ và các tổ chức đoàn thể “bóc tách” được những vấn đề nổi cộm, kịp thời đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp điều chỉnh thực hiện các chủ trương, chính sách theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn đời sống xã hội. Nổi bật là những chuyên đề về thu chi trong trường học; huy động nguồn lực trong xây dựng NTM; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân; chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM… Đặc biệt, chuyên đề giám sát kết quả thực hiện chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn giai đoạn 2011-2015 có hiệu ứng rất tốt, qua đó đã phản biện, điều chỉnh, bổ sung nhiều chính sách hiệu quả cho phong trào xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Chuyên đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân cũng tạo được sức lan tỏa sâu rộng, được nhân dân đồng thuận cao vì các cán bộ giám sát đã tìm ra được sự thực phía sau vấn đề nóng bỏng này. Hậu giám sát mở ra nhiều giải pháp hữu hiệu, các cơ quan chức năng phải chấn chỉnh ngay.

Đầu năm 2019, MTTQ tỉnh Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh thực hiện chuyên đề “Nắm tình hình nhân dân, dư luận xã hội ở các xã có chủ trương dự kiến sáp nhập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2021”, qua đó phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng phương án sáp nhập phù hợp. Sắp tới, nhiều chuyên đề giám sát “nóng” và thiết thực với đời sống xã hội sẽ được MTTQ Hà Tĩnh thực hiện sâu sát hơn.

Tạo đà tiến lên

Từ nền tảng đã có và bằng những nỗ lực không ngừng, với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, MTTQ Hà Tĩnh sẽ tạo những “cú hích” mới trong thời kỳ mới. Mặt trận luôn có lợi thế tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc vì những mục tiêu cao cả. Khối đại đoàn kết thông qua Mặt trận luôn có sức mạnh to lớn, lâu bền. Nhưng ở mỗi thời kỳ lại đặt ra cho người làm Mặt trận bài toán vận dụng sức mạnh truyền thống ấy sao cho phù hợp.

Theo ông Hà Văn Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, kinh nghiệm cho thấy “cán bộ là gốc của mọi công việc” và để đổi mới thành công, đạt được những thành quả tốt trong công tác Mặt trận cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận. “Những năm qua, cán bộ Mặt trận Hà Tĩnh không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, rèn luyện bản thân, nâng cao trình độ, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Cán bộ Mặt trận Hà Tĩnh hiện nay không phải tuyên truyền, vận động suông, mà đã nắm khá vững chính sách, pháp luật nên hiệu quả tuyên truyền vận động hiệu quả hơn. Cán bộ Mặt trận cũng chính là những người xung kích, đi đầu, gương mẫu trong việc thực hiện các chủ trương, các phong trào, CVĐ” - ông Hùng nhấn mạnh.

Trên cơ sở 5 chương trình hành động của nhiệm kỳ mới (2019-2024), Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đặt ra 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Đó là: Tập trung tuyên truyền, vận động, phát huy dân chủ, đồng thuận trong tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh; tham gia thực hiện hiệu quả các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội, vì người nghèo; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

* Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2019-2024 kêu gọi tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của các tầng lớp nhân dân Hà Tĩnh và kiều bào ở nước ngoài, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tận dụng thời cơ, vượt qua mọi thử thách, khó khăn, cùng Đảng bộ và chính quyền các cấp đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng tỉnh Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới để nâng tầm vị thế Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO