Sau gần 10 năm tích cực huy động và lồng ghép các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn vùng căn cứ cách mạng KBang, tỉnh Gia Lai đã vươn lên khởi sắc đáng khích lệ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Đến nay, huyện Kbang đã có 4/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); trong đó, 1 xã đang chờ được công nhận, các xã còn lại bình quân đạt 15 tiêu chí.
Nông thôn mới ở xã Đak Hlơ, huyện Kbang, Gia Lai.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đến với vùng đất khó KBang đã tiếp thêm sức mạnh để địa phương tạo bước đột phá trong phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. 10 năm qua, huyện KBang đã huy động gần 5.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế của người dân. Gần 430 km đường giao thông được cứng hóa; 34 công trình thủy lợi, hồ chứa các loại được nâng cấp đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho hơn 80% diện tích sản xuất; 100% thôn, làng có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt trên 98%; hơn 68% cơ sở dạy học được đầu tư đạt chuẩn khắc phục tình trạng thiếu phòng học, không còn phòng học tạm bợ, tranh tre, nứa lá. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 52% năm 2010 xuống còn dưới 8% năm 2019, thu nhập bình quân đầu người từ 10 triệu đồng/người năm 2010 hiện đã tăng hơn 35 triệu đồng/người…
Xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển kinh tế là mục tiêu hàng đầu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, thời gian qua, huyện KBang đã định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với nhu cầu thị trường nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Đến nay, đã có trên 900 ha đất kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả các loại như cam, quýt, chuối, ổi, nhãn, vải, mít, sầu riêng, bơ, xoài,… mang lại thu nhập cao cho người dân.
Cùng với việc chuyển đổi cây trồng, huyện Kbang còn quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đất được thiên nhiên ban tặng cho nhiều giá trị lịch sử, danh lam thắng cảnh hùng vỹ. Phó Chủ tịch huyện Kbang Phạm Xuân Trường cho rằng, để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, địa phương xác định cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và lồng ghép tổng hợp các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế theo phương châm phục vụ lợi ích của nhân dân. Với sự vào cuộc quyết liệt, đến nay địa phương đã mời gọi được nhiều doanh nghiệp uy tín về liên kết đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần cải thiện cơ bản đời sống của nhân dân.
Qua chặng đường gần 10 năm xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở Kbang đổi thay toàn diện, những mái nhà đỏ tươi san sát, chập chùng hiện hữu cả một vùng, bên những con đường thông thoáng, sạch đẹp hứa hẹn một cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.