Tiếp tục nâng cao chất lượng mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư

Trung Kiên 29/08/2019 18:23

Ngày 29/8, Ban chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án mô hình tự quản tổ chức hội thảo "Thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố - thực trạng và giải pháp", tại Đồng Tháp.

Tiếp tục nâng cao chất lượng mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư

Quang cảnh hội thảo.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng đề án mô hình tự quản, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì, tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo MTTQ các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, Long An, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bình Dương, thành phố Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhìn nhận về hoạt động của các mô hình tự quản trên địa bàn, nhiều địa phương cho rằng, một số mô hình tự quản còn hình thức, chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động, không có kế hoạch, chưa có sức lan tỏa... Thêm vào đó, tỷ lệ hộ gia đình tham gia sinh hoạt tổ nhân dân, tổ dân phố ở một số nơi còn thấp. Một số cán bộ, công chức tham gia sinh hoạt chưa thường xuyên; cán bộ thôn, ấp, tổ dân phố đa phần là người lớn tuổi, cán bộ hưu trí nên sức khỏe hạn chế, nghiệp vụ công tác và kiến thức pháp luật thiếu hụt.

Thời gian qua, Đồng Tháp được xem là địa phương có các mô hình Tổ nhân dân tự quản hoạt động hiệu quả. Các tổ nhân dân tự quản của Đồng Tháp được thành lập theo hình thức phát huy dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Tổ nhân dân tự quản ở Đồng Tháp tạo ra môi trường thuận lợi để người dân phát huy quyền làm chủ và trách nhiệm làm chủ của mình ngày càng cụ thể, sâu sát hơn. Với phương châm hoạt động không hành chính hóa, các thành viên của tổ hoạt động linh hoạt từ định hướng nội dung, phương pháp theo dõi, nhưng phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của cấp ủy các cấp.

Ông Nguyễn Tôn Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chia sẻ về hoạt động của tổ nhân dân tự quản trên địa bàn: Toàn tỉnh hiện có hơn 12.600 tổ nhân dân tự quản với hơn 427.600 hộ thành viên. Trong đó, có 9.229 tổ hoạt động tốt (chiếm 72,76%), 3.455 tổ hoạt động còn khó khăn, chưa đi vào nề nếp (chiếm 26,23%).

Tại Đồng Tháp, tổ nhân dân tự quản được quán triệt theo quan điểm “việc gì của dân và dân làm được hãy trao quyền để dân quyết định, dân thực hiện”; và phương châm “kiên trì, sáng tạo, tập trung dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang đề xuất tại hội nghị, các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư giai đoạn hiện nay cần quan tâm đến công tác tham mưu cho cấp ủy, chủ động phối hợp với các ngành xây dựng mô hình phù hợp với địa phương.

Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền để huy động sức dân xây dựng khu dân cư; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân (nhất là vùng có đông đồng vào dân tộc thiểu số, tôn giáo) để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động và có định hướng hoạt động phù hợp với các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Đến nay, toàn quốc hiện có 229.480 mô hình tự quản tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực về xây dựng, phát triển kinh tế gia đình, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, quản lý và xây dựng hạ tầng cộng đồng dân cư.

Một số mô hình đang được duy trì hiệu quả ở các địa phương, điển hình như Khu dân cư tự quản thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường; Câu lạc bộ giúp nhau xóa đói giảm nghèo; Nhóm liên gia tự quản về an ninh trật tự, mô hình tự quản về hành lang an toàn giao thông...

Ghi nhận và lắng nghe các ý kiến đóng góp, chia sẻ của các địa phương về hoạt động của Tổ tự quản, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng đề án mô hình tự quản, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đánh giá, các mô hình tự quản đã góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông... Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự,...

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, hướng dẫn của MTTQ và các đoàn thể để duy trì, nâng cao chất lượng các mô hình tự quản thôn, tổ dân phố.

Các địa phương cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác tự quản, tự bảo vệ; làm tốt công tác xã hội hóa nhất là kinh phí cho các hoạt động tự quản; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, rà soát lại và chỉ nên duy trì các mô hình có chất lượng, thật sự cần thiết phù hợp với thực tế cơ sở, hạn chế tổ chức quá nhiều mô hình…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp tục nâng cao chất lượng mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO