Mở cửa ngay sau khi Hà Nội chính thức nới lỏng giãn cách xã hội, triển lãm điêu khắc “Biến chuyển” đang diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) Hà Nội cho thấy “những tiếng nói mới” của điêu khắc đương đại Việt Nam.
“Biến chuyển”, theo đơn vị tổ chức, là kết quả từ chuỗi hoạt động lưu trú, sáng tác, trưng bày các tác phẩm điêu khắc đá, được khởi xướng bởi Lương Art Space (Ninh Vân, tỉnh Ninh Bình) và điêu khắc gia Lương Trịnh.
Từ ngày 10/10, triển lãm được giới thiệu tới công chúng với 35 tác phẩm của 9 nghệ sĩ điêu khắc: Đào Châu Hải, Lê Thị Hiền, Khổng Đỗ Tuyền, Lê Lạng Lương, Lương Văn Việt, Trần An, Thái Nhật Minh, Lương Trịnh, và Đào Tân.
Từ khắc tới tạc, từ những nét chạm trên đá tới những phù điêu, lịch sử nghệ thuật điêu khắc đá đã xuất hiện lâu đời cùng những nền văn minh cổ đại. Có lẽ vì thế, những dấu tích nghệ thuật luôn được lưu giữ ở những thể khối đá trường tồn với thời gian. Theo dòng chảy đó, điêu khắc đá đã trở nên tinh luyện, tinh tế, và biến chuyển dần dần về từng mạch chảy của mỗi cá nhân.
Khởi nguồn từ làng Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình) - nơi có làng nghề truyền thống đá lâu đời, chuỗi hoạt động nghệ thuật “Biến chuyển” được hình thành. Ngược dòng thời gian, năm 2019, lần đầu tiên nghệ sĩ điêu khắc Lương Trịnh cùng một số nghệ sĩ điêu khắc đã khởi xướng một workshop “Về với đá” với mong muốn sáng tạo nghệ thuật trong không gian mới, tìm kiếm chất liệu khác lạ.
Sang năm 2020, lựa khi dịch Covid-19 êm ả, hơn 10 nghệ sĩ lại tiếp tục quy tụ trong triển lãm “Đồng vọng Hoa Lư 2020”, ít nhiều gây dư vang trong giới nghệ thuật điêu khắc. Và tháng 10/2021, qua mắt giám tuyển Khổng Đỗ Tuyền, 35 tác phẩm được tuyển chọn làm nên một triển lãm “Biến chuyển” đón người xem trong gần 3 tháng.
Giám tuyển Khổng Đỗ Tuyền chia sẻ, “Biến chuyển” là triển lãm với góc nhìn uyển chuyển từ truyền thống tới hiện đại qua 35 tác phẩm. Sự tiếp biến nghệ thuật của “Biến chuyển” mang tâm tư của nhóm các nghệ sĩ điêu khắc: luôn hướng về quê hương, cội nguồn - nơi biết bao thế hệ nghệ nhân tinh hoa đã tạo ra nhiều công trình kiến trúc, nghệ thuật được lưu giữ trên khắp mọi miền đất nước.
Nếu nhà điêu khắc Lê Thị Hiền vẫn say mê với những khối hình học cơ bản và cách những khối hình này kết hợp với nhau thì tác giả Lê Lạng Lương mang đến chuỗi tác phẩm cổng trời, những khối hình vừa mang hình bóng con người vừa mang tính trừu tượng và mơ hồ, gợi mở, kích thích sự nghiền ngẫm, tò mò của người xem.
“Đá tưởng chừng là chất liệu tĩnh và khô cứng, nhưng tôi lại muốn gợi cho người xem cảm được cái “động”, cái mềm mại của từng chút đưa đẩy, từng chút chuyển dịch vi diệu qua sự lồi ra, lõm vào của những khối hình góc cạnh ấy”, nhà điêu khắc Lê Thị Hiền chia sẻ.
Mặc dù, đá không phải là chất liệu mới, nhưng theo nghệ sĩ Lương Trịnh, nhờ trực tiếp làm việc nhóm mà sau mỗi trại sáng tác, các nghệ sĩ đã thuần thục hơn, xử lý vật liệu đá ngày càng tinh tế hơn, cho ra đời nhiều tác phẩm ưng ý.
Xem triển lãm, thấy các nghệ sĩ đã sử dụng thuần túy chất liệu đá để từ đó biến hóa những mảng miếng, màu sắc, hình khối, sáng tạo tác phẩm theo cá tính nghệ thuật khác nhau, đồng thời phá vỡ xu hướng chọn chất liệu quen thuộc, tạo nên sân chơi đa dạng hóa ý tưởng và thể hiện tính đương đại trên chất liệu của mọi thời đại.
Theo nghệ sĩ Thái Nhật Minh, tiêu đề triển lãm lần này thể hiện mong muốn của 9 thành viên. Đó là dịch Covid-19 đã khiến xã hội và đời sống có nhiều thay đổi. Người nghệ sĩ cũng phải có sự chuyển biến nếu muốn bám sát, phản ánh mọi chuyển động cuộc sống. Cùng với đó, mỗi nghệ sĩ cũng cần có sự làm mới mình, biến chuyển bàn tay và óc thẩm mỹ.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam lạc quan cho rằng, điêu khắc đương đại Việt Nam sẽ tiếp tục khác lạ, và bản thân mỗi tác giả cũng đang đặt ra những thách thức cho chính mình. “Khi tôi cảm nhận những tiếng nói mới qua tác phẩm lần này, thì chính các bạn đang tạo nên nguồn năng lượng miên viễn nuôi dưỡng niềm hi vọng về toàn cảnh của điêu khắc đương đại Việt Nam”, ông Đoàn bày tỏ.
Triển lãm “Biến chuyển” mở cửa tự do tới hết ngày 2/1/2022 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (B1-R3 Vincom Mega Mall Royal City, 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội). Song song với triển lãm, đơn vị tổ chức sẽ tổ chức các buổi tọa đàm nghệ thuật với sự tham gia của các nghệ sĩ, các chuyên gia, nhà phê bình nghệ thuật.