Tiếp nhận và truyền máu: Luôn đảm bảo tiêu chí 3A

Đức Trân 27/11/2020 07:30

Trong 2 ngày 26-27/11, Viện Huyết học - Truyền máu TƯ phối hợp với Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học Huyết học - Truyền máu toàn quốc năm 2020.

Sự kiện này đã thu hút sự tham gia của gần 1.000 đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ y tế.

Hiến máu cứu người là một nghĩa cử đẹp.

Đây là Hội nghị khoa học lớn nhất của ngành Huyết học - Truyền máu được tổ chức định kỳ, góp phần vào sự phát triển của chuyên ngành và sự nghiệp bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các đại biểu có cơ hội cập nhật kiến thức mới, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn thông qua gần 100 bài chuyên luận và báo cáo có chất lượng về các lĩnh vực: Huyết học lâm sàng, Huyết học cận lâm sàng, Truyền máu, Ghép tế bào gốc, Di truyền - Sinh học phân tử… cùng với các gian triển lãm và các hoạt động bên lề có ý nghĩa.

TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TƯ, Trưởng Ban tổ chức Hội nghị khoa học Huyết học - Truyền máu toàn quốc 2020 cho biết: Năm 2020 là một năm đầy biến động do đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Công tác truyền máu tại hàng loạt quốc gia phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng về nguồn người hiến máu. Tuy nhiên, ngành Huyết học - Truyền máu Việt Nam đã chủ động, sáng tạo trong việc huy động người hiến máu và tổ chức tiếp nhận, cung cấp máu an toàn, góp phần vào thành công chung của cả nước trước đại dịch.

Nêu thực trạng hiến máu trong tình hình Covid-19, TS Trần Ngọc Quế, Viện Huyết học - Truyền máu TƯ chia sẻ, hơn 1 năm sau khi ca mắc Covid-19 đầu tiên được xác nhận, mặc dù đã có những thành tựu to lớn trong phòng chống dịch, nhưng tác động của Covid-19 tới hoạt động truyền máu rất nặng nề.

Theo thống kê từ 17 trung tâm huyết học truyền máu trên toàn quốc - cung cấp 85% lượng máu trên cả nước vào tháng 2/2020, lượng dự trữ máu tại các bệnh viện giảm sút một cách trầm trọng. Sau khi WHO công bố đại dịch toàn cầu, hàng trăm lịch hiến máu đã bị trì hoãn do lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh và lượng máu tiếp nhận chỉ vài trăm đơn vị 1 ngày. Trong khi, nhu cầu tại riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2.500-3.000 đơn vị máu/ngày.

Thực tế, tại thời điểm dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng, tình trạng này càng thêm trầm trọng, đơn cử tại Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên, đôi khi trong kho dự trữ chỉ còn không tới 100 đơn vị máu, trong khi nhu cầu trung bình của bệnh viện là 1.500 đơn vị máu/tháng. Tình trạng xảy ra tương tự tại Lào Cai, Thanh Hoá, Huế…

Tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, có thời điểm chỉ tiếp nhận được 50 – 60 đơn vị máu mỗi ngày. Lượng máu dự trữ của Viện có lúc chỉ còn 8.000 đơn vị máu; trong đó, máu nhóm A còn chưa đến 1.000 đơn vị máu (chiếm 12% tổng lượng máu dự trữ).

Theo TS Trần Ngọc Quế, ngay trong thời gian khó khăn về máu do ảnh hưởng của dịch bệnh, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đã có công văn về việc đẩy mạnh hoạt động hiến máu tình nguyện để giảm thiểu nguy cơ thiếu máu cho điều trị trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ngoài ra, nhiều ngành, đoàn thể, địa phương đã xây dựng kế hoạch, văn bản chỉ đạo hiến máu tình nguyện giúp cho ngành y tế khắc phục tình trạng thiếu nguồn người hiến máu như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Công an, Trung ương Đoàn TNCS HCM,…

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã xác định cần đảm bảo công tác tiếp nhận và cung cấp máu trong thời điểm chống dịch với tiêu chí 3A: Đó là An toàn cho người hiến máu, An toàn cho người bệnh nhận máu và An toàn cho nhân viên y tế. Viện cũng đã triển khai các hoạt động truyền thông, mời gọi người đủ tiêu chuẩn tham gia hiến máu, các chiến lược chăm sóc khách hành, email mời hiến máu và khẳng định an toàn trong mùa dịch.

Đến thời điểm hiện tại Viện Huyết học - Truyền máu đã có những biện pháp ứng phó kịp thời trong công tác tiếp nhận, cung cấp máu an toàn.

Trong lĩnh vực huyết học, các y bác sĩ đã ứng dụng các tiến bộ của thế giới về thuốc nhắm đích trong điều trị ung thư máu nhằm đem lại chất lượng cuộc sống tốt với thời gian sống kéo dài cho người bệnh.

Đặc biệt, Việt Nam thực hiện thành công khảo sát dịch tễ về tan máu bẩm sinh trên toàn quốc và phối hợp thực hiện chương trình tầm soát gene bệnh, tiến tới giảm dần số trẻ em sinh ra bị bệnh tan máu bẩm sinh tại một số địa phương…

Đồng thời, các cơ sở y tế có những bước phát triển liên tục trong hoạt động ghép tế bào gốc, chuyển giao thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho nhiều bệnh viện tại các tỉnh, thành phố…

* Tính đến nay, Viện Huyết học - Truyền máu đã đáp ứng cung cấp khá đầy đủ cho các bệnh viện, mặc dù dịch bệnh hoành hành nhưng năm 2020 đã đạt 98% so với dự trù từ các bệnh viện. Trong đó, lượng máu cung cấp vẫn đáp ứng cơ bản các nhu cầu của người bệnh.

* Theo TS Bạch Quốc Khánh: Dưới áp lực rất lớn vừa điều trị, vừa phòng chống dịch, đội ngũ chuyên gia, cán bộ y tế vẫn không ngừng học hỏi, nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh máu và cơ quan tạo máu. Những nỗ lực đó thể hiện ở các đề tài nghiên cứu khoa học tham gia trình bày tại hội nghị được đầu tư cả về chất lượng và số lượng, có giá trị thực tiễn cao đối với công tác truyền máu và điều trị, chăm sóc người bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp nhận và truyền máu: Luôn đảm bảo tiêu chí 3A

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO