Tiếp sức cho doanh nghiệp

Quang Ngọc 16/09/2021 08:17

Ngày 9/9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Mục tiêu của Nghị quyết là tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch Covid-19.

Đây là chính sách phù hợp và cần thiết để hồi phục sản xuất khi cuộc chiến với Covid-19 là cuộc chiến lâu dài. Vì thế DN, hợp tác xã rất cần được “tiếp sức” để vượt qua khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh, do đã phải ngưng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng suốt một thời gian dài. Chủ DN gặp khó và người lao động cũng gặp khó.

Tại thời điểm này, một số địa phương vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16-CT/TTg để phòng, chống Covid-19, nhưng cũng nhiều địa phương đã mở rộng được “vùng xanh” an toàn. Vì thế việc chủ động phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh cần sớm được đặt ra.

Dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm đã khiến nhiều DN điêu đứng. Đầu tháng 9 vừa qua, Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) công bố khảo sát nhanh về tình hình việc làm, thu nhập của người lao động và tình hình sức khỏe tài chính của DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 từ tháng 5/2021 đến tháng 8/2021. Kết quả cho thấy, số DN tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch chiếm tỷ lệ cao nhất, là 69%. Số DN cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh mặc dù không thể hoạt động toàn công suất chiếm 16%. Số DN giải thể/ngừng hoạt động kinh doanh chờ giải thể là 15%.

Những con số ấy cho thấy cộng đồng DN gặp rất nhiều khó khăn khi dịch bệnh kéo dài, phải thực hiện những biện pháp cứng rắn để phòng, chống dịch.

Hơn lúc nào hết, mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển sản xuất cần phải được áp dụng triệt để. Tới thời điểm này, mở cửa cho sản xuất, kinh doanh phải được xem là điều tất yếu.

Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể cho DN. Tới đây, điều đó càng cần phải được đẩy mạnh hơn nữa vì hơn bao giờ hết DN rất cần được trợ lực. Theo giới chuyên gia kinh tế, với gói hỗ trợ của Chính phủ cho DN, điều vô cùng quan trọng là phải loại bỏ những thủ tục phức tạp thì DN mới có thể tiếp cận. Khi mà “rừng” thủ tục vẫn còn đó thì nguồn vốn quý giá sẽ không thể tới được nơi cần trong khi DN chờ sự hỗ trợ từng ngày.

Một điểm nữa cũng rất quan trọng chính là ngân hàng cần khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay và đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Thuế thu nhập DN cũng cần thông thoáng khi mà nguồn thu của DN rất ít. Các loại phí, lệ phí cũng cần cắt giảm. Về Bảo hiểm xã hội, cũng cần hoãn thời gian phải đóng, ít nhất là tới hết năm 2021. Mặt khác, người lao động tại các DN cần được ưu tiên tiêm vaccine để có thể làm việc liên tục và bền vững.

Hỗ trợ để tiếp sức cho DN hồi phục trong khi vẫn phải tiếp tục cuộc chiến chống Covid-19 cần có cái nhìn dài hơi, những chính sách cụ thể. Và hơn hết, điều đó phải sớm được hiện thực hóa. Măt khác, về phía DN, cũng cần “xốc lại tinh thần”, không “bó tay” thúc thủ chờ hết dịch, mà trước hết phải tự mình đứng dậy, rảo bước về phía trước để “lấy lại những gì đã mất”. Nỗ lực phải đến từ hai phía, Nhà nước và DN, thì tất yếu thành công sẽ đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp sức cho doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO