Tiếp sức cho người lao động

Nam Việt 31/03/2022 00:18

Ngày 28/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Theo đó, hai đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động, với mức 500.000 đồng/người/tháng và 1.000.000 đồng/người/tháng.

Quyết định cũng quy định rõ điều kiện để người lao động được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng. Phương thức chi trả hàng tháng. Hồ sơ, trình tự, thủ tục để được nhận hỗ trợ, thực hiện chủ yếu tại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Thời gian từ lúc UBND cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đến khi UBND tỉnh ra quyết định hỗ trợ và chi trả cho người lao động là 4 ngày. Người sử dụng lao động chi trả cho người lao động trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ.

Việc hỗ trợ cho người lao động lần này đơn giản về thủ tục, rút ngắn thời gian để họ có thể nhận được hỗ trợ sớm. Cả cấp huyện lẫn cấp tỉnh, thời gian phê duyệt đều rất ngắn (mỗi cấp 2 ngày). Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng rất có thể thời gian sẽ bị kéo dài ở cơ quan bảo hiểm xã hội khi xác nhận người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, trước chi chuyển sang UBND cấp huyện.

Hơn 2 năm qua, cả nước gồng mình chống lại đại dịch Covid-19. Vô vàn khó khăn nảy sinh. Cộng đồng doanh nghiệp và người lao động bị thiệt hại nặng nề. Riêng với người lao động, rất nhiều người không trụ nổi đã phải rời thành phố, rời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để về quê. Một trong những lý do quan trọng khiến họ “bỏ cuộc” chính là do không có tiền thuê nhà.

Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, có tới hàng trăm nghìn công nhân thuê nhà trọ để làm việc. Bình thường họ đã phải dành một khoản thu nhập đáng kể cho việc này. Cũng vì thế nên từ khi doanh nghiệp, nhà máy hoạt động trở lại nhiều công nhân đã không trở lại làm việc do không có tiền thuê trọ. Những người trở lại làm việc cũng rất khó khăn. Do đó, ở thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất thiếu lao động. Có doanh nghiệp phải kê bàn ghế bên lề đường để tuyển dụng lao động.

Nhìn lại suốt thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động để giúp họ đứng vững được trong đại dịch. Nổi bật là Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 (sửa đổi tháng 10/2021) của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó quy định chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; hỗ trợ bổ sung và trẻ em của người lao động trong diện được hỗ trợ...

Những chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp, người lao động đã góp phần quan trọng giúp nhiều doanh nghiệp không bị gục ngã, phục hồi sản xuất, người lao động bớt khó khăn. Lần này, với việc hỗ trợ tiền thuê nhà là thêm một lần giúp đỡ rất cần thiết, hợp tình hợp lý.

Cũng từ việc này, có thể nói thêm về chính sách mang tính bền vững để khôi phục, phát triển sản xuất khi đã kiểm soát được đại dịch Covid -19, mà một trong những chính sách quan trọng nhất là tăng lương cho người lao động. Mới đây, tại phiên họp đầu tiên năm 2022 của Hội đồng tiền lương quốc gia, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất tăng lương cho người lao động từ 1/7/2022. Theo đó, cần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương, khi mà năm 2021 đã không được điều chỉnh.

Lúc này đây chính là lúc cần tăng lương tối thiểu cho người lao động, để họ bớt đi khó khăn do dịch bệnh kéo dài gây ra, để họ có thêm “năng lượng” và tinh thần làm việc trong bối cảnh mới và cũng để họ chống chọi tốt hơn với cơn bão giá đang nhen nhóm. Đó chính là cách tiếp sức tốt nhất cho người lao động không chỉ trước mắt mà còn mang tính lâu dài, ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp sức cho người lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO