Tiếp tục gỡ vướng thủ tục thuế và hải quan

THANH GIANG 26/11/2022 08:30

Mặc dù ngành thuế và hải quan có nhiều bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên cộng đồng doanh nghiệp còn tâm tư vì những quy định chưa rõ ràng trong quá trình xuất nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh.

Ngày 25/11, tại TPHCM, Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp (DN) phía Nam về chính sách, thủ tục hành chính thuế và Hải quan năm 2022. Tại đây, nhiều DN thắc mắc về một số quy định gây khó khăn cho hoạt động sản xuất. Liên quan đến lĩnh vực thuế, đại diện Công ty TNHH đường Biên Hòa Ninh Hòa (Khánh Hòa) cho hay, Công ty đường Biên Hòa được cổ phần hóa nhà nước và đặt nhà máy tại Ninh Hòa, Khánh Hòa. Đối với đầu tư mới, đầu tư mở rộng đơn vị đã được hưởng chính sách ưu đãi.

Tuy nhiên, theo quy định thì đối với ngành sản xuất chế biến nông sản sẽ được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt. Thế nhưng, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa lại trả lời doanh nghiệp là không được hưởng. Thắc mắc trên được đơn vị chuyển lên Tổng cục Thuế. Tổng cục Thuế cũng khẳng định, Công ty TNHH đường Biên Hòa được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt và yêu cầu đơn vị liên hệ với Cục thuế tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, dù Công ty đã làm theo đúng hướng dẫn song Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa vẫn phủ nhận quyền lợi của đơn vị.

Đại diện Công ty Cổ phần Rượu Bình Tây thắc mắc, đơn vị nhập rượu bán thành phẩm về sản xuất không vướng gì nhưng tiêu thụ nội địa lại gặp khó. Lý do, Hải quan yêu cầu đơn vị phải có giấy phép nhập khẩu. Trong khi đó, theo quy định hiện nay, đơn vị không cần có giấy phép nhập khẩu mà vẫn sản xuất và kinh doanh bình thường. Nêu một số bất cập xung quanh việc ưu đãi thuế, ông Vũ Văn Đảo - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí miền Nam cho rằng: “Những chính sách không thống nhất trong ưu đãi, truy thu thuế khiến chính sách ưu đãi thuế không phát huy tác dụng”. Vị này kiến nghị, Bộ Tài chính cần chỉ đạo thực hiện thống nhất, nhằm tạo thuận lợi cho DN, chính sách ưu đãi thuế tạo điều kiện cho DN tích lũy để đầu tư. Chia sẻ với băn khoăn của Công ty TNHH Rượu Bình Tây, ông Mai Xuân Thành – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan cho rằng, đây không phải là thắc mắc mới.

Nhiều DN đã đưa ra kiến nghị tương tự ở mùa đối thoại trước nhưng không hiểu sao đến nay chưa được giải đáp. Theo ông Thành, trong quy định kinh doanh rượu có 2 giấy phép: giấy phép kinh doanh rượu và giấy phép sản xuất. DN sản xuất được bán sản phẩm của mình và có giấy phép kinh doanh bán. Nếu ngành Hải quan yêu cầu phải có giấy phép nhập khẩu nữa sẽ là mâu thuẫn. “Tôi đề nghị căn cứ theo quy định trong thời gian sớm nhất phải giải quyết cho doanh nghiệp” – ông Thành đề xuất.

Ông Cao Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, năm 2022, tình hình thế giới biến động như: xung đột Nga - Ukraine kéo dài; lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ… Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực.

Trong năm 2022, Bộ sẽ hỗ trợ cho DN, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng. Có thể thấy, đây là năm mà các giải pháp hỗ trợ DN, người dân có quy mô lớn nhất, phạm vi áp dụng rộng nhất trong thời gian qua.

Song song với hoạt động hỗ trợ, ông Tuấn cho hay: “Bộ Tài chính tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chính phủ luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính. Trong đó có thủ tục về thuế, hải quan để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi”. Đơn cử, trong lĩnh vực thuế, tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế theo phương thức điện tử: Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc với 99,9% DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử...

Ở lĩnh vực hải quan, tiếp tục đẩy mạnh triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN. Quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung, an toàn bảo mật với đường truyền thông suốt. Đẩy mạnh phát triển và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tạo nhiều thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu nhằm giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Bộ Tài chính đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác, tập trung là hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, Bộ Tài chính luôn xếp trong nhóm 3 Bộ đứng đầu về Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp tục gỡ vướng thủ tục thuế và hải quan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO