Tiết kiệm chi phí

Miên Thảo 06/04/2022 00:18

Điều 59 của Nghị định 123/2020 của Chính phủ quy định về thời điểm bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử như sau: “Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2022, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Nghị định này trước ngày 1/7/2022”.

Như vậy, có nghĩa là các doanh nghiệp (DN) bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/7 tới, trừ một số trường hợp không đủ điều kiện theo quy định. Quy định này có sự nhất quán với Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, có hiệu lực từ 1/7/2020 về thời hạn áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử.

Tới nay, hóa đơn điện tử đã được dùng khá phổ biến. Tuy nhiên, “thời gian chót” cũng đang đến gần nhưng vẫn còn không ít DN sử dụng hóa đơn giấy truyền thống. Điều này đã tạo ra độ vênh trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Những lý do chính được DN đưa ra khi chưa chuyển đổi sang phương thức sử dụng hóa đơn điện tử là sợ không bảo đảm an toàn về độ bảo mật. Cùng đó là ngại thay đổi cách làm đã quá quen thuộc với DN mình.

Theo TS Tô Hoài Nam (Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam), hóa đơn điện tử có nhiều ưu thế so với hóa đơn giấy khi có thể tiết giảm thời gian, chi phí từ giấy mực in, chi phí chuyển hóa đơn cho khách hàng, chi phí lưu trữ hóa đơn… Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử, giao dịch điện tử thịnh hành… thì việc triển khai hóa đơn điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho DN mà cả đối với cơ quan thuế.

Thực tế cho thấy, chỉ cần có internet thì trong vài thao tác nhấp chuột, người mua hàng sẽ nhận được hóa đơn dù đang ở bất cứ nơi nào. Cũng chính điều đó, DN cũng không lo tình trạng bị thất lạc hóa đơn trong khi chờ chuyển phát và tăng cường khả năng bảo mật, giúp việc lưu trữ, quản lý hóa đơn vĩnh viễn. Chính vì thế, việc chuyển đổi từ giao dịch sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử là xu thế tất yếu và cũng là yêu cầu của một hệ thống thương mại hiện đại, minh bạch.

Thời gian trước khi sử dụng hóa đơn giấy còn phổ biến thì nạn mua bán hóa đơn, làm giả hóa đơn khá nhiều. Cơ quan chức năng cũng đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ mua bán hóa đơn giả. Vụ mới đây nhất là vào tuần đầu tháng 12/2021, Công an Hà Nội đã bóc dỡ một đường dây mua bán hoá đơn, với giá trị hàng hóa trước thuế ghi trên các hóa đơn mà các đối tượng bán cho khách hàng lên đến 1.000 tỷ đồng. Các đối tượng môi giới mua hóa đơn với giá từ 2% đến 4% tổng giá trị tiền hàng trước thuế ghi trên hóa đơn, sau đó bán lại cho khách với giá 8%-8,5% tổng giá trị tiền hàng trước thuế ghi trên hóa đơn.

Trong vụ này, Công an Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 14 bị can.

Như vậy có thể thấy hóa đơn giấy có khe hở để đối tượng xấu khai thác, hoạt động vi phạm pháp luật, làm thị trường nhiễu loạn, thuế bị gian lận. Điều này, với hóa đơn điện tử thì gần như bằng không, từ đó tạo ra hệ sinh thái đầu tư kinh doanh lành mạnh, công bằng trong hoạt động kinh tế. Khách mua hàng sẽ không còn phải nhận được hóa đơn của DN “ma”.

Tuy nhiên, tới nay vẫn còn một bộ phận DN chưa hiểu về lợi ích, tác dụng của việc sử dụng hóa đơn điện tử, nhất là DN nhỏ và vừa thường chậm trong việc tiếp cận công nghệ, ngại thay đổi nên vẫn chần chừ, chưa thực hiện.

Chính vì thế, để việc sử dụng hóa đơn điện tử thống nhất trên phạm vi cả nước từ ngày 1/7 tới, cùng với ý thức của DN thì ngành chức năng cần khẩn trương rà soát, phân loại người nộp thuế là DN nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn để thông báo đến từng địa chỉ cụ thể, công bố đường dây nóng tại cục thuế và chi cục thuế tiếp nhận và hỗ trợ người nộp thuế triển khai hóa đơn điện tử. Qua đó nắm bắt các vướng mắc để xử lý ngay, để hóa đơn điện tử thực sự góp phần tạo ra môi trường thương mại lành mạnh, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiết kiệm chi phí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO