Tiết kiệm chống dịch

Tinh Anh 10/06/2021 07:08

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ phòng chống đại dịch Covid-19. Tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 đã bổ sung nguồn phòng, chống dịch.

Chính phủ cũng sẽ đề nghị Quốc hội cho phép thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các bộ, ngành, địa phương nhưng chưa phân bổ (tính đến 30/6) hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện và các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương được yêu cầu cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm tối đa nguồn lực trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Khi nguồn lực còn hạn chế, việc dự trữ kinh phí dành để phòng chống đại dịch Covid-19 là thực sự cần thiết, cấp bách hơn những khoản chi khác.

Nghị quyết cũng yêu cầu lãnh đạo bộ, ngành, địa phương cần nhận thức rõ tình hình kinh tế - xã hội đất nước trong thời điểm hiện tại còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Song, cũng không vì thế mà bi quan, dao động, mất bình tĩnh. Các “tư lệnh” phải biến khó khăn, thách thức thành động lực để nỗ lực phấn đấu, hoàn thành mục tiêu kép đã đề ra.

Như vậy là ngoài việc ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vượt qua khó khăn trước mắt, vực dậy nền kinh tế, Chính phủ cũng đã thực hiện kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” để giảm gánh nặng cho ngân sách, tập trung nguồn lực vừa chống dịch vừa đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Quyết sách cắt giảm tới 50% chi phí hội nghị, đi công tác, tiết giảm 10% chi thường xuyên của Chính phủ đưa ra vào thời điểm này đã nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội. Đó là lý do mà kết quả thăm dò của các tổ chức thế giới về sự ủng hộ của người dân với chính sách điều hành của Chính phủ trong phòng chống Covid-19 cao đến vậy.

Người dân tin tưởng vào các chủ trương, chính sách, sự điều hành của Chính phủ trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Sự đồng thuận cao trong xã hội chính là sức mạnh to lớn giúp Việt Nam “ghi tên” trên “bản đồ” những nước kiểm soát đại dịch Covid-19 tốt nhất thế giới.

Rất nhiều nước lớn, kinh tế phát triển trong khu vực và trên thế giới đã phải ngả mũ bái phục trước thành tích to lớn của Việt Nam trong phòng chống đại dịch Covid-19. Chẳng thế mà mới đây, Mỹ đã đưa Việt Nam vào trong danh sách những điểm đến tương đối an toàn trong “bão dịch”, với cảnh báo mức độ 1 (mức độ lây lan Covid-19 thấp).

Trong khi hầu hết các nước đều có tăng trưởng kinh tế âm, thì nền kinh tế Việt Nam vẫn có tăng trưởng dương một cách ngoạn mục. Vừa kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, vừa đảm bảo phát triển kinh tế không hề đơn giản và dễ dàng, ngay cả với một cường quốc trong khu vực hay trên thế giới. Đó há chẳng phải thành tích đáng nể lắm hay sao?

Thành tích đó ở đâu ra nếu không phải là kết tinh của sức mạnh đoàn kết, trên dưới một lòng “nhất hô bá ứng”, cùng nhau nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua trở ngại? Thành tích đó cũng không thể có được nếu không có sự điều hành đúng đắn của Chính phủ, vừa kiên định kế hoạch, mục tiêu đề ra, nhưng cũng hết sức linh hoạt theo thực tế.

Chẳng phải việc Chính phủ vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm chi tiêu để tập trung nguồn lực chống đại dịch đã minh chứng rõ sự sáng suốt, nhạy bén hay sao? Chẳng phải việc Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 đang phát huy tác dụng vực dậy nền kinh tế đó sao?

Vẫn biết, cuộc chiến với “giặc dịch” sẽ còn kéo dài, sẽ còn rất nhiều khó khăn, trở ngại trước mắt. Song, với tinh thần đoàn kết, cả dân tộc nắm tay nhau tạo thành một khối thống nhất, thì chẳng có loại giặc nào mà không thể đánh bại. Từ Chính phủ tới mỗi người dân đều đang cố gắng nỗ lực trong phạm vi có thể, lý gì không giành chiến thắng?

Việc cắt giảm chi tiêu chưa cần thiết trong cơ quan nhà nước càng khiến các tầng lớp nhân dân trong xã hội thêm tin tưởng vào Chính phủ trong việc điều hành đất nước để giành thắng lợi mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh. Chính phủ còn có thể tiết giảm chi tiêu, lẽ nào mỗi cá nhân, tổ chức lại không cố gắng nỗ lực phòng dịch, đẩy mạnh phát triển kinh tế? Tiết kiệm chống dịch quả là kế sách vẹn toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiết kiệm chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO