Tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới: Nhìn lại hành trình 10 năm

Minh Quân 28/09/2019 07:00

Ngày 27/9, tại Hà Nam, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới (2010-2020) và đề xuất định hướng và giải pháp thực hiện trong giai đoạn sau năm 2020.

Tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới: Nhìn lại hành trình 10 năm

Các đại biểu tham gia Hội nghị.

Thành công…

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Bộ VHTTL được phân công nhiệm vụ về nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn (bao gồm hoàn thiện hệ thống Trung tâm văn hóa - thể thao, Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn bản. Trong đó, thực hiện tiêu chí 06 về cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí 16 về văn hóa. Theo đó, tính đến tháng 8/2019, cả nước có 7.035/8.982 (đạt 78,3%) Trung tâm Văn hóa - thể thao xã trong đó có 5.030/7.035 (đạt 71,4%) Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL. Về cơ bản các địa phương quan tâm xây dựng hội trường đa năng để tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động, sinh hoạt câu lạc bộ, đọc sách báo, văn nghệ, thể thao quần chúng. Đối với hoạt động thể dục thể thao, hiện có khoảng trên 70% xã đã dành quỹ đất cho thể dục thể thao…

Bên cạnh đó, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong những năm qua cũng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Từ chiếc nôi đầu tiên ở tỉnh Hưng Yên về gia đình văn hóa, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng phát triển sâu, rộng, thu hút trên 90% gia đình sinh sống ở nông thôn. Phong trào đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân.

Nhiều địa phương đã xây dựng gia đình văn hóa điển hình, mẫu mực, có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động sản xuất, làm kinh tế giỏi, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Nhà nước, các phong trào của địa phương. Vào dịp 18/11 hàng năm, hình thành ngày hội văn hóa tại cộng đồng khu dân cư, các địa phương có nhiều hoạt động tuyên dương các gia đình văn hóa tiêu biểu ở cơ sở…

Và thách thức

Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý từ Trung ương và địa phương cũng thừa nhận trong quá trình triển khai các tiêu chí văn hóa vẫn còn những hạn chế. Trong đó, theo đại diện các địa phương đều thừa nhận nguyên nhân chủ yếu là do thiếu về nhân lực và vật lực nên việc hướng dẫn, tổ chức và duy trì các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục- thể thao tại các nhà văn hóa chưa được thường xuyên. Đội ngũ cán bộ văn hóa cấp xã và thôn thường kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo hoặc đào tạo không đúng chuyên môn nên còn lúng túng trong việc tổ chức các hoạt động thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về vị trí, tầm quan trọng xây dựng các tiêu chí về văn hóa chưa thường xuyên, các hình thức tuyên truyền chưa thực sự phong phú.

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở Vi Thanh Hoài cho biết: Tại nhiều địa phương, việc quy hoạch quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao gặp nhiều khó khăn, lúng túng, vẫn còn tình trạng sử dụng đất hoạt động văn hóa, thể thao để hoạt động các mục đích khác. Quỹ đất dự trữ trong khu dân cư không có đủ so với tiêu chí, nếu quy hoạch ra khu vực cách xa khu dân cư thì không thuận tiện cho tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tại chỗ. Những nơi đủ điều kiện thì không huy động được nguồn kinh phí để xây dựng. Bên cạnh đó vẫn còn tồn hệ thống nhà văn hóa xây dựng từ lâu hoặc chuyển đổi từ nhà kho, nhà trẻ thành nhà văn hóa nên quy mô không phù hợp, trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu, xuống cấp nghiêm trọng không đảm bảo các hoạt động sinh hoạt của nhân dân. Ở vùng miền núi, cơ sở vật chất cho thể dục thể thao còn khó khăn, tuy được quy hoạch, nhưng chưa triển khai xây dựng được mới chỉ là các bãi đất trống được san ủi bằng phẳng, hoặc có nơi chủ yếu là núi đồi, rừng khó tạo mặt bằng để xây sân chơi, bãi tập; mặt khác dân cư sống phân tán, rải rác nên khó vận động tổ chức được các hoạt động thể dục thể thao quy mô. Ở một số nơi, xây dựng không thu hút được người dân tham gia hoạt động vì chưa phù hợp về quy mô, kiểu dáng, vị trí hoặc không phù hợp với phong tục, tập quán...

Cũng theo Phó Cục trưởng, có hiện tượng xảy ra tại một số địa phương, sau khi được công nhận đã không quan tâm đến việc tu sửa, tôn tạo và tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao. Thậm chí có nơi đã có thiết chế văn hóa, thể thao bị “xóa sổ”. “Kết quả công nhận giữ vững danh hiệu Làng văn hóa còn khiêm tốn, có nơi còn để phát sinh tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình.... dẫn đến việc không giữ vững danh hiệu. Việc bình xét các danh hiệu còn qua loa, hình thức, đối phó”- Phó Cục trưởng nói.

Cũng tại Hội nghị, đại diện các địa phương cũng bày tỏ việc cấp kinh phí cho xây dựng, đầu tư trang thiết bị của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở còn ít, không đáp ứng được nhu cầu hoạt động của nhân dân do phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và tùy vào điều kiện, khả năng thu ngân sách của địa phương…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới: Nhìn lại hành trình 10 năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO