Tiêu tiền dân

Hoàng Mai 05/08/2016 00:05

Trong bài phát biểu ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức hồi cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, đất nước ta đang đứng trước nhiều vận hội phát triển nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức ấy là: Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn; xử lý nợ xấu chưa thực chất; dư địa chính sách và nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất hạn hẹp.

Tiêu tiền dân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên nhậm nhậm chức hôm 26/7. (Ảnh: Hoàng Long).

Nhằm giảm thiểu đến mức tối đa những áp lực lên nền kinh tế đất nước, Thủ tướng cho biết: Chính phủ phải nỗ lực tinh giản bộ máy hành chính nhà nước các cấp, đi đầu trong việc tiết kiệm công quỹ, sử dụng tài sản công, xe công, đi công tác nước ngoài... “Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội.”-Thủ tướng nói trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước.

Phát biểu này của Thủ tướng đã nhận được nhiều sự đồng tình của ĐBQH cũng như cử tri và nhân dân và được coi như một chương trình hành động của Chính phủ khóa mới. Sở dĩ, điều này nhận được nhiều sự đồng tình cũng là bởi: Lâu nay, nhân dân vốn đã khá bức xúc với tệ tham nhũng, lãng phí như một căn bệnh phổ biến trong xã hội. Một căn bệnh nặng, “lây lan” trong các cơ quan công quyền với một tốc độ khá nhanh mà hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị để chữa dứt điểm căn bệnh này; hoặc chí ít là để “khoanh vùng, dập dịch”.

Mới đây nhất câu chuyện Hội đồng Tiền lương quốc gia phải mất tới hai phiên họp khá tốn kém ở ngoài Hà Nội mới chốt được phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 đã như một câu chuyện bi hài về sự lãng phí của cơ quan công quyền, khiến công luận không thể không lên tiếng phê bình. Thế mới thấy, chữa bệnh lãng phí chẳng hề dễ chút nào.

Rồi, ở một khía cạnh khác, câu chuyện lạm thu ở một số địa phương, nhất là khu vực nông thôn khi các khoản thu được tính trên đầu người dân. Nó bất hợp lý đến mức trẻ em vừa ra đời đã phải gánh trên vai những khoản phí không có trong danh mục. Hai câu chuyện trên chỉ là nhỏ thôi nếu so với những tham nhũng, lãng phí trong xây dựng cơ bản.

Nhưng, chỉ biết, những câu chuyện nhỏ nhặt ấy đã không chỉ tạo gánh nặng cho người dân, mà còn gây phản ứng bức xúc trong nhân dân, làm giảm lòng tin của người dân vào chính quyền.

Ngay trên diễn đàn Quốc hội mới đây, ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) đã có một “chuyên đề” nói về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Không phải không có lý khi ĐB chọn vấn đề này để tham gia ý kiến với Chính phủ, bởi, dù đã có luật nhưng lãng phí vẫn chưa có gì thay đổi và còn có chiều hướng gia tăng. Lãng phí gặp ở khắp nơi, trong cuộc sống thường ngày như trong đầu tư xây dựng, trong quản lý sử dụng đất.

Mà, những dạng lãng phí này chưa hề có xu hướng giảm; không những thế còn làm cho nền kinh tế vốn không khỏe của chúng ta yếu đi. Tệ hơn, đó là việc từng đồng tiền thuế của dân, những đồng tiền phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được nay bỗng chốc bốc hơi qua các dự án, công trình gây lãng phí thất thoát tiền tỉ.

Chỉ nói riêng chuyện 8 triệu héc ta đất giao cho các nông, lâm trường quốc doanh quản lý và sử dụng nhưng nhiều năm qua không đem lại hiệu quả mong muốn; thậm chí, nhiều nơi sử dụng sai mục đích, chuyển nhượng đất bất hợp pháp dẫn đến lãng phí, trong khi người dân thiếu đất canh tác thì các nông, lâm trường quốc doanh lại để đất hoang hóa, thậm chí tình trạng này còn khá phổ biến ở các địa phương.

Rồi chuyện, trên địa bàn cả nước các cơ quan, đơn vị nhà nước công lập đang quản lý và sử dụng diện tích nhà ở với tổng số diện tích đất lên tới 1,5 tỷ mét vuông, giá trị tương đương khoảng 594 ngàn tỷ đồng. Trong đó khu vực sự nghiệp công lập chiếm 1,2 tỷ mét vuông, bằng 80% tổng diện tích.

Riêng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện đang quản lý, sử dụng khoảng 155 triệu mét vuông đất, trong đó nhiều đơn vị chiếm giữ số lượng nhà đất rất lớn, nguồn đất chưa sử dụng khoảng 3 triệu 164 nghìn héc ta. Phần lớn đất công được giao cho các đơn vị thuộc những vị trí đắc địa ở các đô thị lớn, các trung tâm công nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng đất lãng phí, sai mục đích đang diễn ra phổ biến, gây thất thoát rất lớn cho nhà nước…

Những ví dụ ấy cho thấy sự xót xa không hề nhẹ. Nó cũng lý giải, vì sao, ngay trên diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng đã nói về sự minh bạch trong sử dụng vốn, tài sản công rồi cả những đồng tiền thuế được đóng góp cho mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các công trình công cộng.

Đó cũng là bởi, hơn ai hết, Thủ tướng nhìn thấy sự lãng phí tiền dân vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ mà không hề có dấu hiệu dừng lại; dù cho đã có những khuôn khổ pháp luật cụ thể. Nó cho thấy, hoặc là, hành lang pháp lý dù đã được dựng lên nhưng vẫn có những kẽ hở để người ta lách luật, để làm trái. Hoặc là, luật pháp tuy nghiêm minh nhưng việc xử lý vẫn còn nương nhẹ với những người không coi trọng tiền thuế của dân.

Chương trình hành động của Chính phủ đã đặt ra là hoàn toàn chính xác. Cũng vì thế nên phát biểu của Thủ tướng đã nhận được sự đồng tình cao của nhân dân.Nhưng, để thực hiện được, rất cần sự đồng lòng, dốc sức của cả hệ thống chính trị.

Quan trọng nữa là cần tăng cường kiểm tra, kiểm toán trước đối với các dự án đầu tư ngăn chặn kịp thời thiệt hại ngay trước khi quyết định đầu tư dự án thi công công trình, tránh lãng phí về nguồn lực.

Và, để minh bạch thật sự, cần công khai kết quả kiểm toán tới các phương tiện thông tin đại chúng với mục đích, đưa ra ánh sáng các công trình bị thất thoát, lãng phí và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Như thế, sẽ tạo nên áp lực và tạo sự đồng tình trong dư luận xã hội rộng rãi để công chúng cùng tham gia vào quá trình giám sát hoạt động của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

Cuối cùng, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm toán và công khai kết quả cần xử lý nghiêm trách nhiệm với các tổ chức, cá nhân sai phạm để mỗi đồng tiền thuế của dân đều được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích đề ra. Tin rằng, quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm thành hiện thực; góp phần giảm thiểu và dần loại bỏ chuyện chi tiêu sai mỗi đồng tiền của dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiêu tiền dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO