Tìm động lực tăng trưởng

Thanh Đức 28/11/2022 07:10

Khi tháng 11 sắp trôi qua, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 3,1% trong năm nay, còn năm 2023 chỉ là 2,2%. Trong bối cảnh đó, châu Á được coi động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Một cửa hàng thiết bị điện lạnh ở Mumbai (Ấn Độ). Ảnh: REUTERS.

Dù OECD không nói đến kịch bản suy thoái nhưng dự báo của tổ chức này vẫn bi quan hơn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). IMF cho rằng, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% năm nay và 2,7% năm tới.

Lạm phát kéo dài vắt sang năm 2023

Theo OECD, kinh tế toàn cầu hiện chịu tác động của lãi suất cao, lạm phát leo thang, niềm tin người tiêu dùng suy giảm... Tình hình có thể còn xấu hơn trong năm tới khi mức tăng trưởng nói trên chỉ đạt 2,2% trước khi tăng lên 2,7% năm 2024.

Nhà kinh tế trưởng của OECD - TS Alvaro Santos Pereira cho rằng kinh tế thế giới đã và đang tiếp tục choáng váng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất kể từ những năm 1970. Cú sốc năng lượng này khiến lạm phát lên mức cao chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Theo OECD, điều đó chịu tác động từ mức lạm phát của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tới 8% trong năm 2022 trước khi giảm xuống 5,5% vào năm 2023. Còn đối với các nền kinh tế phát triển, lạm phát vẫn ở mức trên 9% trong năm nay trước khi giảm xuống còn 6,6% năm 2023.

Chưa hết, vẫn theo OECD, bất chấp nỗ lực của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương thì lạm phát vẫn tiếp diễn, từ đó có thể đẩy nền kinh tế nhiều quốc gia rơi vào suy thoái. Nhất là với 19 quốc gia châu Âu sử dụng đồng euro (khu vực Eurozone) thì dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2023 trước khi con số này tăng nhẹ lên 1,4% vào năm 2024.

Kinh tế châu Á tăng trưởng dù phải đối mặt với làn sóng Covid-19 mới

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, châu Á được xem là động lực tăng trưởng chính của thế giới trong 2 năm 2023 và 2024. Dự báo của OECD, kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6,6% năm nay và 5,7% năm tới. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc dù được dự báo có mức tăng trưởng kém ấn tượng hơn nhưng vẫn cao hơn so với EU và Bắc Mỹ.

Nhóm chuyên gia của OECD cho rằng trong cơn sốc lạm phát mang tính toàn cầu năm 2022 và còn kéo dài sang 2023, thì châu Á với sự uyển chuyển vốn có sẽ không bị tác động quá lớn, từ đó cũng sẽ nhanh chóng tìm ra được lối thoát, bảo đảm tăng trưởng. Cùng với Ấn Độ, thì Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ kết thúc năm 2022 với khá nhiều lạc quan. Chính điều đó tác động lớn tới các nền kinh tế khác trong châu lục, khi mà chuỗi cung ứng nội khối không bị gián đoạn.

Nhận định mới này của OECD khác với nhận định của IMF khi cho rằng sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của châu Á hồi đầu năm 2022 đang dần mất đà vào những tháng cuối năm, tuy nhiên vẫn nhấn mạnh châu Á là một điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu.

Kể từ giữa tháng 11, châu Á lại bất ngờ phải chịu đựng một yếu tố bất lợi, đó là dịch Covid-19 tưởng chừng đã yên thì lại có xu hướng bùng phát. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khu vực Tây Thái Bình dương, trong đó có nhiều nước châu Á đã dẫn đầu thế giới về số ca mắc Covid-19 tuần thứ 3 liên tiếp; khi đã ghi nhận gần 1,19 triệu ca mắc mới, chiếm 49% số ca toàn cầu (2,43 triệu ca). Đáng chú ý, với hơn 593.000 ca (tăng 18%) Nhật Bản là nước có số ca mắc mới nhiều nhất thế giới. Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Y tế Nhật Bản đã tuyên bố nước này bước vào làn sóng Covid-19 thứ 8 từ ngày 16/11, sau khi số ca mắc hằng ngày vượt mốc 100.000 ca một ngày. Bộ trưởng Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Katsunobu Kato đã cảnh báo về số ca Covid-19 nghiêm trọng và tử vong đang gia tăng ở người cao tuổi.

Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc cũng phải áp dụng một số biện pháp hạn chế để ngăn chặn làn sóng Covid-19 mới. Điều đó khiến mức độ tiêu dùng trong nước giảm, đồng thời du lịch cũng gặp khó khăn.

Riêng với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, số ca Covid-19 mới đã cao hơn số ca mắc hằng ngày kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này cuối năm 2019. Sputnik dẫn thống kê của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết nước này ghi nhận 31.656 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ của ngày cao điểm của tuần cuối tháng 11. Còn tờ The Straits Times cho rằng cao điểm là ngày 25/11, Trung Quốc ghi nhận 32.695 ca mắc Covid-19, phá kỷ lục 31.656 ca của ngày trước đó. Đáng chú ý, trong số đó có tới 27.646 ca không triệu chứng. Các thành phố ghi nhận nhiều ca Covid-19 nhất là Bắc Kinh, Trùng Khánh và tỉnh Quảng Đông.

Hiện các quốc gia châu Á áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19 khác nhau. Tuy nhiên, xu thế mở cửa, bình thường hóa là phổ biến đi cùng với những khuyến cáo của cơ quan y tế. Vì thế, làn sóng Covid-19 mới quay trở lại nhưng có lẽ cũng không ảnh hưởng nhiều tới kinh tế trên phạm vi châu lục, theo OECD.

Theo Ngân hàng thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 được điều chỉnh giảm đáng kể, từ mức 4,1% trong dự báo vào thời điểm đầu năm 2022 xuống còn 2,8% trong dự báo tháng 10/2022. Trong khi đó, Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2022 đạt 3,2%. Còn tại Báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển kinh tế mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của một số nền kinh tế lớn so với dự báo đưa ra trong tháng 4/2022. Cụ thể dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ giảm từ 3,9% xuống còn 1,6%; Khu vực đồng euro giảm từ 3,3% xuống 2,5%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm động lực tăng trưởng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO