Tìm giải pháp phát triển rừng bền vững

VÂN HẰNG 14/08/2022 08:44

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trăn trở: Rừng là vàng, mà sao đời sống người gác rừng, người giữ rừng, còn lắm nỗi khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Giữ rừng không nên bó hẹp trong tư duy quản lý, mà cần mở rộng thành tư duy quản trị rừng. Bảo vệ rừng không nhất thiết phải đóng cửa rừng bằng mọi cách, mà cần có cách tiếp cận hài hòa, đồng bộ, tương tự như nhiều quốc gia đã làm…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham gia tái thả gà lôi trắng Lophura nycthemera về rừng tại Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Theo Bộ NNPTNT, hiện cả nước hiện có 167 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích trên 2,3 triệu ha, trong đó Tổng cục Lâm nghiệp được Bộ NNPTNT phân cấp giao trực tiếp quản lý 6 vườn quốc gia: Ba Vì, Tam Đảo, Cúc Phương, Bạch Mã, Yok Don và Cát Tiên (là những vườn có diện tích rừng nằm trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên).

6 vườn quốc gia này chiếm 26,7% tổng diện tích các vườn quốc gia trên toàn quốc, có nhiều hệ sinh thái rừng quan trọng, đặc trưng cho các hệ sinh thái tự nhiên; là nơi lưu giữ, bảo tồn nguồn gen đa dạng sinh học rất phong phú, quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam; đóng góp quan trọng trong bảo vệ tính nguyên vẹn của hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giáo dục môi trường, nghiên cứu khoa học; đồng thời, góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái; cải thiện đời sống nhân dân vùng đệm, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Dù vậy, với thực trạng tài nguyên đang mất dần, tại hội nghị “Thực trạng và phát triển bền vững các vườn quốc gia” do Bộ NNPTNT tổ chức, vừa diễn ra tại tỉnh Ninh Bình, trăn trở với câu nói “rừng vàng, biển bạc”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan băn khoăn: Tại sao nói rừng vàng mà dưới tán rừng vẫn nghèo, người giữ rừng vẫn nghèo, chúng ta cần tư duy để rừng thực sự là rừng vàng. Do đó cần phải tìm ra giải pháp phát triển bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cách thức giữ rừng, quản trị rừng, bảo vệ rừng hiệu quả nhất, phải chăng là để rừng luôn rộng mở với người dân, với cộng đồng, chào đón tất cả chúng ta cùng trở về, cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát triển. Tất nhiên, mở cửa rừng phải gắn với những quy định cần thiết để phòng ngừa rủi ro cho rừng.

Kinh tế lâm nghiệp bền vững cần được quan tâm, quyết không đánh đổi tăng trưởng bằng sự suy thoái môi trường, làm mất đi đa dạng sinh học, cân bằng tự nhiên. Một cây xanh, một khu rừng không chỉ có giá trị từ ngành khai thác, chế biến gỗ, mà hơn hết, còn được xem là một nguồn lực thiên nhiên, với tính mở, tính đa dụng, đa chức năng. Cùng với giá trị kinh tế từ sản xuất gỗ thô, rừng còn là không gian bảo tồn các động vật hoang dã, là nơi trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên, là nơi gìn giữ tính đa dạng sinh học, hấp thụ khí cacbon.

“Cân bằng hệ sinh thái rừng giúp cân bằng nhịp sinh học của chính con người, gieo vào con người tình yêu cây cối, yêu rừng, yêu thiên nhiên và trên hết là tình yêu con người. Giá trị giáo dục của rừng, của muôn cây, muôn loài, sẽ ươm mầm những giá trị tốt đẹp cho thế hệ trẻ, cho cả thế hệ mai sau, nếu chúng ta rộng mở hơn với rừng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở.

Ông Nguyễn Văn Chính - Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết: Thành công lớn nhất của Vườn Quốc gia Cúc Phương là hợp tác quốc tế về bảo tồn loài; 3 chương trình cứu hộ của Vườn là biểu trưng điển hình của bảo tồn ở Việt Nam, có vị thế trong bản đồ bảo tồn quốc tế. Cũng chính nhờ đó, 3 năm liền (2019, 2020, 2021), Vườn Quốc gia Cúc Phương an toàn vượt qua đại dịch Covid-19, được Tổ chức Du lịch thế giới bình chọn giải thưởng “Công viên hàng đầu châu Á”.

Ông Chính đề xuất Tổng cục Lâm nghiệp thực hiện tổng kết việc thực hiện tự chủ tài chính để các khu rừng đặc dụng chủ động cơ hội mở rộng nguồn thu tại chỗ từ dịch vụ du lịch sinh thái có trách nhiệm, an toàn đối với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, đẩy mạnh dịch vụ môi trường rừng, nhất là dịch vụ giảm phát thải khí nhà kính, góp phần tăng trưởng xanh.

Dịp này, Bộ NNPTNT cũng giao Tổng cục Lâm nghiệp sớm triển khai, xây dựng Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, trong đó sẽ đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các giá trị dịch vụ hệ sinh thái trong môi trường rừng theo hướng đa dụng, đa chức năng để tạo nguồn thu cho các Ban quản lý rừng, cộng đồng địa phương. Trong đó, cơ chế tài chính phải tạo được động lực huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội hóa, kích thích tính năng động, sáng tạo của các Ban quản lý khu rừng đặc dụng. Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung quy định pháp luật về lâm nghiệp, trong đó chú ý đến hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm giải pháp phát triển rừng bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO