Tìm giải pháp xây dựng văn hóa giao thông

Hải Nhi 06/09/2017 13:11

"Cần tích cực hơn nữa trong việc tìm giải pháp để xây dựng văn hóa giao thông trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia lưu ý.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu khai mạc hội nghị.

Thực hiện chương trình phối hợp giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban ATGT Quốc gia về “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông” giai đoạn 2016-2021, sáng 6/9, tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, Ủy viên Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn Nông Thị Lâm chủ trì Hội nghị.

Tai nạn giao thông vẫn diễn biến khó lường

Tai nạn giao thông hiện nay là “vấn nạn” của toàn xã hội, hàng năm cả nước có trên 8.500 người chết, khoảng 24.000 bị thương do tai nạn giao thông. Vì vậy, công tác bảo đảm TTATGT đã được sự quan của cả cộng đồng, nhiều tổ chức chính trị - xã hội cơ quan, ban ngành đoàn thể vào cuộc.

Thực hiện mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và việc xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã được các cấp, các ngành chức năng đặc biệt quan tâm.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 8 tháng đầu năm 2017: Toàn quốc xảy ra 12.775 vụ TNGT, làm chết 5.422 người, làm bị thương 10.534 người. So với cùng kỳ năm 2016, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể: số vụ TNGT giảm 859 vụ (-6,3%), số người chết giảm 318 người (-5,54%), số người bị thương giảm (-10,73%).

Chỉ tính riêng trong tháng 8 năm nay, toàn quốc xảy ra 1.603 vụ TNGT, làm chết 661 người và làm bị thương 1.298 người, trong đó có 4 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá: Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và việc xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã được các cấp, các ngành chức năng quan tâm. Do vậy, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT ở một bộ phận nhân dân đã có chuyển biến, song "nhìn chung số người nhận thức, hiểu biết pháp luật về TTATGT chưa nhiều, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông", Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhận định.

Theo Phó Chủ tịch, đáng chú ý, vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu một số địa phương, của một số cơ quan quản lý nhà nước về công tác đảm bảo TTATGT và giám sát việc chấp hành pháp luật về TTATGT chưa được đề cao, chưa quan tâm thường xuyên, nghiêm túc đến công tác bảo đảm TTATGT. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn tồn tại các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông chưa được xử lý dứt điểm. Chính vì thế mà nhiều vụ tai nạn giao thông gây hiệu quả nghiêm trọng thương tâm vẫn tiếp tục xảy ra.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Tại Hội nghị, Thiếu tá Nguyễn Quang Huy, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, người vi phạm pháp luật giao thông đa dạng thành phần xã hội, lứa tuổi, trong đó thành phần nông thôn chiếm tỉ lệ lớn về vi phạm và TNGT, đặc biệt là đối tượng điều khiển xe mô tô.

Trong thời gian gần đây tình hình TNGT có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường, cho thấy kết quả công tác kiềm chế, làm giảm TNGT chưa thật sự có tính bền vững.

Lồng ghép với các Cuộc vận động, phong trào

Tại Hội nghị, đã có nhiều giải pháp được đưa ra: Phát huy vai trò người có uy tín, tiêu biểu trong công tác tuyên truyền đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại xã Hòa Lạc; Xây dựng mô hình điểm về đảm bảo trật tự ATGT ở khu dân cư trên địa bàn xã Cai Kinh; Đưa tiêu chí “Bảo đảm an toàn giao thông vào tiêu chuẩn gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa” tại xã Sơn Hà…

Bà Nông Thị Lâm, Chủ tịch MTTQ tỉnh Lạng Sơn điều hành phần tham luận tại Hội nghị.

Nêu giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông tại điểm đen xã Minh Sơn, đại diện Ban công tác Mặt trận khu dân cư Thôn Bến Lường, xã Minh Sơn cho biết, với đặc điểm trên địa bàn thôn có Quốc lộ 1A đi qua nên hàng ngày có rất nhiều phương tiện tham gia giao thông như xe khách, xe tải siêu trường, siêu trọng do đó nguy cơ tai nạn giao thông, mất ATGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ban công tác Mặt trận khu dân cư và Ban An toàn Giao thông xã đã tổ chức họp bàn triển khai các biện pháp, xây dựng kế hoạch phát động phòng trào toàn dân tham gia bảo đảm an toàn giao thông gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, kiện toàn Tổ tự quản đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở khu dân cư, lấy trưởng khu làm tổ trưởng, nòng cốt là Công an viên, có sự tham gia của các tổ trưởng các chi hội, chi đoàn với tổng số 21 người, địa bàn hoạt động chủ yếu là ở đường quốc lộ và một số tuyến đường trong thôn.

Kết quả hằng năm, Tổ tự quản đã phối hợp triển khai ký cam kết tới 97% số hộ gia đình trên địa bàn, với 534 lượt hộ gia đình, phát 1.150 tờ rơi. Ngoài ra còn vận động nhân dân tự giác tháo dỡ các công trình, hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; phối hợp phát quang, cải tạo các số tuyến đường trong thôn. Công tác tuyên truyền bảo đảm trật tự ATGT gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã góp phần giảm tại nạn giao thôn, giảm số người vi phạm phát luật về giao thông.

Sau khi nghe các đại biểu phát biểu, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh ghi nhận: Trong những năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện tuyên truyền rộng rãi chủ trương, chính sách, pháp luật về An toàn giao thông đến với mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng, lồng ghép với việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua diễn ra ở cơ sở, cộng đồng dân cư.

Thiếu tá Nguyễn Quang Huy – Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lạng Sơn trình bày tham luận.

Tổ chức cho các gia đình, đoàn thể tham gia xây dựng cụ thể hóa bằng các mô hình, việc làm, nhất là các hoạt động tự quản để tuyên truyền ý thức pháp luật về công tác đảm bảo TTATGT.

Quá trình thực hiện vừa qua, nhiều địa phương có những mô hình hoạt động có hiệu quả góp phần làm chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi, phòng tránh tại nạn giao thông và góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.

“Tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa cao. Chính vì vậy, chúng ta cần tích cực hơn nữa trong việc tìm giải pháp để xây dựng văn hóa giao thông trên địa bàn”, Phó Chủ tịch lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm giải pháp xây dựng văn hóa giao thông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO