Tìm kiếm thị trường mới cho trái cây

Hải Nhi 19/08/2020 06:00

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ đang nỗ lực đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường xuất khẩu trái cây ra thế giới.

Kiểm tra chất lượng nhãn lồng Hưng Yên trước khi xuất khẩu.

Trái cây Việt Nam hiện đã được xuất khẩu vào các thị trường yêu cầu cao về kiểm dịch và an toàn thực phẩm như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand... Ngay trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ NNPTNT đã tích cực chủ động phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương hoàn tất thủ tục mở cửa cho trái vải tươi niên vụ 2020 của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản thành công.

Vụ nhãn năm nay, theo Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương, tính đến ngày 12/8, các DN đã xuất khẩu 45,2 tấn nhãn Chí Linh sang các thị trường khó tính. Trong đó DN Rồng Đỏ dự tính sẽ xuất khẩu hơn 100 tấn nhãn sang các thị trường như: Úc, Singapore, EU, Trung Đông...

Tại Sơn La, 10 tấn thanh long ruột đỏ của huyện Thuận Châu cũng đã xuất sang thị trường Nga trong những ngày cuối tháng 7 vừa qua. Sơn La với nhiều loại trái cây như thanh long, xoài, nhãn... được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, đạt chuẩn VietGAP và được cấp mã vùng trồng, đang mở ra tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu nông sản tới những thị trường khó tính trên thế giới. Trước đó, hàng chục tấn thanh long đã được HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng (tỉnh Sơn La) xuất khẩu sang Nhật Bản. Xoài của địa phương này cũng đã xuất sang Mỹ.

Gỡ khó cho quả nhãn trong dịch bệnh Covid-19, mới đây, Bộ Công thương, Bộ NNPTNT, UBND các tỉnh Hưng Yên, tỉnh Sơn La cùng một số cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước vừa tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam 2020. Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NNPTNT, đến thời điểm này, có thể nói chúng ta đã có một vụ nhãn thành công về sản lượng cũng như đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng sản phẩm nhằm phục vụ cho xuất khẩu.

Trước bối cảnh gặp khó trong khâu tiêu thụ, xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chủ trương của Bộ Công thương và Bộ NNPTNT là nỗ lực đổi mới phương thức kết nối giữa các doanh nghiệp, các cơ quan thương mại từ hình thức trực tiếp sang hình thức trực tuyến, với mục tiêu vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa đảm bảo về mặt tăng trưởng về xuất khẩu.

Cũng trong gần 1 tuần qua, xuất khẩu trái cây sang Mỹ bị gián đoạn do Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ làm việc tại Việt Nam hiện không có kiểm dịch viên để kiểm tra hàng trước khi chiếu xạ gây khó khăn, ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp.

Để giải quyết khó khăn này, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Cục đang đề nghị Đại sứ quán Mỹ hỗ trợ tiếp tục cử cán bộ của APHIS đến cơ sở chiếu xạ để làm việc. Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật đang liên hệ đưa chuyên gia Mỹ đến Việt Nam làm việc. Hiện phía Mỹ đã cử chuyên gia, làm xong thủ tục visa, hộ chiếu để sang Việt Nam nhưng do thời điểm này các chuyến bay thương mại chưa có. “Chúng tôi đang làm việc với các cơ quan liên quan để trong thời gian sớm nhất có thể đưa chuyên gia sang Việt Nam”- ông Hiếu cho biết.

Với các thị trường quan trọng khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, Cục Bảo vệ thực vật cho biết đã làm việc với các nước để uỷ quyền cho phía Cục làm công tác kiểm dịch thực vật tại các cơ sở xử lý để tránh gián đoạn thương mại, đến nay mọi việc diễn ra bình thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm kiếm thị trường mới cho trái cây

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO