Tìm nét riêng cho phố đi bộ

HOÀI DƯƠNG 31/05/2022 07:28

Hà Nội đang dẫn đầu xu hướng phát triển phố đi bộ trong không gian đô thị. Nhìn lại có những không gian, tuyến phố đi bộ được tổ chức thành công, nhưng cũng có nơi đìu hiu vắng vẻ. Mới đây, tuyến phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) là không gian đi bộ thứ 4 đã chính thức đi vào hoạt động, thành phố cũng dự kiến tiếp tục mở một số tuyến mới. Vấn đề này đã tạo ra các luồng ý kiến khác nhau, giới chuyên gia cho rằng cần tìm những giải pháp để nâng chất lượng của phố đi bộ, để mỗi phố đi bộ phải có bản sắc riêng nhằm thu hút du khách…

Không gian phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Thư Hoàng.

“Phong trào” phố đi bộ

Dịp 30/4 vừa qua, tuyến phố đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) là không gian đi bộ thứ 4 của Hà Nội được chính thức đưa vào hoạt động. Trước đó, phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ khu Phố cổ Hà Nội (Hàng Đào - Đồng Xuân), phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) đã được mở.

Theo kế hoạch, khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình) dự kiến hoạt động từ quý IV/2023. Bên cạnh đó, quận Ba Đình còn đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét, chấp thuận việc tổ chức khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã. Một số tuyến phố đi bộ khác cũng đang được đề xuất là quanh hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng), hay tại khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 (quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì)…

Qua tìm hiểu, việc mở các tuyến phố đi bộ nằm trong chương trình 03 của Thành ủy về chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025. Hà Nội sẽ phát triển, mở rộng từ 3 đến 5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ. Ngoài các tuyến đã có kế hoạch mở nêu trên, khu vực xung quanh di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng được định hướng quy hoạch thành không gian văn hóa, tuyến phố đi bộ kết hợp với phát triển mô hình kinh tế ban đêm.

Trước dự kiến mở thêm một số tuyến phố đi bộ mới, ghi nhận ý kiến từ phía người dân, chị Nguyễn Thị Nga (quận Hai Bà Trưng) cho rằng: Phố đi bộ tại những không gian văn hóa, lịch sử góp phần nâng cao giá trị những nơi này để người dân địa phương cũng như du khách có thêm địa điểm vui chơi, khám phá... Điều đó góp phần thúc đẩy du lịch, dịch vụ phát triển, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân trong khu vực đó. Đặc biệt, việc có nhiều tuyến phố đi bộ cũng giúp tạo thói quen đi bộ cho người dân.

Tuy nhiên, không ít ý kiến bày tỏ, Hà Nội đang “bội thực” phố đi bộ. Anh Trần Ngọc Vũ - người dân đang sinh sống gần hồ Thiền Quang lo ngại: Các tuyến phố đi bộ cũng gây ra không ít phiền toái, khó khăn cho cuộc sống hằng ngày của người dân và giao thông đô thị. Tôi đồng ý với việc mở phố đi bộ ở những nơi nhiều di tích lịch sử cũng như nơi có nhiều trung tâm mua sắm, nhưng chúng ta nên làm tập trung thôi. Bởi đường phố Hà Nội vốn đã không rộng, mật độ dân cư đông đúc thì việc mở các tuyến khố đi bộ càng gây khó khăn cho giao thông, đó là chưa kể tới những bất cập về cuộc sống của người dân trong phạm vi khu phố đi bộ.

Cần có bản sắc riêng

Dễ nhận thấy, phố đi bộ quanh Hồ Gươm là một thành công của Hà Nội khi người dân nườm nượp kéo về đây mỗi dịp cuối tuần. Ở không gian này, giới trẻ được thưởng thức nhạc đường phố, hay hòa mình vào điệu nhảy sôi động. Có lúc phố đi bộ Hồ Gươm lại như một hội chợ, nhưng cũng có đêm trở thành sân khấu ca nhạc hấp dẫn. Cùng một chuyến đi, các gia đình chị có thể vui chơi được ở nhiều địa điểm nổi tiếng của Hà Nội như: Nhà hát Lớn, tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn. Hay khu Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza… Chỉ cần đi bộ vài phút là đã đến được phố cổ, la cà quán xá, thưởng thức những món đặc sản của Hà Nội.

Góp thêm sự lôi cuốn của không gian đi bộ quanh Hồ Gươm còn là chợ đêm Đồng Xuân, và các tuyến phố đi bộ qua Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Giấy. Ngoài kinh doanh hai bên đường, người dân được kinh doanh sạp di động ở giữa đường, dành hai bên rộng 3-3,5 m làm lối đi cho khách. Mặt hàng kinh doanh ở đây chủ yếu là hàng thủ công mỹ nghệ, hàng Việt Nam chất lượng cao, điện máy, hàng phục vụ khách du lịch.

Cùng với đó là phố ẩm thực Tạ Hiện nổi tiếng với tên gọi “ngã tư” giao lưu quốc tế. Sau 6 năm hoạt động, không gian đi bộ Hồ Gươm và phụ cận đã trở thành thương hiệu, điểm đến của người dân và du khách trong, ngoài nước. Trung bình mỗi ngày khu phố đi bộ quanh hồ đón khoảng 20.000 khách. Khoảng 600 cơ sở kinh doanh đã chuyển sang hoạt động dịch vụ du lịch. Hàng trăm sự kiện văn hóa quy mô lớn, với sự tham gia của các tỉnh, thành phố trong nước, các tổ chức quốc tế đã được tổ chức tại đây.

Nhưng không phải đâu cũng có một “hệ sinh thái” lý tưởng như phố đi bộ Hồ Gươm. Đó là chưa kể, bình thường đây đã là điểm du lịch nổi tiếng, ai đặt chân tới Hà Nội cũng tìm đến.

Khác với sự sầm uất của phố đi bộ quanh Hồ Gươm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) lại thường trong tình trạng vắng khách. Còn nhớ, khi mới khai trương (năm 2018) phố đi bộ Trịnh Công Sơn được kỳ vọng sẽ là điểm đến mới, để thu hút người dân và du khách. Bởi không gian này cũng có những nét riêng, lại gắn với tên tuổi một nhạc sĩ nổi tiếng, chắc hẳn sẽ hấp dẫn du khách. Không gian này cũng được kỳ vọng trở thành sân khấu cho nghệ thuật chèo, xẩm, dân ca... của các đoàn nghệ thuật đến từ nhiều nơi trên cả nước.

Thế nhưng, sau 4 năm, quan sát sự vận hành ở phố đi bộ này thì thấy khá “đìu hiu”, ít có các trò chơi mới lạ hay các điểm dừng chân hấp dẫn để quyến rũ khách bộ hành. Vào tối cuối tuần, cả phố chỉ có thêm vài quán ăn, quán nước và một số cá nhân hoạt động nghệ thuật đơn lẻ. Ở đây cũng không có nhiều di tích để khách tới tham quan, chưa kể hệ thống cây xanh cũng ít. Đã vậy, 2 năm dịch bệnh vừa qua càng khiến con phố đi bộ này dường như bị lãng quên.

Mới đây, phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã được làm mới với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật và ẩm thực. Khu vực sân khấu ngoài trời rộng hơn 2.000m2 diễn ra các đêm biểu diễn nhạc Trịnh, hát quan và ca trù. Thế nhưng, ngay cả sau khi khai trương trở lại, với sự truyền thông rầm rộ, thì phố đi bộ Trịnh Công Sơn cũng chưa thu hút được người dân và du khách. Người ta thấy nơi đây vẫn thiếu hồn, thiếu một hệ sinh thái độc đáo, để có thể thu hút du khách.

Trước thực tế này, theo ông Tô Anh Tuấn - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, các mô hình phố đi bộ muốn hiệu quả phải thể hiện được nét đặc trưng về văn hóa, điểm nhấn về không gian. Như phố đi bộ Hồ Gươm cần khai thác triệt để nét đẹp kiến trúc cổ trung tâm thành phố, sự gần gũi thanh lịch của người dân. Còn phố đi bộ ở Sơn Tây là vẻ đẹp lịch sử của không gian cổ kính Thành cổ…

Nhìn sang một số các nước đã tận dụng tốt lợi thế của mình để thu hút người dân đến với phố đi bộ. Ví dụ Nhật Bản có hoa anh đào thì tổ chức tuyến phố để du khách ngắm hoa. Thượng Hải, Trung Quốc nổi tiếng là trung tâm thương mại hàng đầu châu Á thì có tuyến phố đi bộ mua sắm các mặt hàng xa xỉ. “Do đó, Hà Nội cần hướng đến mô hình phố đi bộ mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô, kèm theo các gian hàng đặc sắc. Các mặt hàng cần lựa chọn tinh tế để tránh cảnh nhếch nhác, xô bồ, nhưng vẫn tạo được việc làm, nguồn thu cho người dân và chính quyền”, ông Tuấn đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội bày tỏ: Thước đo quan trọng nhất để phố đi bộ thành công là nhu cầu của công chúng. Việc đáp ứng nguyện vọng của người dân sẽ giúp phố đi bộ hợp lý và khả thi. Dù vậy, không nên lấy sự thất bại của một trường hợp mà phủ nhận thành công của cả một mô hình. Vấn đề là chúng ta không thể bê nguyên một mô hình phố đi bộ để áp dụng cho các trường hợp khác nhau, trong khi mỗi phố cần có những đặc trưng, nét hấp dẫn riêng.

Biểu diễn nghệ thuật trong không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Lắng nghe người dân

Từ góc mình của mình, giới chuyên gia cũng bày tỏ, sự thành công của không gian công cộng nằm ở việc lắng nghe nhu cầu của người dân và thiết kế phù hợp với nó. Điều thành phố nên quan tâm không phải số lượng phố đi bộ hình thành, mà là chất lượng kết nối không gian và tạo ra giá trị của các tuyến phố đó.

Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho hay: Mô hình phố đi bộ xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân và xu hướng văn minh, hài hòa giữa yếu tố hành chính, thương mại với văn hóa, cộng đồng tại đô thị.

Đánh giá về không gian phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, ông Chính có cái nhìn khá khắt khe khi cho rằng: Dù quận Hoàn Kiếm đã làm tốt việc thu hút người dân đến phố đi bộ, nhưng thực chất chưa khai thác hết tiềm năng kinh tế, du lịch, văn hóa ở khu vực này. Cụ thể, việc kết nối giữa phố đi bộ Hồ Gươm, phố cổ Hà Nội và phố thương mại Tràng Tiền chưa thực sự rõ nét. Trong khi đó, khách du lịch nếu chỉ đến phố đi bộ thì không tạo ra nguồn thu, mà nguồn thu đến từ những khu thương mại, dịch vụ trong quần thể không gian đi bộ của Hà Nội. Vì vậy, cơ quan quản lý cần tính toán, đưa ra chiến lược phát triển rõ ràng cho từng thành phần liên quan đến phố đi bộ để phát huy triệt để giá trị, lợi thế.

“Mô hình phố đi bộ Hà Nội cần hướng tới là tuyến đường mang đậm bản sắc đô thị, có vị trí đắc địa về thương mại, kinh doanh. Như phố Tràng Tiền - tuyến có ý nghĩa quan trọng nối hai địa điểm lịch sử của Hà Nội là Hồ Gươm với Nhà hát Lớn cần cải tạo toàn bộ tuyến theo không gian đóng, tức là chỉ cho phép đi bộ, phương tiện sẽ được điều tiết sang hướng khác. Xung quanh phố này bố trí nhiều bãi đỗ xe, ga ngầm, trạm buýt để phục vụ người dân từ các nơi đổ về.

Dọc tuyến sẽ là những nhà hàng, rạp hát, chiếu phim, sân khấu, múa rối mang bản sắc văn hóa Hà thành. Thành phố có thể lợp vòm kính toàn bộ tuyến, để phố đi bộ hoạt động bất kể thời tiết, thời gian trong ngày. Hiện ý tưởng này có thể chưa khả thi, nhưng 5-10 năm nữa, khi Hà Nội hoàn thiện hệ thống metro, việc này hoàn toàn thực hiện được", ông Chính gợi mở.

Là người sống và làm việc tại Ý nhiều năm, KTS Vương Thùy Dương - Chuyên gia cao cấp về Quy hoạch và Thiết kế đô thị, Cty tư vấn enCity chia sẻ: Phố đi bộ là cách phát huy vai trò của không gian công cộng nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đời sống hàng ngày của cộng đồng dân cư địa phương. Việt Nam có 2 mô hình thành công là phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) và phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP HCM).

Lý do thành công nằm ở vị trí đắc địa ở trung tâm thành phố vốn là điểm đến có sẵn của người dân, nhu cầu người dân rất lớn trong việc chia sẻ không gian công cộng. Điều được tạo thêm là phần không gian mềm và các hoạt động văn hóa nghệ thuật sáng tạo, vui chơi, giao lưu cộng đồng. Sau 2 mô hình thành công này, chúng ta có thể thấy nhu cầu sử dụng không gian công cộng trong thành phố là rất lớn.

Các tiêu chí để thiết kế phố đi bộ nên ưu tiên đó là tính tiện lợi: An toàn, trải nghiệm đi bộ dễ chịu, vừa có không gian mở, vừa có không gian thương mại, hàng quán, mua bán. Cộng thêm việc chú ý bổ sung chuỗi trải nghiệm, nhất là tận dụng các điểm nhấn đô thị vốn có. Thậm chí có thể thiết kế để ngày thường vẫn sử dụng cho giao thông, và cuối tuần sẽ mở ra phố đi bộ (như phố đi bộ Hồ Gươm).

Tiếp đó là những trải nghiệm khám phá điểm đến mới. Vì thế cần thiết kế để phố đi bộ là nơi kết nối các điểm đến ấy. Đây cũng là cách tận dụng các giá trị văn hóa - kinh tế - không gian chưa được khai phá hết của đô thị hiện hữu.

“Sự thành công của không gian công cộng nằm ở việc lắng nghe nhu cầu của người dân và thiết kế phù hợp với nó. Để phát huy tiềm năng du lịch của thủ đô, điều chúng ta nên quan tâm không phải số lượng phố đi bộ hình thành, mà là chất lượng kết nối không gian và tạo ra giá trị của các tuyến phố đó”, KTS Vương Thùy Dương nhấn mạnh.

Trở lại “phong trào” mở phố đi bộ tại Hà Nội hiện nay, GS Nguyễn Văn Liên - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thẳng thắn nêu quan điểm: Phát triển phố đi bộ, văn hóa đi bộ là xu hướng tốt, nhưng cần tránh dàn trải, tránh tình trạng quận huyện nào cũng muốn làm phố đi bộ. Khi xây dựng phố đi bộ, nhiều lợi ích phải hy sinh, tạo áp lực lên giao thông. Việc phố đi bộ được mở quá nhiều, thực hiện vội vàng, chưa được đầu tư bài bản sẽ không thực sự đem lại lợi ích cho cộng đồng. Trong khi những tiêu chí đô thị thực sự thiếu là không gian xanh, công viên thì vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Liên gợi ý, Hà Nội nên học tập mô hình phố đi bộ ở Hội An, nơi văn hóa đi bộ gắn chặt với văn hóa ẩm thực cũng như biểu diễn đường phố. Mặt khác, phố đi bộ cần có những mục tiêu xa hơn là hút khách du lịch quốc tế, phát triển du lịch chứ không chỉ đơn thuần mở ra để người dân di dạo.

Không mang vật nuôi, loa công suất lớn vào phố đi bộ

UBND TP Hà Nội vừa ban hành quy chế quản lý hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận nhằm nâng cao công tác quản lý, phát huy hơn nữa giá trị của điểm đến Hà Nội.

Quy chế này nhằm yêu cầu các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thực hiện nếp sống văn minh, quy tắc ứng xử nơi công cộng. Có thái độ ứng xử văn hóa như: Trang phục lịch sự, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của Trung ương và TP Hà Nội. Không dừng, đỗ các phương tiện giao thông trước các điểm chốt ra vào của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không tuyên truyền các nội dung trái pháp luật.

Quy định này có hiệu lực từ ngày 27/5/2022, cũng yêu cầu người tham gia không gian đi bộ không mang vật nuôi, gia súc, gia cầm; không bán hàng rong, đánh giày, đeo bám khách du lịch; không sử dụng các thiết bị, dụng cụ như loa, đài, kèn, trống để phát tán âm thanh công suất lớn ra môi trường…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm nét riêng cho phố đi bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO