Tìm nguồn nhân lực cho điện ảnh Việt

Minh Quân 05/07/2021 09:00

Với một thị trường sôi động, điện ảnh Việt đang tạo ra những cú hích với nhiều sản phẩm “bom tấn”, trăm tỷ. Tuy nhiên, về mặt bằng chung thì nguồn nhân lực của điện ảnh lại đang ở tình trạng yếu và thiếu.

Cảnh phim “Bố già”.

Những “cú hích” tạo ra “bom tấn” phòng vé

Mặc dù phải chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nhưng việc bộ phim “Bố già” đạt mức doanh thu 420 tỷ và là bộ phim Việt duy nhất lọt vào danh sách phim chiếu rạp có doanh thu cao trên toàn cầu trong năm 2021.

Không những vậy, bộ phim của bộ đôi đạo diễn Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng còn được công chiếu tại Singapore, Malaysia, Australia và đặc biệt tại Mỹ doanh thu đã cán mốc 1 triệu USD. Có thể nói, thành công của “Bố già” đang tạo nên một “cú hích” lớn, đặc biệt là cho nền điện ảnh Việt.

Cũng trong năm 2020 và đầu năm 2021, điện ảnh Việt cũng đã ghi nhận hàng loạt bộ phim đạt doanh thu hàng chục, hàng trăm tỷ như “Lật mặt: 48h”, “Gái già lắm chiêu”… Điều đó phần nào đã minh chứng, điện ảnh Việt sau một thời gian chịu “lép vế” giờ đây đã tự tin khi “thi đấu” với các sản phẩm “bom tấn” nước ngoài tại các phòng vé.

Điểm qua các sản phẩm “bom tấn” của điện ảnh Việt trong những năm qua thì những tên tuổi tạo ra các thành công đó vẫn là những gương mặt “cũ” như Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Phan Gia Nhật Linh… trong cương vị đạo diễn, Trấn Thành, Ngô Thanh Vân, Thái Hòa… với vai trò diễn viên chính.

Thậm chí, thành công của nhiều bộ phim có được từ những nhà sản xuất, đạo diễn “tay ngang”. Đơn cử loạt phim “Lật mặt” của nhà sản xuất Lý Hải vốn xuất thân từ một ca sĩ, hay đạo diễn trẻ Nam Cito bộ phim “Gái già lắm chiêu” vốn xuất phát điểm được đào tạo thạc sĩ kinh tế tại Australia…

Giải bài toán nguồn nhân lực

Tuy nhiên, cũng chính những thành công vừa kể lại đang đặt ra “bài toán” về nguồn nhân lực của điện ảnh Việt cho sự phát triển trong tương lai.

Trước hết, khái niệm về diễn viên điện ảnh ở Việt Nam hiện nay còn khá “mơ hồ”. Hiện nay ngoài những trường hợp diễn viên tay ngang, vô tình nhận được lời mời casting, thì các diễn viên trẻ tạm chia ra làm hai nhóm. Trong đó, nhóm nghệ sĩ “tay ngang” bao gồm những người đẹp, hotboy, hotgirl, ca sỹ, người mẫu, MC… và nhóm nghệ sĩ chuyên nghiệp bao gồm các diễn viên được đào tạo đúng chuyên ngành hoặc các diễn viên trực thuộc nhà hát kịch.

Nhưng nhìn vào các bộ phim điện ảnh của Việt Nam thì nhóm nghệ sĩ “tay ngang” đang vô cùng lấn át. Nhưng bù lại dù diễn xuất của các nghệ sĩ “tay ngang” còn khá gượng gạo nhưng nhờ lượng người hâm mộ đông đảo hay nhờ sức ảnh hưởng ở mạng xã hội cũng góp một phần không nhỏ cho thành công của mỗi bộ phim.

Bên cạnh những vấn đề về chuyên môn, việc đầu tư các sản phẩm điện ảnh Việt Nam hiện nay đang tạo nên một sự chênh lệch, khi hầu hết các đơn vị sản xuất đều tập chung tại TP Hồ Chí Minh. Trong khi Hà Nội từng một thời là trung tâm điện ảnh của cả nước thì nhiều năm nay hầu như không sản xuất được bộ phim điện ảnh nào tạo được ấn tượng.

Dẫn chứng về nguồn nhân lực điện ảnh của Hà Nội, TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam nhìn nhận: Trong những năm qua TP Hồ Chí Minh đã vượt lên, trở thành trung tâm điện ảnh lớn nhất cả nước, bỏ xa Hà Nội về cả sản xuất lẫn phát hành phổ biến phim và thị trường điện ảnh (doanh thu chiếu phim tại TP HCM chiếm trên 60% cả nước).

Nguyên nhân, hiện nay ở Hà Nội hầu như chưa có đội ngũ làm phim. Các hãng phim thuộc Bộ VHTTDL chủ yếu duy trì đội ngũ với các phim do Nhà nước đặt hàng nên đang rất khó khăn, đặc biệt là đội ngũ làm phim truyện ngày càng teo tóp, vừa thiếu vừa yếu.

Chưa kể Hà Nội hiện nay rất ít nhà đầu tư cho điện ảnh, trong khi đến 90% nhà đầu tư đổ vào sản xuất phim ở TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, rạp của Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Điện ảnh Hà Nội chưa thu hút người xem vì cơ sở vật chất chưa đảm bảo, nguồn phim thiếu và chưa hấp dẫn…

Chính không khí này đã làm điện ảnh Hà Nội trong những năm qua trở nên “nguội lạnh” dẫn đến thực trạng rất ít dự án làm phim được khởi động. Điều này khá nghiêm trọng, vì không thể phát triển công nghiệp điện ảnh nếu không sản xuất phim.

Từ những bất cập trên, có thể thấy nguồn nhân lực điện ảnh Việt Nam đang đứng trước vô vàn những khó khăn cho dù đang đứng trước những xu thế phát triển vô cùng lớn. Ở đó, vấn đề lớn nhất cản trở cơ hội phát triển bền vững của nền điện ảnh Việt Nam là chất lượng nguồn nhân lực yếu và thiếu nền tảng đào tạo hiện đại, bài bản.

Có một thực tế, nhiều bạn trẻ đăng ký thi tuyển vào các trường đào tạo điện ảnh chủ yếu lựa chọn khoa đạo diễn hay diễn viên. Với những ngành khác, trong đó có biên kịch, có năm thí sinh dự thi còn ít hơn cả chỉ tiêu tuyển sinh.

Nhìn nhận về thực trạng này, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành thừa nhận điện ảnh Việt Nam đang thiếu những ê kíp giỏi. Điện ảnh là ngành tổng hợp, không phải đơn lẻ, trong khi chúng ta chưa tạo được những ê kíp giỏi liên tài với nhau.

Cũng theo Cục trưởng, một mặt, điện ảnh Việt đã có những đạo diễn, quay phim, biên kịch… giỏi nhưng họ lại nằm rải rác, chưa có sự gắn kết. Mặt khác, việc đào tạo cũng mất cân bằng, chưa đồng đều ở các ngành nghề.

Chẳng hạn, 10 người đi học nước ngoài thì 9 người muốn học làm đạo diễn, không ai muốn theo học ngành nghề khác. Trong khi đó, điện ảnh đâu phải chỉ có đạo diễn là giải quyết được hết vấn đề đâu. Có đạo diễn giỏi mà hình ảnh dở, âm thanh tệ, kỹ xảo yếu kém… thì đâu có được. Để tạo ra một bộ phim tốt cần phải có chất lượng đồng bộ ở các khâu.

“Chúng ta cần lựa chọn đào tạo tại nước ngoài cả ê kíp làm phim, chứ không riêng ngành đạo diễn. Sau khi đi học về, họ sẽ tạo thành ê kíp để đi làm phim luôn. Nếu có những ê kíp đồng bộ như vậy thì chỉ cần 5 - 10 ê kíp đi với nhau, cùng nhau làm thì có thể đưa điện ảnh Việt đi một bước dài”, Cục trưởng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm nguồn nhân lực cho điện ảnh Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO