Tìm nguồn nhân lực cho phát triển văn hoá

Minh Quân 19/08/2021 06:47

Theo Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hoá đến 2030 thì lực lượng xây dựng và phát triển nền văn hoá đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong ngành văn hoá, để phát triển nguồn nhân lực này cần phải có sự đầu tư, đào tạo đồng bộ để tránh lãng phí nhân tài.

Chưa có chiến lược đào tạo chuyên ngành đặc thù

Nghệ sĩ nhân dân Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết: Bản thân tôi đã học diễn viên, đạo diễn, quản lý văn hóa nghệ thuật và đang giảng dạy ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh thì 40 năm nay giáo trình đào tạo thay đổi không đáng kể. Nói riêng về đào tạo các loại hình nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải Lương, Dân ca Kịch, Múa Rối, khi tuyển sinh gặp vô cùng khó khăn. Nhiều năm trước ở 2 trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và TP HCM khi tuyển sinh ngành kịch hát truyền thống dân tộc thu hút hàng ngàn hồ sơ dự tuyển. Còn vài năm gần đây chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 20 diễn viên thì chỉ có từ 15-17 hồ sơ dự tuyển.

Có khá nhiều diễn viên trẻ khi tốt nghiệp ra trường về các đơn vị nghệ thuật lại tiếp tục bỏ nghề. Câu hỏi mà chúng ta phải trả lời vì sao lại có thực trạng đó? Theo nhận thức của tôi xây dựng giải pháp không khó, có điều là chúng ta có làm và quyết tâm thực hiện hay không? Chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đào tạo, trọng dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, vì đây là lực lượng kế cận, là hạt nhân tiêu biểu, là nền tảng, yếu tố con người để đảm bảo cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật bền vững của đất nước.

Xu thế phát triển của thời đại đòi hỏi và yêu cầu chúng ta không chỉ tập trung đào tạo ở trong nước mà trong Dự thảo nên đưa ra một tầm nhìn chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận với khu vực và thế giới để tránh bị tụt hậu trong nhiều lĩnh vực của nền văn hóa. Chúng ta cần đặt ra chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu từ nay đến năm 2030 ở các lĩnh vực tạo sự đột phá. Cần phải có nhiều chuyên gia tiêu biểu, tập trung đào tạo được nhiều “máy cái”, bậc thầy giỏi, để khi trở về nước người thầy sẽ đào tạo ra nhiều thế hệ nhân tố mới, tài năng ở các lĩnh vực của đời sống văn hóa nghệ thuật. Cần lắm phải xây dựng lộ trình, phân kỳ, có bước đi cụ thể trong đề án.

Đầu tư cho phát triển nhân lực văn hoá còn thấp

Còn TS Trần Hữu Sơn, Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian ứng dụng chia sẻ: Khảo sát và dựa vào niên giám thống kê ở một số tỉnh từ năm 2015 - 2020 đều nhận thấy tình trạng chung là đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn rất thấp. Chưa một tỉnh nào đạt mức đầu tư 1,8% tổng chi ngân sách địa phương cho văn hóa. Đơn cử như Hà Nội - trung tâm văn hóa của cả nước từ 2015 - 2020, mức chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin chưa bao giờ đạt 0,8% tổng chi ngân sách địa phương. Chính mức chi cho ngành văn hóa thấp, khiến cho hoạt động của lĩnh vực này chậm phát triển, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi xét đến chức năng của nó. Đó là sự xuống cấp của đạo đức xã hội, các giá trị nhân văn bị bào mòn, văn hóa không trở thành động lực cho phát triển.

Mức đầu tư cho văn hóa thấp, nhiều địa phương không phát huy được lợi thế xây dựng một bộ phận văn hóa trở thành ngành công nghiệp văn hóa quan trọng giúp tăng nhanh nguồn thu cho ngân sách. Để giải quyết bất cập này cần chú trọng thay đổi nhận thức cố hữu rằng văn hóa chỉ là “ngành tiêu tiền”, ngành không sản xuất, nên “khi thu được thì cho”, khi khó khăn thì cắt bỏ nhiều nguồn lực đầu tư cho văn hóa. Thậm chí với danh nghĩa tiết kiệm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch là ngành đầu tiên được xem xét cắt bỏ nhiều nguồn đầu tư nhất. Cần thay đổi nhận thức coi nhẹ vai trò của văn hóa, xem văn hóa không phải là ngành sản xuất; thay vào đó cần xác định đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho phát triển, đầu tư cho nguồn lực con người. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng phát triển nhanh ở mỗi địa phương.

Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam nêu quan điểm: Với cá nhân, trong lĩnh vực văn hóa và di sản văn hoá, tôi có nhiều điều mong muốn, đặc biệt mong muốn phải làm cho văn hóa và di sản văn hóa thực sự là cốt lõi của bản sắc dân tộc, là một nguồn lực quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Để văn hóa thực sự là “nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế, hệ điều tiết cho phát triển bền vững đất nước” và văn hóa thực sự ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội không phải chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành văn hoá, mà là cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương.

Nhà nước cần phải có cơ chế, chính sách phát triển văn hóa cụ thể; tăng nguồn đầu tư, ngân sách cho văn hoá, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa với những cơ chế, chính sách rõ ràng thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư cho văn hóa và hết sức coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đơn cử, hiện nay đội ngũ giám định cổ vật của nước ta còn rất thiếu, không đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội... Trong công tác đào tạo cán bộ, cần đặc biệt quan tâm đào tạo lãnh đạo quản lý văn hóa từ Trung ương đến cơ sở, cần có tiêu chí đối với cán bộ quản lý về văn hoá, đó phải là người có am hiểu văn hoá, hết sức tránh tình trạng đề bạt, bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ quản lý trái ngành nghề, thiếu kiến thức, am hiểu về văn hóa như đã xảy ra ở một số địa phương thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm nguồn nhân lực cho phát triển văn hoá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO