Tìm tiếng cười trên chiếu Chèo

Cao Ngọc (thực hiện) 08/12/2021 07:48

Chèo là hình thức sân khấu truyền thống rất phù hợp với không khí hội hè khi mỗi Tết đến, Xuân về. Bởi các vở Chèo đều có những vai hài, hề mang tới tiếng cười vui rộn rã cho người xem. Nhưng hiện nay, tiếng cười sảng khoái, thâm thúy, sâu sắc của Chèo dường như đang dần thiếu vắng...

Xung quanh câu chuyện này, NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.

PV:Thưa bà, là người từng tổ chức rất nhiều những buổi diễn Chèo vào ngày Xuân, bà có thể cho biết tại thời điểm này, người dân thường thích xem những tích gì?

NSND Thúy Mùi: Ngày Xuân, trong những lễ hội làng thì bà con thường thích xem những câu chuyện cổ tích, huyền thoại nhẹ nhàng nhưng đặc biệt là những vở diễn có yếu tố hài đậm đặc. Vì với không khí vở diễn tưng bừng, rộn ràng, người xem có cảm giác đấy sẽ là điềm báo cho sự hanh thông của cả một năm mới. Chính vì thế, hội làng thường mời các gánh Chèo, vì Chèo làm bật lên được sự xuân sắc ấy. Tiếng cười của Chèo cũng sâu sắc, thâm thúy, trí tuệ và có tính giáo dục nhưng lại dễ tiếp nhận với tâm thức chung của người dân.

Cụ thể, yếu tố hài hước trong Chèo là ở đâu?

- Hài, hề đòi hỏi sự tinh túy, tài năng, cái duyên thiên bẩm. Ngày xưa, mỗi vở diễn cần tới 6 tháng để các cụ ngâm nga, nâng lên đặt xuống, thêm vào bớt ra, gọt giũa nhấn nhá trong khâu hình thành cấu trúc vở diễn, chau chuốt để diễn sao cho có được một bản diễn trọn vẹn. Chèo cổ có những mảng trò bi hài xen kẽ, câu chuyện kể khiến những mảng bi hài này gắn bó hữu cơ với nhau. Các cụ thường diễn cương những mảng hài hề này, đem tất cả những tinh túy để diễn. Rồi chắt lọc, gọt giũa qua thời gian lâu dài mới có được những mảng hài hay còn lại đến ngày nay. Tôi cũng từng băn khoăn rất nhiều là hiện nay Chèo đang thiếu vắng tiếng cười duyên dáng mà thâm thúy từng là đặc trưng của thể loại.

Sân khấu Chèo đang thiếu những mảng miếng hài.

Thông qua các vở Chèo cổ cho thấy, cấu trúc chung là các cụ viết các màn hài hề đan xen. Nhưng hiện nay, các tác giả rất ít viết theo cách xen kẽ những mảng hài vào, hoặc có viết thì cũng chỉ găm nhẹ, hài hước một chút thôi chứ chưa có những vở tạo được những mảng hài vừa sâu sắc, vừa độc lập lại gắn kết với nội dung vở. Chính vì thế, đây là mảng vẫn còn thiếu vắng, hiếm hoi… Các tác giả viết những bản trường ca, bi kịch của những cuộc đời thì nhiều, nhưng để có được những người viết tinh cho Chèo, trong những bi kịch ấy đan cài được những mảng hài thì gần như là chúng ta rất thiếu thốn. Đứng ở tư cách đạo diễn, rất mong muốn có được những tài năng viết kịch như vậy, nhưng nếu cứ viết trong tình trạng chưa tới thì… thà rằng không có còn hơn vì nó dễ sượng, dễ gây phản cảm.

Vậy các đạo diễn, liệu có tự bổ khuyết được để khiến các vở diễn thêm phần hài hề mà vẫn duyên dáng?

- Không phải ai cũng có thể làm hài, đạo diễn nào cũng có thể làm hài được. Nhưng “có bột mới gột nên hồ”, các đạo diễn vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào khâu tác giả. Chưa kể, ngày xưa thì có rất nhiều thời gian để làm một vở, nhưng hiện nay, dàn dựng một vở diễn thì chỉ trong vòng có khoảng 1 tháng thôi nhằm làm thế nào ra vở nhanh nhất, chạy theo kế hoạch, đảm bảo gói gọn trong phần kinh phí Nhà nước cấp, chứ không thể kéo dài như trước.

Không chỉ ở yếu tố đạo diễn, chúng ta có thể tuyển, rèn luyện để có được hàng trăm diễn viên chính - những diễn viên hài có duyên, có tài năng. Tuy nhiên, rất nhiều năm vẫn không xuất hiện được một người. Diễn viên hài thường chỉ là vai phụ, nhưng hiếm hoi vô cùng những duyên hài để chỉ cần xuất hiện đã gây được tiếng cười thích thú, sảng khoái cho người xem… Cái đấy thường được gọi là thiên bẩm, tố chất trời cho, bản thân người diễn viên cũng phải hài hước, lạc quan, dí dỏm.

Trước kia ở Nhà hát Chèo Hà Nội, NSƯT Xuân Hinh ngồi nói chuyện bình thường cũng đã khiến người nghe cười ngả cười nghiêng rồi. Riêng diễn hài, không thể chỉ cần mẫn mà có được. Thêm nữa, các diễn viên cần tích lũy vốn sống, chịu tư duy, có trí tuệ thì mới tạo được những mảng hài có nhiều ý nghĩa để không biến hài thành xàm ngôn, lộng ngôn. Có vậy, người diễn viên mới đủ sức để bồi đắp thêm cho kịch bản dày dặn, tăng thêm chất hài cho vở diễn. Thêm nữa, cũng phải gặp được những kịch bản mà nét hài hước phù hợp với tố chất, với duyên hài của người diễn. Nếu kịch bản viết hay, nhưng người diễn viên lại không đủ tài để tải được, thì cũng khó để có mảng trò hay. Điều kiện để có những mảnh trò hài hề hay đòi hỏi nhiều như vậy nên cũng rất hiếm, khiến người làm nghề vẫn luôn khao khát.

Như vậy, có thể tạm kết luận, để hài hề Chèo vẫn giữ vai trò tốt thì cần đáp ứng được ở tất cả các khâu từ kịch bản cho tới đạo diễn, diễn viên?

- Khi xây dựng vở diễn thì chính cái hài nó làm nhẹ bớt, nó làm mềm mại hơn những màn căng thẳng, kịch tính và đó như một phong vị không thể thiếu được, rất riêng của Chèo. Nếu những vở Chèo mà không có những màn hài như vậy thì không được thành công lắm. Nhưng để có được cái hài hề Chèo lại rất cần sự kết hợp giữa đạo diễn, tác giả để có thể tạo ra được tình huống hài. Hài nó có hài tình huống, hài trò nhời, hài trò diễn… Nếu tạo được tình huống thích hợp, sẽ hỗ trợ cho diễn viên rất nhiều. Còn nếu có được diễn viên có duyên hài để ra sân khấu, thì quả thật là đạo diễn sẽ rất sung sướng bởi vì bất kể trò nhời hay trò diễn thì anh ta cũng là đồng sáng tạo với đạo diễn. Bên cạnh đó, cần hiểu rõ để những mảng miếng hài không được lấn át đường dây kịch, làm mất đi sự chú ý của khán giả đối với xung đột chính của vở diễn. Đó chính là cái mà người ta vẫn đặt là liều lượng, tiết tấu cần thiết.

Hài là hỗ trợ, tăng giảm những xúc cảm, kịch tính… Như vậy, xử lý sao cho hài hòa, sắp xếp chính phụ, kết cấu hợp lý là rất quan trọng. Có được những sự kết hợp tuyệt vời như vậy thì sẽ có được những mảng trò hay.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm tiếng cười trên chiếu Chèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO