Tín dụng cho phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội

T.Hằng 24/03/2023 07:00

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, chính sách của Ngân hàng Nhà nước là khuyến khích tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiềm ẩn rủi ro nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Thiếu vốn, nhiều dự án xây dựng nhà ở phải tạm dừng.

Cũng theo bà Hồng, thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý; nguồn vốn chỉ là một trong các vướng mắc và tín dụng chỉ là một trong các kênh huy động vốn cho thị trường BĐS. Bởi vậy, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, cần nhiều giải pháp chính sách đồng bộ từ các bộ, ngành, địa phương.

Về phía ngành ngân hàng, trong thời gian qua, NHNN luôn chủ trương cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Chính sách của NHNN là khuyến khích tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS tiềm ẩn rủi ro nhằm thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững.

Nhiều năm qua và năm 2022, tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS luôn chiếm khoảng 19% - 21% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS tăng trưởng 24%, trong đó dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng gần 24,03%, đều ở mức cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Năm 2023, NHNN đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn năm trước, ở mức 14-15%; có điều chỉnh phù hợp với thực tiễn để đáp ứng nhu cầu vốn cho các ngành, lĩnh vực; trong đó có BĐS. NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở và đảm bảo kế hoạch trả nợ. Bên cạnh đó, kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung/BĐS không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ BĐS, làm giá, lũng đoạn thị trường; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng.

NHNN cho biết, hiện 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã thống nhất sẽ dành một gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín dụng cho phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO