Tín dụng đen bủa vây công nhân

Mạnh Thìn 23/12/2022 07:48

Thiếu đơn hàng cuối năm, nhiều doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ luân phiên, thậm chí có nơi công nhân đã phải nghỉ Tết Nguyên đán trước cả tháng. Thu nhập giảm sâu khiến không ít người phải tìm tới tín dụng đen.

Tờ rơi quảng cáo được dán khắp cột điện gần các công ty, doanh nghiệp có đông công nhân.

Vay nóng và trốn nợ

Mấy ngày qua, anh N.T.A. (quê Bình Định) đang làm công nhân tại một công ty chuyên về may mặc tại Khu công nghiệp AMATA (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) buộc phải sang ở nhờ nhà bạn vì bị “dí nợ”.

Anh A. cho biết, khoảng 15 ngày trước, anh có tìm đến một người ở phường Trảng Dài, TP Biên Hòa để vay số tiền 20 triệu đồng, lãi suất 10 nghìn đồng/1 triệu/1 ngày. Trả được 2 tuần tiền lãi và số tiền gốc 5 triệu đồng, đến ngày thứ 15, anh đã không thể lo được. Anh cũng không thể về phòng trọ vì chủ nợ cho người tìm anh đe dọa truy thu số tiền cả gốc và lãi của 2 tháng vay mà anh đã ký vào hợp đồng với chủ nợ.

Quảng cáo cho vay tiền dán ở khu nhà trọ công nhân.

“Công ty hết việc, đóng cửa cho nghỉ Tết sớm, tiền dự trữ cạn, tôi đành tìm đến vay nóng trong thời gian chờ kiếm việc mới. Qua số điện thoại trên tờ rơi, tôi gọi điện và được hướng dẫn cung cấp các giấy tờ cần thiết. Thấy dễ dàng nên vay nhưng ai ngờ giờ phải đi trốn nợ” - anh A. lo lắng và cho biết, các đối tượng cho vay còn nhắn tin cho nhiều người thân của anh yêu cầu nhắc nhở trả nợ. Không dừng lại ở đó, chủ nợ còn ghép hình anh đưa lên mạng xã hội Facebook để bêu riếu hù dọa hòng buộc anh trả nợ.

Còn anh T.T.N., trú huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng với khoản vay nóng 15 triệu đồng nhưng phải trả hết 25 triệu đồng mới được yên thân. Anh N. cho biết, anh làm công nhân cho một công ty hóa chất ở TP Biên Hòa, đợt này do đơn hàng giảm sút nên công ty phải cho làm việc luân phiên nên thu nhập gần như giảm rất nhiều. Do cần tiền xử lý công việc cá nhân, anh đã tìm đến “ngân hàng cột điện”, nơi có dán thông tin cho vay.

“Lúc tôi gọi điện, có một người phụ nữ nghe máy hỏi han rất nhẹ nhàng nhu cầu cũng như giấy tờ cá nhân của tôi. Tôi nói chỉ cần vay 1 tuần, trả góp gốc và lãi hàng ngày. Tuy nhiên họ không đồng ý và nói cắt lãi trước số tiền 3,5 triệu đồng. Và tôi chỉ nhận về 11,5 triệu đồng. Khi tôi trả xong hết cả gốc cả lãi thì có một vài số điện thoại lạ gọi đòi tiền tôi và nói tôi còn thiếu của chị H. (người cho vay) 10 triệu đồng nữa. Tôi biết mình đã bị dính bẫy của tín dụng đen nên vay mượn thêm gia đình để trả nốt 10 triệu đồng kia vì chỉ muốn yên thân” - anh N. nói.

Anh A. và anh N. là hai trong nhiều nạn nhân làm công nhân dính bẫy tín dụng đen tại Đồng Nai. Đặc biệt, vào dịp cuối năm, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong khi thu nhập của công nhân giảm sâu do nhiều doanh nghiệp “khát” đơn hàng. Tín dụng đen lại có dịp bùng lên. Với hình thức và thủ tục vay đơn giản, chỉ cần căn cước công dân, sổ bảo hiểm, điện thoại của một vài người thân cộng với địa chỉ chỗ ở là có thể nhận được khoản vay từ 10 đến 50 triệu đồng.

Những tờ rơi cho vay được dán kín cả tủ điện.

Công nhân trở thành “con mồi”

Càng vào cuối năm, những đối tượng cho vay nặng lãi càng hoạt động mạnh hơn, công nhân là “khách hàng” được nhắm đến nhiều nhất vì các đối tượng cho vay biết những “con mồi” của mình đang rất “khát” tiền do nhiều tháng nay doanh nghiệp ít việc, khiến thu nhập giảm sút. Tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu hay Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai, người đi đường có thể dễ dàng bắt gặp những tờ rơi dán dày đặc ở cột điện gần các doanh nghiệp và tường rào của các công ty để quảng cáo cho vay. Không dừng lại ở đó, đội quân cho vay còn huy động lực lượng, thậm chí thuê người đi phát tờ rơi quảng cáo ở những giao lộ có đèn tín hiệu giao thông, cổng các công ty trong khu công nghiệp.

Đối tượng phát tờ rơi thường chọn các khung giờ lúc công nhân đi làm (7 giờ sáng) và tan ca (16 giờ chiều). Thậm chí, các đối tượng này còn trực tiếp đi chào mời cho vay ngay cổng một số công ty nhỏ lẻ không nằm trong các khu công nghiệp. Về hình thức cho vay cũng rất đa dạng, từ vay theo bảo hiểm y tế công ty cấp, vay theo hợp đồng tín dụng cũ, vay theo giấy đăng ký xe chính chủ, hóa đơn điện chính chủ, cho đến vay theo sao kê tài khoản lương… chỉ cần làm thêm vài bước xác minh, thu thập giấy tờ là công nhân đã có tiền. Để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, các đối tượng cho vay thường lách luật bằng cách làm những hợp đồng mua bán xe, hàng hóa trả góp với mức lãi suất vào dạng “khủng”. Người vay khi cần tiền buộc phải làm theo những gì mà các đối tượng cho vay sắp sẵn.

Một mẫu quảng cáo cho vay của các đối tượng tín dụng đen.

Lý giải việc tín dụng đen bủa vây công nhân dịp cuối năm, Luật sư Trần Tấn Phát (Đồng Nai) cho rằng đây là điều khó tránh khỏi. “Việc làm ít hơn, thậm chí là mất việc nhưng nhu cầu tiêu dùng của con người vẫn phải được duy trì. Thu nhập giảm sút buộc họ phải tìm đến tín dụng đen. Vì rõ ràng, vay tiền ở đó quá dễ dàng. Chỉ cần có căn cước công dân, người cho vay đã có thể giải ngân cho bạn 10 triệu đồng trong tích tắc” - ông Phát nói và cho rằng việc tiếp cận nguồn vốn vay chính thống với công nhân vẫn gặp nhiều khó khăn. Đại đa số công nhân đều từ ngoại tỉnh đến thuê nhà trọ, chính quyền địa phương không thể xác nhận được tình trạng nơi ở ổn định, quy trình xác minh cũng mất nhiều thời gian cộng với việc giới hạn khoản vay, hình thức vay theo đường chính thống cũng khiến công nhân nản lòng.

Vì thế, trong lúc khó khăn, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo và họ cũng hiểu độ nguy hiểm khi vay tín dụng đen, nhưng nhiều công nhân vẫn đành phải vay nóng bất chấp hệ lụy.

Vẫn theo Luật sư Trần Tấn Phát, hơn ai hết, những cơ quan, tổ chức như Liên đoàn Lao động tỉnh, công đoàn các công ty cần thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền cho người lao động hiểu rõ những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng hoạt động tín dụng đen để không sa vào bẫy, thoát ra sẽ rất khó.

Theo ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Taekwang Vina (Đồng Nai), công nhân khó khăn mình càng cần phải đồng hành. Đặc biệt trong tình hình đơn hàng đang gặp khó vào thời điểm cuối năm, thu nhập có phần giảm sút so với trước đây, Công đoàn công ty đã trao đổi với Ban giám đốc giữ nguyên các phúc lợi cho người lao động dịp cuối năm. Về vấn đề tín dụng đen, hàng năm, công ty đều đẩy mạnh tuyên truyền để công nhân hiểu rõ về những hệ lụy của nó. Hiện nay, công ty cũng có chính sách liên kết với các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho công nhân vay vốn. Ngoài ra, công ty còn áp dụng hình thức “ứng lương linh hoạt”, áp dụng cho những công nhân có việc gấp cần đến tài chính. Đây cũng là cách để giúp đỡ họ an tâm làm việc mà không phải tìm đến tín dụng đen.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín dụng đen bủa vây công nhân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO