Tín hiệu lạc quan cho sự phục hồi

DUY KHANG 06/03/2022 06:30

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp ngành da giày, may mặc đã rất dồi dào đơn hàng đến từ các thị trường lớn như Mỹ, EU… dự báo những khởi đầu đầy khả quan sau khi các doanh nghiệp đã phải trải qua vô vàn khó khăn do đại dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp ngành da giày đã có nhiều đơn hàng đến hết quý II/2022.

Đơn hàng dồi dào

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, đã xây dựng mục tiêu xuất khẩu năm 2022 theo 3 kịch bản. Ở kịch bản 1, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022, các doanh nghiệp tích cực nhất, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5-43,5 tỷ USD; kịch bản 2, kim ngạch xuất khẩu dệt may trung bình đạt 40-41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm; kịch bản 3, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt mức thấp nhất 38-39 tỷ USD.

Là một doanh nghiệp (DN) xuất khẩu da giày với số lượng lớn hàng năm vào các thị trường như EU, Mỹ, thời điểm này, Công ty cổ phần giày Phúc Yên đã có những khởi đầu đầy tươi sáng khi số hợp đồng đặt hàng của đối tác đã lấp đầy cho đến hết tháng 5/2022 với số lượng khoảng 200.000 đôi.

Trong khi đó, thông thường những năm trước, sản lượng giày xuất khẩu của Công ty sang thị trường EU chủ yếu tập trung vào các tháng từ tháng 5 đến tháng 12.

Lãnh đạo Công ty cho biết, thời gian qua, mặc dù dịch bệnh có những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của công ty, nhưng do siết chặt việc phòng dịch và tuân thủ 5K nên thời điểm này, Phúc Yên đã và đang hồi phục sản xuất rõ rệt. Những đơn hàng dồi dào từ đầu năm báo hiệu mục tiêu xuất khẩu từ 1-1,3 triệu đôi giày của DN này trong năm 2022 là hoàn toàn khả thi.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), hiện nay, nhịp độ sản xuất của các DN, nhất là DN da giày ở khu vực phía Nam khá tốt. Nhiều DN trong ngành đã có đơn hàng xuất khẩu ít nhất đến hết quý II/2022, đây là cơ sở để các DN đẩy nhanh sản xuất, lấy lại tăng trưởng sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Đối với ngành may mặc, tình hình cũng bộc lộ nhiều nét khả quan. Theo chia sẻ của các DN dệt may, thời điểm này, các DN đã và đang bắt tay vào sản xuất để kịp đáp ứng những hợp đồng mà khách hàng đã ký cho đến hết quý II của năm nay. Nhận định về những dấu hiệu của thị trường đầu năm 2022, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần May 10 chia sẻ, nếu bình thường mọi năm, DN thường chỉ có đơn hàng đến hết quý I, nhưng sang năm nay DN đã có đơn hàng ký kết đến hết quý II và riêng một số mặt hàng veston đã có đơn hàng đến hết quý III-2022.

“Thông thường vào thời điểm sau Tết Nguyên đán là thời điểm trái vụ của ngành may, các DN phải chờ nguyên phụ liệu, nhưng đầu năm nay DN lại nhận được nhiều hợp đồng dài hạn mới”, ông Việt cho biết.

Để đảm bảo công suất hoạt động cũng như tiến độ giao hàng cho các hợp đồng năm 2022, Tổng Giám đốc May 10 cho biết, bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán, DN đã huy động công nhân làm thêm để hoàn thành đơn hàng.

Tuy nhiên, sau dịp Tết, nguồn lực lao động dù đáp ứng đủ nhưng tỷ lệ ca nhiễm F0 lại tăng lên, có xưởng sản xuất có đến 50% công nhân F0 do những yếu tố khách quan khiến một số dây chuyền sản xuất bị thiếu hụt lao động và nguy hiểm hơn là ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý công nhân.

“Để đáp ứng nguồn nhân lực cho các hợp đồng năm 2022, May 10 đang có kế hoạch tuyển thêm 3.000-5.000 công nhân cho các dự án lớn tại Thái Bình, Thanh Hòa và Quảng Bình. Lực lượng lao động mới này không chỉ đáp ứng cho những đơn hàng trước mắt mà còn sẵn sàng cho những đơn hàng dài hạn mới” - ông Việt nói.

Theo lãnh đạo của May 10, tận dụng ưu đãi từ các FTA, hiện nay Công ty này xác định cân bằng lượng hàng xuất khẩu cho 3 thị trường chính là Mỹ 40 - 45%; Nhật Bản từ 10-15 và châu Âu 30-35%… và các thị trường khác. Trong đó, không thể không tính đến tỷ lệ lớn các đơn hàng cho thị trường nội địa

Tại các tỉnh phía Nam, nơi “đóng đô” của hàng loạt các DN dệt may lớn, bức tranh hoạt động của các DN cũng rất sáng sủa, đầy sôi động. Nhiều DN ngành may cho biết, ngay sau Tết Nhâm Dần, với việc nhận được số đơn hàng dồi dào, các DN đã phải gấp gáp tuyển thêm nhân công để tăng năng suất, đáp ứng đúng thời gian, tiến độ của các hợp đồng.

Thời điểm hiện tại, đơn hàng dệt may, da giày rất nhiều. Các nhà nhập khẩu từ châu Mỹ, EU, Hàn Quốc… tăng đặt hàng trở lại sau 2 năm cầu sụt giảm vì dịch bệnh. Dự báo, bức tranh hoạt động của các DN sẽ sôi động trong năm 2022 với các kế hoạch sản xuất, kinh doanh đầy bận rộn.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong kịch bản tích cực với giả định Covid-19 được kiểm soát và hoạt động sản xuất - kinh doanh được duy trì bình thường, xuất khẩu dệt may năm 2022 sẽ đạt khoảng 42,5 - 43 tỷ USD. Nhiều DN nhận định, kịch bản này là khả thi.

Vẫn nặng gánh nỗi lo chi phí

Mặc dù có cơ hội gia tăng xuất khẩu giúp cải thiện tăng trưởng trong năm 2022, song hiện nay điều khiến không ít DN da giày âu lo là chi phí nguyên liệu đầu vào, logistics tăng quá cao, chưa hết, tình trạng khan hiếm container vẫn chưa được cải thiện.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đến thời điểm này, chi phí vận tải tăng cao, tình trạng thiếu container vẫn đang là nút thắt lớn cần tháo gỡ. Dự báo phải đến nửa cuối năm 2022 khi số lượng container đóng mới được cung cấp ra thị trường vấn đề vận tải mới bắt đầu được giải quyết… là những rào cản tác động không nhỏ đến xuất khẩu nói chung và ngành dệt may nói riêng trong năm 2022.

Thực tế, ở một số thời điểm trong năm 2021, có DN đã phải vận chuyển nhiều lô hàng bằng đường hàng không, lợi nhuận theo đó cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Trong khi đó, giá của các đơn hàng xuất khẩu năm nay không tăng dù khách hàng có hỗ trợ một phần chi phí thì đây vẫn là “bài toán” khó cho các DN.

Đại diện Lefaso cho rằng, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, giúp DN da giày trong nước sớm phục hồi sản xuất, Chính phủ và các bộ, ngành sớm đưa vào thực hiện gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế có quy mô 350.000 tỷ đồng, cải thiện các thủ tục để DN tiếp cận gói hỗ trợ dễ dàng hơn; nghiên cứu ban hành chính sách mới, tập trung vào chính sách hỗ trợ DN tận dụng được các FTA để gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Đồng thời, nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng, logistics… Bên cạnh đó, cần có chiến lược phát triển tốt hơn về đầu tư nguyên phụ liệu, thu hút tín dụng để phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp; đầu tư phát triển chiều sâu, nghiên cứu phát triển thiết kế mẫu mã và nguyên liệu mới...

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Vitas Trương Văn Cẩm kiến nghị, Nhà nước tiếp tục triển khai chiến lược vaccine, đây là giải pháp căn cơ để các DN phục hồi và phát triển trong điều kiện “bình thường mới”. Đồng thời, mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ, sửa đổi quy định còn bất cập giảm gánh nặng chi phí cho DN…

Trong các nước xuất khẩu giày dép vào thị trường Mỹ, Trung Quốc vẫn chiếm vị trí số 1, Việt Nam đang giữ vị trí số 2. Song những năm gần đây có sự thay đổi khi xuất khẩu giày dép của Trung Quốc vào thị trường này có chững lại, trong khi tỉ trọng, kim ngạch và sản lượng xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào Mỹ lại tăng lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín hiệu lạc quan cho sự phục hồi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO