Thời gian gần đây, từ chỗ thiếu điện, nhiều ý kiến cho rằng cần phát triển mạnh điện tái tạo quy mô nhỏ. Nhất là với điện mái nhà.
Thực tế thì cũng đã có không ít hộ gia đình đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Theo người dân, việc đầu tư một hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời áp mái nhà cũng không quá tốn kém, phức tạp. Nếu như lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời áp mái khoảng 80 triệu đồng thì đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng của gia đình vào ban ngày. Lúc không có nắng sẽ chuyển sang dùng điện lưới. Nếu dùng điện lưới mỗi tháng phải trả 2 triệu đồng, thì khi có điện mặt trời áp mái chỉ phải trả khoảng 500 nghìn đồng/tháng.
Có thể nói điện mặt trời mái nhà là giải pháp rất khả thi, bởi không chỉ tiết kiệm chi phí tiền điện hàng tháng cho người sử dụng, mà còn góp phần giảm phụ tải vào giờ cao điểm, giảm áp lực đầu tư lưới điện truyền tải cho ngành điện. Đồng thời đây cũng là giải pháp góp phần nâng cao và lan tỏa ý thức sử dụng năng lượng xanh, bảo vệ môi trường sống.
Mới đây, Bộ Công thương đã hoàn thiện dự thảo và trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà - áp dụng cho hệ thống lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp để tự sử dụng mà không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Khi đầu tư phát triển, sử dụng điện mặt trời mái nhà, các chủ đầu tư được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được ưu tiên bố trí ngân sách; miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi... Không giới hạn về quy mô công suất lắp đặt, tuy nhiên phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường và phòng chống cháy nổ theo quy định.
Cơ chế khuyến khích được Bộ Công thương đề xuất nhằm từng bước thực hiện Quy hoạch điện 8 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó đặt mục tiêu đến 2030 có 50% các tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
Được biết, đã có một số doanh nghiệp, nhà máy đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái để sử dụng. Giữa tháng 5 vừa qua, Sabeco và Tập đoàn năng lượng SP Group (Singapore) công bố triển khai giai đoạn 2 của dự án điện mặt trời tại 9 nhà máy bia của Sabeco với công suất cao nhất lên đến 10,44MWp. Như vậy, tính đến cuối năm nay, Sabeco sẽ có tổng cộng 17 nhà máy sử dụng nguồn năng lượng mặt trời. Giai đoạn 1 của dự án khởi động vào năm 2020, Sabeco đã đầu tư hơn 107 tỷ đồng cho hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà với công suất tối đa 9 MWp.
Theo Sabeco, toàn bộ hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại 17 nhà máy được ước tính sẽ đáp ứng gần 23% lượng điện tiêu thụ tại các nhà máy, giúp tiết kiệm 25 triệu kWh điện, tương đương 18.000 tấn CO2 được cắt giảm mỗi năm. Dự án sẽ đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của công ty này vào năm 2050.
Trước đó, Công ty cổ phần Quản lý vận hành khu công nghiệp IMC đã ký kết hợp tác với Công ty TNHH Shire Oak Developers để phát triển điện mặt trời áp mái tại 14 khu công nghiệp do IMC quản lý vận hành, góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo tại Việt Nam theo các cam kết theo COP26...
Việt Nam có tiềm năng về phát triển điện mặt trời do nằm ở khu vực cận xích đạo, với tổng số giờ nắng cao lên đến 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2/ngày.
Liên quan đến vấn đề này, tại Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về tái chế pin năng lượng mặt trời, áp dụng đối với Việt Nam” ý kiến chuyên gia cho biết, theo dự thảo Quy hoạch điện 8, ước tính khối lượng tích lũy các tấm pin năng lượng mặt trời thải loại vào khoảng 404 nghìn tấn vào năm 2035 và khoảng 1,9 triệu tấn (năm 2045). Khối lượng này tuy khá nhỏ so với các nước dẫn đầu trên thế giới, nhưng để đảm bảo phát triển bền vững, Nhà nước cần sớm có chính sách, cơ chế phù hợp liên quan tới thu nhận và xử lý các tấm pin năng lượng mặt trời thải loại. Đây cũng có thể là cơ hội để nước ta phát triển công nghiệp tái chế pin năng lượng mặt trời trong tương lai.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến ngày 13/6 đã có 11 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD). Trong đó có 10 dự án/phần dự án với tổng công suất 536 MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới. EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá với 55/59 dự án, trong đó Bộ Công thương đã phê duyệt giá tạm cho 43 dự án.