Tin tức (26/11)

27/11/2021 05:45

Phát hiện vụ vận chuyển hơn 33 kg thảo mộc nghi cần sa khô từ Campuchia về Việt Nam; Các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa bão còn chậm.

An Giang: Phát hiện vụ vận chuyển hơn 33 kg thảo mộc nghi cần sa khô từ Campuchia về Việt Nam

Ngày 26/11, Đồn Biên phòng Vĩnh Gia (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) cho biết, đơn vị vừa phát hiện vụ vận chuyển trái phép 33,9 kg cành, hoa, lá, quả thảo mộc nghi là cần sa từ Campuchia về Việt Nam.

Cụ thể, rạng sáng ngày 26/11, Tổ công tác thuộc chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 số 4, Đồn Biên phòng Vĩnh Gia tổ chức mật phục tại khu vực mốc dấu 282/1-1 (thuộc ấp Vĩnh Cầu, xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn) đã phát hiện 4 đối tượng đang vác các bao tải hàng đi từ hướng Campuchia về Việt nam có biểu hiện nghi vấn. Khi các đối tượng đi qua đường biên giới về phía Việt Nam khoảng 50 m, Tổ công tác áp sát, yêu cầu dừng lại để kiểm tra. Phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng bỏ lại 3 bao tải có chứa hàng và chạy về bên kia biên giới. Tiến hành kiểm tra, Tổ công tác phát hiện bên trong có chứa khoảng 33,9 kg cành, hoa, lá, quả thảo mộc nghi là cần sa khô. Đồn Biên phòng Vĩnh Gia đã lập biên bản tạm giữ và niêm phong toàn bộ tang vật; đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng hoàn chỉnh hồ sơ, gửi mẫu tang vật đi giám định theo quy định của pháp luật.

Văn Anh

Các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa bão còn chậm

Chiều 26/11 tại Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị Phòng chống thiên tai năm 2021 ở miền Trung. Hội nghị kết nối trực tuyến tới 160 điểm cầu ở các huyện, xã trọng điểm về phòng chống thiên tai thuộc 10 tỉnh duyên hải miền Trung từ Nghệ An đến Phú Yên.

Chỉ trong gần 2 tháng cuối năm 2020 (từ tháng 9 đến tháng 11) khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 ATNĐ. Trong đó cơn bão số 9 được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua, đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Trung Bộ và Tây nguyên. Ước tính thiệt hại về kinh tế trên 36.000 tỷ đồng. Còn từ đầu năm 2021 đến nay tại khu vực miền Trung, thiên tai cũng đã làm 38 người chết, mất tích; 39 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 970 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 85.806ha lúa, hoa màu bị thiệt hại...Ước tính tổng giá trị thiệt hại trên 2.100 tỷ đồng.

Đánh giá hậu quả do thiên tai, bão lũ gây ra tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Trần Quang Hoài cũng nhìn nhận thực tế công tác khắc phục hậu quả mưa, lũ năm 2020 tại một số địa phương miền Trung còn chậm. Vì vậy, cùng với việc yêu cầu các tỉnh miền Trung cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với bão, lũ có thể xảy ra trong tháng 12/2021, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công trình khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020 đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Bình Nguyên

Quảng Ninh: Dự kiến đón khách du lịch nước ngoài vào tháng 12

Thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, địa phương này đang xây dựng phương án đón khách quốc tế để trình UBND tỉnh xem xét. Dự kiến, vào tháng 12 tới, những đoàn khách nước ngoài đầu tiên sẽ đến du lịch tại Quảng Ninh.

Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau khi Phú Quốc đón 200 khách du lịch đến từ Hàn Quốc, Quảng Ninh sẽ theo dõi để rút kinh nghiệm cho mình. Từ đó, có thể bổ sung, điều chỉnh các biện pháp đón khách quốc tế của Quảng Ninh. Sở cũng sẽ có các buổi làm việc trực tiếp và trực tuyến với các công ty lữ hành lớn ở Hà Nội và TP HCM để bàn về việc đón khách quốc tế. Để chuẩn bị tốt cho kế hoạch đón khách quốc tế, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và đặt ra các phương án, quy trình hướng dẫn đón, phục vụ khách du lịch đảm bảo an toàn. Cụ thể, địa phương đã ban hành và phổ biến tới các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn “Bộ tiêu chí tạm thời về đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19” đối với hoạt động du lịch”.

Bộ tiêu chí an toàn gồm 24 tiêu chí bắt buộc, 11 tiêu chí khuyến khích thực hiện để các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh cũng đưa ra những tiêu chuẩn phục vụ riêng để nhằm đảm bảo an toàn như quy định khách đến lưu trú phải tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19, nếu 1 mũi thì phải có thêm test nhanh…

Th. Anh

Kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tả lợn châu Phi

Ngày 26/11, thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 2.275 xã của 57 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 231.000 con lợn, chiếm 0,8% tổng đàn lợn hơn 28 triệu con hiện nay. Hiện cả nước có 899 ổ dịch tại 228 huyện của 43 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Theo Cục Thú y, dịch tả lợn châu Phi chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa bảo đảm điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Tuy nhiên, thời gian tới nguy cơ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh, lây lan diện rộng là rất cao.

Riêng trong tháng 11/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 7 văn bản yêu cầu UBND các tỉnh đang xảy ra dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng phải tập trung khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát, dây dưa kéo dài, khắc phục ngay những khó khăn, tồn tại, bất cập trong việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bệnh tả lợn châu Phi hiện chưa có thuốc, vaccine phòng bệnh. Việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm lợn sẽ gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt tại địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nên việc quản lý, đăng ký kê khai tái đàn từ cấp xã thực hiện chưa tốt, một bộ phận người chăn nuôi còn chậm báo cáo dịch.

Trong khi chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, nhiều hộ chăn nuôi chưa đảm bảo điều kiện và chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động vệ sinh, sát trùng phòng bệnh. Đường biên giới với các nước rất dài, các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giao lưu thương mại của người dân với các nước cũng khiến nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam…

Để phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi kịp thời, hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp. Đồng thời, thành lập ngay các đoàn công tác đến trực tiếp các địa phương đang có dịch để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo và phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch; áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh tại ổ dịch, nơi xử lý chôn lợn, địa bàn nguy cơ cao, dụng cụ, phương tiện vận chuyển lợn bệnh và người tham gia xử lý ổ dịch. Các địa phương chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường.

P.Vân

Thông tin ‘TP Hồ Chí Minh vào tình trạng khẩn’ là bịa đặt

Chiều ngày 26/11, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM khẳng định thông tin đang lan truyền trên các trang mạng về nội dung khẩn từ Văn phòng Chính phủ về tình hình phòng, chống dịch bệnh và một số giải pháp được áp dụng trên địa bàn TP HCM là hoàn toàn bịa đặt.

Cụ thể, từ trưa ngày 26/11 trên không gian mạng lan truyền nội dung: “Thông tin khẩn từ Văn phòng Chính phủ (vừa họp xong với Bộ Quốc Phòng, mai ra thông báo). TP HCM vào tình trạng khẩn. Siêu thị sẽ đóng cửa hết; siêu thị chuỗi lớn sẽ ký hợp đồng với quân đội để cung ứng lương thực cho dân....”.

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, tình hình dịch bệnh của TP HCM vẫn tiếp tục được kiểm soát, mức bao phủ vaccine tăng lên từng ngày. Tính đến ngày 24/11/2021 là 7.890.985 mũi 1 và 6.415.954 mũi 2 vaccine phòng Covid-19 được tiêm cho người dân TP HCM. Hiện nay, theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, TP HCM đang chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”. Vì vậy, các thông tin lan truyền trên hoàn toàn là bịa đặt và người dân cần cảnh giác trước các thông tin này.

B.An

Sau 10 ngày, ngành đường sắt bán được 4.066 vé tàu Tết

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, tính đến ngày 26/11, sau hơn 10 ngày bán vé tàu Tết Nhâm Dần 2022, tổng số vé ngành đường sắt đã bán được là 4.066 vé.

Đại diện Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, ngành đường sắt thực hiện nhiều chính sách giảm giá đối với hành khách mua vé tập thể tàu Tết Nhâm Dần 2022. Cụ thể, hành khách mua vé tập thể được giảm giá tùy theo số lượng khách trong đoàn và thời gian mua trước ngày đi tàu.

Để đảm bảo an toàn phòng dịch, ngành đường sắt sẽ có xe phục vụ đưa đón tại nhà nếu hành khách có nhu cầu. Lái xe đã được tiêm phòng đủ 2 mũi theo quy định. Tại các nhà ga, hành khách được bố trí phòng đợi hoặc khu vực chờ tàu riêng và bố trí lối đi riêng khi lên, xuống tàu.

T.Như

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tin tức (26/11)

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO