Tin tức (30/11)

BĐT 30/11/2021 06:45

Nghệ An: Xác định các ‘điểm nóng’ để chống dịch Covid-19 hiệu quả; Lâm Đồng: Lập thêm nơi điều trị bệnh nhân Covid-19; Quản lý, điều hành và bình ổn giá dịp Tết 2022.

Nghệ An: Xác định các ‘điểm nóng’ để chống dịch Covid-19 hiệu quả

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành y tế Nghệ An và các địa phương đang khẩn trương, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Tại các địa phương được coi là “điểm nóng”, có nhiều trường hợp dương tính hoặc dự báo sẽ có nhiều nguy cơ phát sinh dịch, lãnh đạo Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc Sở đều có mặt, trực tiếp kiểm tra tình hình, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Liên quan đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, Sở Y tế Nghệ An đề nghị Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác giám sát, điều tra dịch tễ, tổ chức cách ly đối với các trường hợp (bao gồm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người đến thăm) trở về từ bệnh viện; thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định các trường hợp có yếu tố tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc Covid-19. Các tổ truy vết, Tổ phòng, chống Covid cộng đồng và các tổ chức đoàn thể liên quan khẩn trương rà soát, xác minh thông tin, lập danh sách, khai báo y tế, điều tra dịch tễ các trường hợp trở về từ bệnh viện.

Trước đó, ngày 25/11 tại Khoa Hồi sức sơ sinh, Khoa Mắt (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) ghi nhận 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, sau đó phát hiện thêm các trường hợp dương tính có liên quan. Từ 18 giờ ngày 28/11 đến 6 giờ ngày 29/11, toàn tỉnh phát hiện 52 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 3 trường hợp trong cộng đồng, 35 trường hợp là F1, 14 trường hợp từ các tỉnh miền Nam trở về; đáng chú ý, có 30 trường hợp không có triệu chứng.

T. Linh

Lâm Đồng: Lập thêm nơi điều trị bệnh nhân Covid-19

Sáng 29/11, Sở Y tế Lâm Đồng ghi nhận 222 ca dương tính với SARS-CoV-2, cao nhất từ trước đến nay. Dẫn đầu là huyện Đức Trọng với 96 ca, thành phố Đà Lạt 36 ca, huyện Di Linh 35 ca…, trong đó có hơn 70 ca cộng đồng.

Cùng ngày, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định chuyển đổi công năng khu cách ly y tế tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Lâm Đồng để thành lập cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Cơ sở này có quy mô 60 giường bệnh, chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Trung tâm Y tế thành phố Đà Lạt; sử dụng danh mục thuốc, vật tư y tế của Trung tâm Y tế thành phố Đà Lạt và khu vực điều trị người bệnh Covid-19 do Bộ Y tế ban hành.

Sở Y tế đã cấp mã cơ sở khám chữa bệnh cho cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Lâm Đồng với phân tuyến kỹ thuật là tuyến huyện; hình thức tổ chức hoạt động của phòng khám đa khoa thuộc loại hình quản lý công lập.

Bên cạnh đó, địa phương cũng cấp tốc thành lập thêm 16 khu cách ly tập trung tại các huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh. Huyện Đạ Huoai có 3 cơ cở cách ly tập trung không thu phí với tổng số 265 giường; huyện Đạ Tẻh có 12 cơ sở cách ly tập trung không thu phí với tổng số 661 giường và 1 cơ sở cách ly tập trung có thu phí với 17 giường.

UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Y tế chịu trách nhiệm về chuyên môn y tế tại khu cách ly, đảm bảo thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời, giao UBND các huyện này ra quyết định thành lập bộ máy lâm thời làm công tác quản lý khu cách ly tập trung theo quy định.

Th. Anh

Quản lý, điều hành và bình ổn giá dịp Tết 2022

Ngày 29/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-BTC về tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Theo đó, Bộ trưởng đề nghị Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng Cục Hải quan, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục Dự trữ nhà nước khu vực bám sát diễn biến giá cả thị trường, thường xuyên đánh giá, dự báo cụ thể để có biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường phù hợp, nhất là trong thời điểm trước, trong và sau Tết để chủ động kiểm soát ổn định thị trường giá cả.

Bên cạnh đó, tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, quyết toán thuế, hoàn thuế; chủ động sử dụng nguồn dự trữ quốc gia để ứng phó kịp thời các tình huống. Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính có liên quan tổ chức nắm bắt thông tin, theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả; nhất là đối với một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; mặt hàng tư liệu sản xuất quan trọng có giá biến động lớn; tham mưu kịp thời cho Bộ các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành chủ động tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn.

P.Vân

6 doanh nghiệp trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir

Bộ Y tế vừa cho biết, đang có 6 doanh nghiệp trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir.

Cụ thể, đến nay Việt Nam đã đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc trong điều trị bệnh nhân Covid-19 như thuốc ức chế sự nhân lên của virus: Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir,... Ngoài ra thuốc kháng thể kép cũng đang được đưa vào điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Các thuốc hỗ trợ khác như thuốc ức chế phản ứng miễn dịch (Chất ức chế Interleukin-6, Baricitinib), thuốc chống đông, kháng sinh, kháng nấm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền (Xuyên tâm liên) cũng được đưa vào phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19…

Hiện có 6 nhà máy do các công ty dược trong nước nộp hồ sơ đăng ký sản xuất thuốc Molnupiravir. Bộ Y tế cũng cho biết chương trình sử dụng thí điểm đưa thuốc Molnupiravir điều trị có kiểm soát F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đã triển khai tại 36 tỉnh/thành phố với số lượng thuốc phân bổ gần 250.000 liều. Các kết quả báo cáo giữa kỳ cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ bệnh nhân có kết quả RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ khoảng 70% đến 99%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào tử vong liên quan đến thuốc.

An Thái

Cứu sống 2 trẻ mắc Covid-19 nguy kịch

Ngày 29/11, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM cho biết vừa cứu sống 2 bé nguy kịch do mắc Covid-19 bằng chạy ECMO.

Bé N.V.M.Q. (9 tuổi, trú quận 3), có thể trạng béo phì, bị sốt, ho, sổ mũi đã 4 ngày và tình trạng ho ngày càng nhiều. Bé được đưa đến cấp cứu vào ngày 6/11 trong tình trạng khó thở. Người nhà cho hay nhiều người trong nhà cũng biểu hiện tương tự nhưng chỉ vài ngày tự khỏi nên chủ quan, nghĩ bé cảm cúm thông thường và cũng sẽ tự khỏi. Kết quả xác định bé Q. mắc Covid-19 nặng, XQ phổi tổn thương tiến triển cả 2 bên, độ bão hòa ôxy giảm thấp, các bác sĩ điều trị cấp cứu theo phác đồ điều trị Covid-19 của Bộ Y tế. Có những thời điểm tình trạng ôxy hóa máu tưởng chừng cải thiện nhưng vẫn chưa khả quan, bệnh viện đã hội chẩn với Bệnh viện Nhi Đồng thành phố thống nhất sử dụng kỹ thuật ECMO cho trẻ sau 3 ngày nhập viện.

Cùng thời điểm, bệnh viện cũng tiếp nhận 1 trường hợp bé gái 14 tuổi, nặng 62kg bị Covid-19 nguy kịch chuyển từ Bệnh viện Gò Vấp trong tình trạng tím tái, bóp bóng giúp thở qua nội khí quản, SpO2 dao động 60 - 70%, trụy tim mạch phải sử dụng dịch truyền, thuốc vận mạch, trợ tim. Được sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc, điều động thêm máy ECMO từ bệnh viện khác, bổ sung nhân lực từ khoa Hồi sức tích cực chống độc hỗ trợ, khoa Covid-19 chạy cùng lúc 2 trường hợp ECMO để cứu bệnh nhi.

G.B.

Năm 2022, vận hành phần nổi, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

Ngày 29/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã trực tiếp kiểm tra công trường và việc thực hiện Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội đoạn Nhổn-ga Hà Nội.

Tại đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP phải chỉ đạo UBND TP và các đơn vị liên quan theo sát tình hình, tiến độ dự án; tập trung phân tích, làm rõ từng khó khăn, vướng mắc của dự án để có phương án giải quyết từng phần, thúc đẩy tiến độ chung của dự án.

Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP, các sở, ngành, đơn vị tham mưu phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu thi công xây dựng tiến độ gắn với giải quyết những khó khăn, vướng mắc theo từng tháng, từng quý và từng năm; đối với một số phần việc cần thiết phải có phương án thực hiện tiến độ cụ thể đến từng ngày. Phân công rõ người phụ trách, thường xuyên đánh giá, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện.

H.Vũ

Hải Phòng tiếp tục điều chỉnh các hoạt động phòng, chống dịch

Dịch Covid-19 tại Hải Phòng đang diễn biến phức tạp, số lượng mẫu xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 tăng cao, trong đó đều phát hiện các ca mắc Covid-19. Ngành y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương khoanh vùng, truy vết và đưa các F0 tới điều trị tại các cơ sở y tế. Thông tin này được đưa ra tại hội nghị trực tuyến với các quận, huyện, sở, ngành liên quan về công tác phòng, chống dịch Covid-19 do UBND TP Hải Phòng tổ chức ngày 29/11.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, thành phố triển khai linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch và sẵn sàng ứng phó với tình huống số ca bệnh sẽ tăng lên trong vài ngày tới. Các cơ quan chức năng cần có giải pháp mạnh hơn với các trường hợp không tuân thủ quy định phòng, chống dịch, đặc biệt là các trường hợp đi từ vùng dịch về nhưng khai báo y tế không trung thực, không tuân thủ quy định phòng, chống dịch. V.H.

Nhiệt độ ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ giảm mạnh

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Ngày 30/11, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc Bắc Bộ, đến chiều cùng ngày sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc và Trung Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên trong tuần đầu tháng 12, Bắc Bộ duy trì trạng thái đêm không mưa, ngày nắng; sáng sớm có sương mù. Từ đêm 1/12, nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ giảm mạnh, phổ biến 11-14 độ C, vùng núi từ 7-10 độ C, vùng núi cao dưới 5 độ C, trời rét. Vùng núi cao có khả năng xuất hiện sương muối.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng ngừa mắc bệnh khi thời tiết thay đổi, người dân nên mặc đủ ấm, tránh những vị trí gió lùa... Đối với người cao tuổi tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột từ trong nhà ấm chạy ra ngoài lạnh, vì nếu thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ gây thay đổi về huyết áp, có nguy cơ bị tai biến mạch máu não.

T.H.

Đồng Tháp: Triệu phần quà đại đoàn kết hỗ trợ người dân gặp khó khăn

Tích cực hưởng ứng Chương trình “Triệu phần quà đại đoàn kết”, từ ngày 25/8 đến 20/11 Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh Đồng Tháp đã vận động các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân, nhà hảo tâm ủng hộ và tổ chức trao 26.567 phần quà (gạo, nhu yếu phẩm, rau, củ, quả…) hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong các khu phong tỏa, khu cách ly, lực lượng tham gia các chốt phòng, chống dịch và người dân khó khăn trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tổng trị giá thành tiền trên 8,2 tỷ đồng.

Đồng thời, Hội đã phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức vận động và tặng quà nhu yếu phẩm, thiết bị y tế,… cho các khu vực cách ly, phong tỏa, người dân khó khăn trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trị giá quy đổi thành tiền trên 343,8 triệu đồng.

Những phần quà đại đoàn kết đến với người dân đã và đang góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, phát huy vai trò trung tâm khối đại đoàn kết dân tộc của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc lan tỏa nghĩa đồng bào, cùng sát cánh giúp người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.

Trần Thắng

Trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật

Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vừa tổ chức lễ tưởng niệm 136 năm ngày mất danh nhân Phạm Thận Duật và trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật.

Theo đó, trong mùa giải thứ 22, 6 luận án tiến sĩ sử học xuất sắc nhất đã được lựa chọn để trao Giải thưởng. Trong đó, luận án “Giáo dục miền Nam Việt Nam dưới thời chính quyền Sài Gòn” của TS Nguyễn Kim Dung (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã vinh dự nhận giải Nhất. Hai giải nhì được trao cho Luận án “Y tế dân sự ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975” của TS Nguyễn Thị Dung Huyền (Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Luận án “Hoạt động khai thác và bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954-1975) của TS Lưu Anh Rô (Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng). Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn trao 3 giải Ba cho 3 luận án.

H.Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tin tức (30/11)

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO