Tin tức ngày 1/12

BĐT 01/12/2021 06:00

Thành phố Hà Nội trao chứng nhận cho 424 sản phẩm OCOP; Hướng tới những “giá trị xanh”

Thành phố Hà Nội trao chứng nhận cho 424 sản phẩm OCOP

Ngày 30/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội tổ chức hội nghị công bố quyết định công nhận sản phẩm OCOP.

Thành phố đã trao chứng nhận cho 96 chủ thể có 424 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên. Trong số này có 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 310 sản phẩm được phân hạng đạt 4 sao và 111 sản phẩm được công nhận 3 sao.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, tính đến năm 2020, TP Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.054 sản phẩm, vượt kế hoạch Thành phố giao. Bên cạnh đó, Thành phố cũng quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng. Qua đó, sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Xây dựng được 42 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn…

V.H.

Hướng tới những “giá trị xanh”

Ngày 30/11, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp với Ngân hàng thế giới tại Việt Nam phối hợp tổ chức Đối thoại trực tuyến về Chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm xanh, giảm phát thải.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” vừa được Chính phủ ban hành, vì vậy, tư duy phát triển của Việt Nam cần chuyển từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp; từ tư duy đặt năng suất và sản lượng lên hàng đầu sang lấy giá trị làm trung tâm, thông qua tích hợp các hệ giá trị khác nhau vào sản phẩm. Ngoài ra, cũng cần thay đổi từ tư duy địa phương sang tư duy toàn cầu; từ tư duy ngắn hạn sang tư duy dài hạn và bền vững. Cần hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”.

P.Vân

2 học sinh ở Hà Nội và Bắc Giang tử vong không liên quan đến vaccine

Ngày 30/11, Bộ Y tế thông tin ban đầu về nguyên nhân tử vong của 2 trường hợp học sinh tại Hà Nội và Bắc Giang sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Theo Hội đồng chuyên môn, biến cố sau tiêm chủng xác định nguyên nhân tử vong của 2 trường hợp này liên quan đến phản ứng phản vệ độ IV, không liên quan đến vaccine và thực hành tiêm chủng.

2 trường hợp nói trên đều được theo dõi sau tiêm, sau khi phát hiện tình trạng sốc đã tiếp cận phác đồ phản ứng phản vệ, đồng thời chuyển lên tuyến cao hơn.

An Thái

Hà Nội: Học sinh lớp 7-8 được tiêm vaccine ngừa Covid-19

Sáng 30/11, thành phố Hà Nội đã triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho học sinh quận Hai Bà Trưng. Đây là các em ở lứa tuổi 13 và 14, tương ứng với khối học sinh lớp 7-8 trên địa bàn. Ghi nhận cho thấy, công tác tiêm chủng diễn ra thuận lợi, đúng quy trình và an toàn.

Ghi nhận tại điểm trường THCS Lê Ngọc Hân - quận Hai Bà Trưng sáng 30/11, nhà trường tổ chức phân lịch tiêm cụ thể đối với học sinh từng khối để tránh tập trung đông người. Để thực hiện khai báo tiêm chủng, nhà trường yêu cầu phụ huynh chuẩn bị mã số định danh của học sinh từ trước. Đây là cũng là ngày đầu tiên thành phố Hà Nội triển khai tiêm vaccine cho các em học sinh bậc THCS. Việc kiểm soát thân nhiệt được thực hiện nghiêm từ khi các em bước vào điểm tiêm.

An Thái

An Giang công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đá trên sườn núi Cấm

UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở đá trên sườn núi thuộc tuyến đường lên núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên). Trước đó, do mưa lớn hoàn lưu sau bão số 7 dẫn đến tình trạng sạt lở, tảng đá lớn khoảng 13m3 (nặng khoảng 35 tấn) đã rơi xuống mặt đường chính lên núi Cấm. Việc sạt lở đá núi Cấm không gây thiệt hại về người, nhưng phía ta luy âm tại vị trí đang sạt lở này có khoảng 15 hộ dân với 46 nhân khẩu và nhiều hộ dân khác sinh sống.

Ngoài ra, còn nhiều vị trí có nguy cơ cao sạt lở đất trên sườn núi Cấm, vì vậy cần có giải pháp xử lý, khắc phục khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong khu vực và khách tham quan du lịch.

T.H.

Từ 1/12, nhiều đường bay nội địa sẽ tăng tần suất khai thác

Bộ Giao thông Vận tải vừa có quyết định cho phép tăng tần suất khai thác trên nhiều đường bay nội địa nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Trên đường bay trục Hà Nội-Đà Nẵng, Hà Nội-TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng-TP Hồ Chí Minh từ ngày 1/12 đến hết ngày 14/12/2021 sẽ được khai thác với tần suất không vượt quá 16 chuyến bay khứ hồi/ngày/đường bay. Từ ngày 15/12/2021, tần suất trên từng đường bay không vượt quá 20 chuyến bay khứ hồi/ngày/đường bay. Các đường bay khác được khai thác tần suất không vượt quá 9 chuyến bay khứ hồi/ngày/đường bay.

Tùy tình hình thực tế, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất điều chỉnh tần suất trên các đường bay, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán năm 2022, gửi Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 25/12/2021.

V.H.

Cần hoàn thiện khung pháp lý quản lý giao dịch tiền ảo

Đó là nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, luật sư, luật gia tại Hội thảo “Khía cạnh kinh tế và pháp lý của hoạt động tài chính - tiền tệ trong nền Kinh tế số” do trường Đại học Luật TP HCM tổ chức. Hội thảo cũng đã đưa ra nhiều giải pháp góp ý về việc xây dựng, điều chỉnh khung pháp lý về quản lý hoạt động giao dịch tiền ảo tại Việt Nam. Tại Hội thảo, PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP HCM cho biết, kinh tế số là xu hướng toàn cầu và hiện tại ở Việt Nam cũng đang diễn ra quá trình chuyển đổi số, thương mại điện tử đi kèm với việc hoàn thiện về hành lang pháp lý để bảo vệ các chủ thể tham gia vào kinh tế số. Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Bùi Xuân Hải thời gian qua nhiều rủi ro pháp lý trong giao dịch tiền tệ dựa trên nền tảng công nghệ số đã đặt ra nhiều thách thức về quản lý nhà nước. Trong đó, việc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong nền kinh tế số để bảo đảm an ninh tài chính tiền tệ được đặt ra cấp thiết.

Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thủy, Trưởng Khoa Quản trị thuộc Đại học Luật TP HCM nhìn nhận, pháp luật hiện chưa tường minh khái niệm về tiền ảo với tư cách là một loại tài sản. Trong kinh tế số, tiền ảo là sản phẩm của công nghệ và cần phải có hành lang pháp lý phù hợp để quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia. Dù vậy, chuyên gia này cũng cảnh báo các rủi ro của giao dịch tiền ảo có thể gây bất ổn định nền kinh tế và xã hội. Trong đó, hoạt động giao dịch tiền ảo có thể tạo điều kiện cho hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp,…

Thành Luân

Đà Nẵng thu hút 378,14 triệu USD vốn đầu tư từ Hàn Quốc

Ngày 30/11, UBND TP Đà Nẵng và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn “Xúc tiến đầu tư ICT Hàn Quốc vào Đà Nẵng” theo hình thức trực tuyến. Diễn đàn được tổ chức nhân kỷ niệm 29 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22/12/1992 - 22/12/2021) nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của Đà Nẵng đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho biết: Đà Nẵng xác định Hàn Quốc là một trong những đối tác trọng điểm có tiềm lực mạnh về tài chính, kỹ thuật và mong muốn đẩy mạnh kết nối, kêu gọi đầu tư nhiều hơn từ các doanh nghiệp Hàn Quốc vào lĩnh vực ICT. Theo thông tin tại Diễn đàn, Hàn Quốc là 1 trong 5 quốc gia, vùng lãnh thổ có số lượng dự án và vốn đầu tư cao nhất vào Đà Nẵng với 233 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 378,14 triệu USD, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Bình Nguyên

Cấp phép khai quật khảo cổ tại 2 di chỉ thuộc tỉnh Đồng Nai

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành Quyết định số 3020, cho phép Sở VHTTDL tỉnh Đồng Nai phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ tại di chỉ Cầu Sắt, Ấp 2, xã Bình Lộc và di chỉ Suối Chồn, Khu phố Bảo Vinh B, phường Bảo Vinh thuộc thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Thời gian khai quật từ ngày 2/12 đến 31/12/2021, trên diện tích 200 m2, trong đó: Di chỉ Cầu Sắt: 100 m2; di chỉ Suối Chồn: 200 m2. Chủ trì khai quật là ông Trịnh Hoàng Hiệp, Viện Khảo cổ học.

Trong thời gian khai quật, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa. Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, Bảo tàng Đồng Nai, Sở VHTTDL tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc…

T. Linh

Trao giải thưởng phát triển văn hoá đọc năm 2021

Vào ngày 2/12, Bộ VHTTDL tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng phát triển văn hóa đọc năm 2021. Sau thời gian phát động, giải thưởng đã nhận được 53 hồ sơ của tập thể và cá nhân gửi xét tặng, gồm: 33 hồ sơ tập thể (7 thư viện công cộng cấp tỉnh, 3 thư viện công cộng cấp huyện, 2 thư viện cộng đồng, 21 thư viện bộ, ngành), 20 hồ sơ cá nhân (7 hồ sơ cá nhân thuộc thư viện công cộng, 9 hồ sơ cá nhân thuộc thư viện chuyên ngành, 4 hồ sơ cá nhân của cơ quan, tổ chức khác).

Năm nay, số hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc không tăng, do tác động của dịch Covid-19, nhiều đơn vị không triển khai được đầy đủ hoạt động theo kế hoạch hoặc phải hoạt động cầm chừng nên đã không kịp hoàn thiện hồ sơ xét tặng Giải thưởng. Trong khuôn khổ buổi lễ, Ban tổ chức sẽ trưng bày một số hình ảnh hoạt động khuyến đọc của tổ chức, cá nhân có đóng góp phát triển văn hóa đọc và sản phẩm của các thí sinh đạt giải tại cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2021.

M.Quân

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tin tức ngày 1/12

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO