G7 căng thẳng vì Brexit

Khánh Duy 26/08/2019 00:00

Đổ lỗi lẫn nhau vì không đạt được thỏa thuận, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hôm cuối tuần qua đã có cuộc khẩu chiến ngay tại Hội nghị thượng đỉnh G7 liên quan tới việc ai có lỗi nếu để xảy ra Brexit không thỏa thuận.

G7 căng thẳng vì Brexit

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. (Nguồn: SkyNews).

Căng thẳng tại G7

Ông Johnson đã có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay trước thêm G7, thể hiện sự lạc quan một cách thận trọng rằng một thỏa thuận Brexit mới có thể đạt được trước khi Anh rời khỏi EU vào thời hạn chót 31/10 tới.

Tuy nhiên, những lời qua tiếng lại giữa ông và ông Tusk ngay trước khi hai người tham gia đối thoại trực tiếp tại Hội nghị đã cho thấy tình trạng căng thẳng liên quan tới thỏa thuận “ly hôn”. Ông Johnson nói dù muốn có một thỏa thuận Brexit, nhưng Anh sẵn sàng rời EU mà không cần thỏa thuận, một quan điểm khiến ông Tusk - người ủng hộ Brexit có thỏa thuận - tức giận.

“Có một điều mà tôi sẽ không hợp tác đó chính là Brexit “không thỏa thuận”. Tôi vẫn hy vọng rằng Thủ tướng Johnson sẽ không bị ghi vào lịch sử là “Quý ngài Không thỏa thuận”“ - ông Tusk phát biểu trước báo giới tại Biarritz, Pháp.

Sau khi nghe được bình luận mà ông Tusk đưa ra, ông Johnson đã tuyên bố rằng Brexit không thỏa thuận nếu xảy ra thì không phải lỗi của ông. Thủ tướng Anh nói rằng, việc hủy bỏ điều khoản “chốt chặn” - điểm gây bất đồng chính giữa Anh và EU hiện nay - là trách nhiệm của châu Âu.

“Tôi không muốn Brexit không thỏa thuận. Tôi muốn nói với những người bạn ở EU rằng, nếu họ không muốn viễn cảnh đó xảy ra, vậy thì chúng ta hãy loại bỏ điều khoản chốt chặn đi” - ông Johnson nói - “Nếu ông Donald Tusk không muốn trở thành “Quý ngài Không thỏa thuận”, ông ấy nên nhớ điều này”.

Liên quan tới các vòng đàm phán mới đây về thỏa thuận Brexit, ông Johnson nói: “Tôi có mối quan hệ tuyệt vời với những người bạn và đối tác ở EU; và tôi sẽ tiếp tục cải thiện các mối quan hệ đó mà không bị kéo vào những giả thuyết tồi tệ về thời kỳ hậu Brexit”.

Tìm kiếm điều khoản thay thế

Về phần mình, ông Tusk khẳng định rằng EU vẫn “sẵn lòng lắng nghe các ý kiến thực tế, có thể thực hiện được và chấp nhận được đối với tất cả các nước thành viên của khối, trong đó bao gồm Ireland”.

Thủ tướng Johnson từng gọi điều khoản “chốt chặn” trong thỏa thuận Brexit là “phản dân chủ” bởi nó sẽ đòi hỏi London phải giữ nguyên các quy định luật pháp hiện hành sao cho phù hợp với của EU trong khoảng thời gian chuyển tiếp, khi đất nước Anh không còn là thành viên của khối này.

Giới chức châu Âu thì cho rằng điều khoản “chốt chặn” là điều cần thiết để tránh làm “hồi sinh” đường biên giới có thể dẫn tới một cuộc xung đột vùng miền giữa Ireland và Bắc Ireland.

Thủ tướng Anh Johnson hiện đang theo đuổi kiểu Brexit “thực hiện hoặc chết”, và cam kết sẽ đưa nước Anh ra khỏi EU vào đúng thời hạn chót ngày 31/10 dù có hay không có thỏa thuận với EU. Ông cũng cam kết sẽ tìm ra các giải pháp thay thế đối với vấn đề Ireland mà không cần có điều khoản “chốt chặn”, dù giới chức EU vẫn chưa bị thuyết phục.

“Có hàng loạt sự dàn xếp có thay thế - và chúng sẽ được thảo luận trong các tuần sắp tới” - ông Johnson khẳng định. Tuy nhiên, giới chức Chính phủ Anh nói rằng hiện vẫn chưa có một cuộc gặp trực diện nào giữa ông Johnson và các nhà lãnh đạo EU được lên kế hoạch.

Ông Johnson đã kêu gọi Quốc hội Anh - từng liên tiếp bác bỏ thỏa thuận Brexit mà cựu Thủ tướng Theresa May đạt được với EU hồi cuối năm ngoái - thực thi Brexit để Anh có thể rời khỏi EU vào đúng thời hạn chót. “Tôi tự tin rằng họ sẽ hiểu được sứ mệnh lịch sử của họ là tôn trọng ý chí của người dân” - ông Johnson nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    G7 căng thẳng vì Brexit

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO