G7 và những điểm nóng

Thế Tuấn(Nguồn tham khảo: Guardian Reuters AP) 22/08/2019 05:50

Trước khi Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra (ngày 24/8), thì ngày 20/8 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố : “Tôi nghĩ có Nga trong nhóm là chuyện hoàn toàn hợp lý. Nhiều vấn đề chúng ta đang bàn bạc đều dính tới Nga”. Động thái này của ông Trump được giới quan sát cho là “tương đồng” với thái độ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin (ngày 19/8). Vậy, đây có phải là“điểm nóng”của Thượng đỉnh G7 lần này?

G7 và những điểm nóng

Thủ tướngĐức Angela Merkel nói chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị G7 (Charlevoix, Canada, 2018). Ảnh: Bundesregierung.

Thông điệp gửi nước Nga

Tất nhiên, đó không phải là chủ đề duy nhất nhưng là “việc rất quan trọng”- theo Reuters. Năm 2014, sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea, Nga bị các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu loại tư cách thành viên và đưa ra khỏi nhóm G8. Từ đó, G7 còn lại các nước Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Ý và Canada.

Tuy nhiên, càng ngày các “ông lớn G7” càng nhận ra rõ hơn vai trò của nước Nga. Còn nhớ, hồi tháng 6/2018, chính ông Trump đã đề nghị Nga nên tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 (tổ chức tại Canada). Nhưng Tổng thống Vladimir Putin đã khéo léo nói rằng Nga không chọn G7 và sẽ rất vui khi được đón tiếp các thành viên của G7 tại thủ đô Matxcơva.

Trở lại với chuyến thăm Pháp của Tổng thống Nga Putin ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại nước này, giới quan sát cho rằng cuộc gặp giữa ông Macron và ông Putin lần này có thể tạo nên một bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai nước Pháp - Nga cũng như tạo ảnh hưởng đến cục diện chính trị - an ninh tại châu Âu. “Có thể thấy, Paris đã phát đi thông điệp ủng hộ Nga sớm trở lại G7”- truyền thông Pháp đưa tin. Nhưng còn những“ông lớn”khác thì sao?

EU mất quyền ra điều kiện

“Không còn nghi ngờ gì nữa, việc Anh rời khỏi EU sẽ làm nóng G7 lần này”- truyền thông Anh đưa tin.

Vấn đề Brexit đối với nước Anh bây giờ không còn là chuyện “đi hay ở”, mà là kiên quyết“dứt áo ra đi”, khác hẳn dưới thời cầm quyền của bà Thesesa May. Trong chuyến thăm Scotland mới đây,Thủ tướng mới của Anh Boris Johnson nói rằng, thỏa thuận rời khỏi EU vốn được đàm phán với các nhà lãnh đạo châu Âu đã “chết” và nước Anh “phải ra đi”. Khi cột mốc 31/10 đã đến rất gần thì quan hệ EU-Anh càng trở nên căng thẳng. Giới quan sát cho rằng, EU khó giành được quyền “ra điều kiện” cho nước Anh như trước, mà nay chỉ còn ngồi đợi xem diễn biến sẽ ra sao mà thôi.

Một trong những nghi ngại lớn khi Brexit diễn ra chính là việc người lao động nhập cư, đối với cả EU lẫn Anh khi mà sự tương tác đã khác trước. Người ta cho rằng, thời điểm “cơm ai người nấy ăn”sẽ diễn ra khi nước Anh chính thức rời khỏi EU. Quan hệ EU - Anh vì thế sẽ làm nóng G7 lần này.

Tác động từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung

Cho dù Trung Quốc không phải là thành viên G7, nhưng thời gian qua tác động của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã tạo ra tác động rất lớn, trước hết là đối với nước Mỹ, nhưng cũng không loại trừ “6 ông lớn còn lại” trong nhóm G7.

Một số ý kiến cho rằng, đã đến lúc “G6”- cách gọi mang hàm ý tách Mỹ sang một bên- phải đặt vấn đề rõ ràng với ông Trump, rằng cuộc chiến này sẽ đi đến đâu, trong khi ảnh hưởng tiêu cực của nó đã khiến nền kinh tế thế giới phát triển chậm lại.“G6”rất muốn biết thái độ rõ ràng của ông Trump đối với việc này, nhất là khi quan điểm “nước Mỹ trên hết” ảnh hưởng trực tiếp tới“G6”.

Một mùa hè nóng bỏng

Trong G7, thì 4 quốc gia châu Âu (Đức, Pháp, Ý và Anh) đã phải chịu đựng một mùa hè nóng nhất trong lịch sử. Từ cuối tháng 6 cho tới đầu tháng 8, nắng nóng thiêu đốt châu Âu. Nguyên nhân được cho là do biến đổi khí hậu. Nhưng, không phải tất cả các “ông lớn”- nhất là Mỹ - lại chấp nhận cắt giảm khí thải tạo ra hiệu ứng nhà kính làm Trái đất ấm lên. Các“ông lớn” châu Âu sẽ lại một lần nữa đem việc này ra bàn thảo. Tuy nhiên, theo giới quan sát thì cũng rất khó có thể đi tới một thỏa thuận nào.

Điều này khiến người ta nhớ lại Hội nghị thượng đỉnh lần trước (tháng 6/2018, tổ chức tại Canada), khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ngồi khoanh tay sau một chiếc bàn, trước mặt ông là Thủ tướng Đức Angela Merkel chống tay vào bàn nhìn thẳng vào mặt ông Trump, đằng sau bà là các“ông lớn”khác,trong một tình thế được mô tả là“khá căng thẳng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    G7 và những điểm nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO