Máy bay Pakistan gặp nạn có thể do lỗi phi công

Theo VNE 26/05/2020 10:16

Dữ liệu cho thấy máy bay PK 8303 không thả càng đáp khi cố hạ cánh, khiến động cơ bị mài xuống đường băng dẫn đến mất lực đẩy.

Máy bay Pakistan gặp nạn có thể do lỗi phi công

Nhân viên cứu hộ dùng xà beng bẩy động cơ máy bay để tìm kiếm nạn nhân bên dưới đống đổ nát hôm 22/5. Ảnh: Reuters.

Các quan chức phụ trách điều tra vụ tai nạn máy bay Airbus 320 mang số hiệu PK 8303 của hãng Hàng không Quốc tế Pakistan (PIA) khiến 97 người thiệt mạng hôm 22/5, đang xem xét khả năng động cơ máy bay bị hỏng trong lần hạ cánh thất bại đầu tiên xuống sân bay quốc tế Jinnah ở Karachi, miền nam Pakistan hôm 22/5.

Các bằng chứng sơ bộ cho thấy động cơ chiếc Airbus 320 đã quệt xuống đường băng khi phi công Sajjad Gul tìm cách hạ cánh trong tình trạng không thả càng đáp. Dấu vết trên đường băng cho thấy động cơ bên trái đã bị mài trên mặt đất khi máy bay ở quãng giữa đường băng, sau đó là động cơ bên phải.

Theo các chuyên gia hàng không, nếu phi công nhận thấy động cơ đã quệt xuống đường băng, ông này đáng lẽ phải tắt máy và để máy bay tự trượt rồi dừng lại. Nhưng thay vào đó, phi công Gul lại tăng tốc, cho máy bay cất cánh lần nữa để thực hiện cú hạ cánh lần hai.

Dữ liệu về độ cao chuyến bay và nhân chứng cho biết máy bay đã vọt lên ngay sau khi chạm mặt đất. Một video do nhân chứng trên mặt đất quay lại cho thấy khi máy bay vọt lên, vệt xước màu đen có thể nhìn rõ dọc theo mặt dưới cả hai động cơ.

Kiểm soát viên không lưu đã yêu cầu phi công bay lên độ cao 914 mét, theo bản ghi âm, nhưng máy bay đã không thể duy trì độ cao này. Khi đó, phi công nói với kiểm soát viên không lưu rằng "chúng tôi đã mất động cơ" rồi phát tín hiệu khẩn cấp. Chiếc Airbus 320 chúc đầu lao xuống, phi công dường như cố tìm cách lấy lại độ cao nhưng không thành công.

Video từ camera an ninh trên một nhà dân cho thấy máy bay đã ngóc mũi lên và chúc đuôi xuống, dường như đang lướt đi mà không có động cơ. Càng đáp dường như đã được thả ra khi máy bay tiếp cận sân bay lần hai.

Chiếc máy bay chở 99 người rơi xuống khu dân cư gần sân bay Jinnah, chỉ có hai hành khách sống sót, nhiều người trên mặt đất bị thương.

PIA, hãng hàng không quốc gia Pakistan, gặp vấn đề tài chính nhiều năm nay. Từ năm 2006 tới nay, hãng đã mất ba máy bay trong các vụ tai nạn hàng không.

Arshad Malik, giám đốc điều hành PIA, từ chối bình luận về nguyên nhân tai nạn tới khi có kết quả điều tra toàn diện dự kiến được công bố trong vòng ba tháng.

Hộp đen ghi dữ liệu hành trình bay của phi cơ được tìm thấy ngay sau vụ tai nạn, nhưng hộp đen ghi âm buồng lái chưa tìm thấy. Airbus và nhà sản xuất động cơ CFM dự kiến hỗ trợ kỹ thuật cho cuộc điều tra.

"Đây là vụ điều tra hoàn toàn tự do và công bằng", Ghulam Sarwar Khan, quan chức phụ trách hàng không Pakistan, nói hôm 23/5. "Những người liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm".

Tuy nhiên, Imran Narejo, thành viên Hiệp hội Phi công Hàng không Pakistan, chỉ trích quyết định công bố thông tin này của ủy ban điều tra, cho rằng việc lập tức đổ lỗi cho phi công gây ra tai nạn là không phù hợp. "Người chết không biết giải trình", Narejo nói.

Máy bay Pakistan gặp nạn có thể do lỗi phi công - 1

Người nhà nạn nhân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay ở Karachi khóc thương người thân trong đám tang hôm 25/5. Ảnh: Reuters.

Ủy ban điều tra sẽ kiểm tra tính năng kỹ thuật của máy bay, một trong những mẫu phi cơ được sử dụng nhiều nhất thế giới, cũng như xem xét khả năng các quyết định do tổ bay đưa ra dường như đã góp phần gây ra tai nạn.

Các điều tra viên cũng sẽ xác minh phải chăng phi công đã nhịn ăn tới 10 tiếng trước khi vụ tai nạn xảy ra, bởi người Hồi giáo đang trong tháng nhịn ăn Ramanda. PIA cấm phi công nhịn ăn khi có lịch bay để đảm bảo sức khỏe, bởi đường huyết thấp có thể ảnh hưởng tới khả năng xử lý tình huống của phi công.

Chuyến bay dài một tiếng rưỡi dường như không gặp sự cố nào tới khi gần đáp xuống sân bay quốc tế Jinnah ở Karachi trước 14h30. Các điều tra viên cũng sẽ xem xét tại sao phi công lại tiếp cận đường băng với tốc độ và độ dốc bất thường.

Trong đoạn ghi âm giữa kiểm soát viên không lưu và phi công, kiểm soát viên đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về quỹ đạo máy bay, nhưng phi công trả lời đang cảm thấy "thoải mái". Khi máy bay còn cách đường băng 8 km, nó cách mặt đất khoảng 1.200 mét, cao hơn so với độ cao cần thiết.

J.F.Joseph, người đứng đầu công ty tư vấn hàng không Joseph có trụ sở tại Texas, Mỹ, cảm thấy khó hiểu khi phi công vẫn tìm cách hạ cánh trong lần đầu tiên, dù máy bay chưa hạ xuống độ cao cần thiết.

"Điều gì khẩn cấp đã thúc đẩy phi công hạ cánh đến mức phớt lờ các quy trình cần thiết?" Joseph đặt câu hỏi.

Phi công tiếp tục điều khiển máy bay hạ cánh, dường như không biết càng đáp của máy bay chưa được thả ra, có lẽ do bị phân tâm khi xử lý độ dốc, theo lời các quan chức điều tra. Máy bay được trang bị hệ thống báo động để cảnh báo phi công về việc càng đáp chưa được thả ra khi máy bay xuống gần mặt đất.

Các nhà điều tra cũng xem xét tại sao việc theo dõi máy bay không được kiểm soát không lưu, bộ phận theo dõi đường bay từ đầu của phi cơ trên radar, trao lại cho nhân viên trong tháp không lưu tại sân bay, người đáng lẽ có thể nhận biết bằng mắt thường việc càng đáp của máy bay có được thả ra hay không.

Sự cố xảy ra vài ngày khi Pakistan nối lại các chuyến bay thương mại, sau thời gian dừng hoạt động vì lệnh hạn chế để ngăn Covid-19. Đây là tai nạn hàng không tồi tệ nhất ở Pakistan kể từ 2012, khi máy bay Boeing 737 của Bhoja Air rơi ở Islamabad, khiến 127 người thiệt mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Máy bay Pakistan gặp nạn có thể do lỗi phi công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO