Tin vào hàng Việt từ sản phẩm OCOP

Phương Nguyên 11/10/2020 06:22

Là địa phương đầu tiên trong cả nước được chọn thí điểm Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, Quảng Ninh đã tận dụng những lợi thế của địa phương, nhất là về các đặc sản nông nghiệp để xây dựng những sản phẩm uy tín, chất lượng.

Đến nay, toàn tỉnh có 402 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm này đã góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân và nhất là góp phần củng cố niềm tin của thị trường đối với hàng Việt.

Chương trình OCOP đang được tỉnh Quảng Ninh triển khai bài bản.

Nông thôn khởi sắc nhờ OCOP

Chỉ cần gõ cụm từ “trứng vịt biển Tân Bình”, “cá song Đức Thịnh” hay “chân giò Ba Miền”, người ta sẽ thấy hàng trăm kết quả khác nhau. Đó không chỉ là những trang viết về những đặc sản của huyện Đầm Hà mà chỉ bằng những cái nhấp chuột, dù ở bất cứ nơi nào, khách hàng đều có thể đặt hàng theo nhiều cách khác nhau. Đầm Hà vốn là huyện vùng xa của tỉnh Quảng Ninh, trước đây kinh tế chưa phát triển. Chuyện các sản phẩm nông nghiệp của huyện trở nên nổi tiếng, và có thể giao dịch qua thương mại điện tử là chuyện “trong mơ” của người dân huyện ven biển này.

Nhưng cùng với phong trào xây dựng Nông thôn mới (NTM), Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên của cả nước được thí điểm triển khai Chương trình “Mỗi xã, mỗi phường một sản phẩm” (OCOP), các địa phương trên địa bàn đã tận dụng những lợi thế của mình, kết hợp với sự hỗ trợ từ việc tham gia xây dựng sản phẩm OCOP. Đầm Hà là một trong những huyện hái “quả ngọt” nhờ động viên nhân dân tích cực tham gia.

Đến thời điểm này, Đầm Hà đã có 28 sản phẩm tham gia vào chương trình OCOP. Trong đó, 22 sản phẩm phẩm đã có nhãn mác bao bì, 11 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy đăng ký nhãn hiệu. Hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm, tạo mối liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản góp phần giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

Trong phát triển các sản phẩm OCOP, vai trò của Mặt trận, Hội Nông dân và các đoàn thể là hết sức quan trọng. Hội Nông dân vận động hội viên tham gia vào các tổ nhóm, nuôi trồng và sản xuất sản phẩm theo quy hoạch của địa phương, đăng ký xây dựng thương hiệu sản phẩm. Thấy rõ được hiệu quả khi phát triển các sản phẩm OCOP, người dân huyện ngày càng hào hứng, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất quy mô lớn.

Bình Liêu cũng là một trong những huyện nghèo nhất của Quảng Ninh. Nhưng những năm gần đây, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi khi triển khai xây dựng NTM. Cùng với hạ tầng được xây dựng, sản xuất hàng hoá cũng phát triển. Song để sản phẩm bảo đảm chất lượng, tìm được kênh phân phối đến người tiêu dùng, từng bước xây dựng uy tín, niềm tin, không thể không nói đến vai trò của chương trình OCOP.

Hiện nay, Bình Liêu có 27 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó 12 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên. Để có được kết quả này, Bình Liêu cũng chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị sản xuất thực hiện các bước xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, từng bước đưa các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến vào áp dụng trong sản xuất OCOP.

Ông Đỗ Đức Uyên, Giám đốc HTX Thảo mộc Tuệ Lâm, huyện Bình Liêu chia sẻ: HTX có 11 sản phẩm tham gia vào chương trình OCOP của tỉnh. Trong đó, các sản phẩm tinh dầu quế, hồi, bưởi, sả, nghệ, nhu được xếp hạng từ 3 sao trở lên và đã khẳng định trên thị trường. Từ năm 2019, HTX đã thực hiện áp dụng việc quản lý chất lượng các sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO với dây chuyền sản xuất đảm bảo chất lượng, đồng thời đầu tư trên 500 triệu đồng lắp đặt dây chuyền, mở rộng máy móc sản xuất, như máy nghiền, máy sàng, máy sấy... để nâng cao chất lượng sản phẩm”. Hiện 100% các sản phẩm tham gia chương trình OCOP của huyện được dán tem điện tử VNPT để truy xuất nguồn gốc.

OCOP góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng NTM trên địa bàn. Quảng Ninh đã có 3 đơn vị cấp huyện là Đông Triều, Cô Tô và Cẩm Phả đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 2 đơn vị là Uông Bí và Móng Cái hiện cũng đã hoàn thành hồ sơ đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận. Dự kiến đến hết năm nay, toàn tỉnh sẽ có 90 xã và 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, vượt kế hoạch của tỉnh đề ra và của Trung ương giao.

Nâng tầm hàng Việt

Là địa phương đầu tiên trong cả nước được chọn thí điểm chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, Quảng Ninh có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn của “người tìm đường”. Quảng Ninh đã cử cán bộ chủ chốt học tập kinh nghiệm ở một số nước. Từ kinh nghiệm thu được, Quảng Ninh tập trung vào phát triển các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Từ định hướng này, MTTQ tỉnh đã gắn Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Triển khai thực hiện nhiều giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng hàng Việt, khơi thông dòng chảy từ sản xuất đến tiêu dùng. Trong đó đầu tư xây dựng chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế ở các địa bàn xã, phường, thị trấn góp phần tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Quảng Ninh đã thành công trong việc phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia triển khai, nhân rộng chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Với vai trò là tổ chức đại diện cho đối tượng trực tiếp tham gia sản xuất sản phẩm OCOP, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; tập trung quan tâm hỗ trợ đoàn viên, hội viên, nhân dân trong chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Các đoàn thể nhân dân còn chủ động phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Ninh và trên 30 ngân hàng thương mại trên địa bàn tổ chức thành công nhiều hội nghị kết nối ngân hàng với người sản xuất, nhà nông, chủ trang trại gắn với truyền thông về OCOP”.

Việc công nhận các sản phẩm OCOP được tiến hành bài bản, chặt chẽ, khiến cho người tiêu dùng an tâm khi sử dụng sản phẩm. Do đó, sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao uy tín của hàng Việt trên địa bàn. Cũng từ việc được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP, nhiều tỷ phú nông dân ra đời.

Anh Nịnh Văn Trắng (dân tộc Sán Chỉ, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ) là một điển hình nhất. Vùng núi rừng Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ có cây trà hoa vàng. Lâu nay, người dân chỉ biết kiếm nhiều hoa để bán cho thương lái. Nhưng OCOP đã khiến anh Trắng và người dân thay đổi tư duy. Cùng với sự hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật, công nghệ có được trong chương trình OCOP, anh Trắng từng bước đưa cây trà hoa vàng ở rừng núi tự nhiên về trồng trong vườn nhà, nhân giống cây, mở rộng diện tích trồng.

Sản phẩm trà hoa vàng của anh nhanh chóng tạo được thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, lan tỏa trong toàn tỉnh và nhiều tỉnh thành lân cận, nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện sản lượng tiêu thụ mỗi năm của anh đạt 200kg hoa khô, 500kg lá khô. Doanh thu từ trà hoa vàng của anh Trắng đạt 3 – 4 tỷ đồng/năm.

Để chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”đạt hiệu quả cao, tỉnh Quảng Ninh cũng tập trung tháo gỡ khó khăn; đồng thời ưu tiên các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP có điều kiện thuận lợi nhất trong phát triển sản xuất, mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tin vào hàng Việt từ sản phẩm OCOP

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO