Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp

H.Vũ 12/09/2019 23:00

Ngày 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành cả ngày để cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng chống tham nhũng năm 2019. Nhiều đại biểu đã tỏ ra băn khoăn khi tình hình tội phạm giảm nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi dã man, tàn bạo, vô nhân tính.

Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp

Sáng 12/9, tại Nhà Quốc hội tiếp tục diễn ra Phiên họp thứ 37 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN.

Gia tăng tội phạm dâm ô

Báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo như: Giết nhiều người, giết người vứt xác, chặt xác, đốt xác, giết phụ nữ và trẻ em. Nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích do đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp “ngáo đá” gây lo lắng trong nhân dân.

Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra nhiều, nhất là tội phạm dâm ô và giao cấu với trẻ em tiếp tục gia tăng, gây bức xúc trong xã hội. Xuất hiện thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người dưới hình thức mang thai hộ, mua bán bào thai. Tội phạm có tổ chức vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là hoạt động núp bóng doanh nghiệp, bảo kê bến bãi, “tín dụng đen”, cầm đồ, siết nợ, đòi nợ thuê, gắn với hành vi bắt giữ người trái pháp luật.

Cùng chung nhận định tình hình tội phạm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, theo ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan chức năng ngành kiểm sát đã khởi tố mới 65.924 vụ án, tăng 9,4% so với năm 2018, số vụ án mới khởi tố trong các nhóm tội phạm đều tăng. Trong đó, số vụ án về nhóm tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia tăng 58,8%, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động trong và ngoài nước tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta, nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Ông Trí cũng cho rằng, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” dù đã được kiềm chế nhưng vẫn tiếp tục được phát hiện ra ở nhiều tỉnh, thành.

Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, mặc dù về tổng thể chung, tình hình tội phạm giảm, tuy nhiên vẫn xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi dã man, tàn bạo, vô nhân tính. Mặt khác, dù số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện nhiều, xử lý nghiêm nhưng tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em không giảm, vẫn xảy ra ở nhiều nơi, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tiếp tục gia tăng, gây bức xúc trong xã hội.

Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp - 1

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên họp.

Tham nhũng trong chính các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế còn diễn ra phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xu hướng lợi dụng công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cao để phạm tội. Tình trạng lợi dụng triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp, triển khai thực hiện các dự án, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để chiếm đoạt tài sản nhà nước vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Tình trạng “tham nhũng vặt” trong giải quyết thủ tục hành chính công gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Theo đánh giá của bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, vi phạm pháp luật và tội phạm về tham nhũng vẫn rất phức tạp, nhất là tình trạng tham nhũng trong chính các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật, “tham nhũng vặt” trong các cơ quan và cán bộ nhà nước gây bức xúc trong nhân dân và dư luận; tuy nhiên, việc phát hiện vẫn chưa được nhiều và còn giảm 0,35% so với cùng kỳ.

Bày tỏ những băn khoăn về việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn rất thấp, việc chậm kê biên, đóng tài sản của người phạm tội nên có việc tài sản bị tẩu tán, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng, vì xử lý chưa tốt dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước và của nhân dân, chưa kể khi khởi tố đương sự đã bỏ trốn trong khi việc khắc phục chuyện bỏ trốn rất tốn kém, phức tạp. Do đó theo ông Thanh, cần có hướng giải quyết triệt để vấn đề này để tránh việc tài sản tham nhũng bị thất thoát, tẩu tán không thu hồi được.

Số trường hợp bị oan tăng 50% so với năm 2018

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, số trường hợp bị oan tăng 50% so với năm 2018. Chất lượng giải quyết một số vụ án chưa đáp ứng yêu cầu. Có 20 trường hợp Viện Kiểm sát nhân dân rút một phần quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa; 49 trường hợp Tòa án nhân dân trả hồ sơ để yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân khởi tố tội phạm mới, người phạm tội mới. Năm 2019, cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra cả những vụ án không thuộc thẩm quyền được quy định tại Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

“Ủy ban Tư pháp nhận thấy, việc điều tra, truy tố, xét xử không đúng thẩm quyền là vi phạm nghiêm trọng tố tụng, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự là phải hủy án. Tuy nhiên, với trách nhiệm là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vẫn phê chuẩn, chấp nhận. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có giải pháp để khắc phục thực trạng này”-bà Nga nhấn mạnh.

Ông Lê Minh Trí cũng thừa nhận, còn có việc phê chuẩn, áp dụng biện pháp ngăn chặn thiếu chính xác, để xảy ra 33 bị can phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm, tiến độ giải quyết án của cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có tăng nhưng chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội, số lượng kháng nghị trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại giảm so với năm 2018. Bên cạnh đó, còn trường hợp Viện Kiểm sát cấp trên phải rút kháng nghị của Viện Kiểm sát cấp dưới, việc giải quyết một số yêu cầu bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự còn chậm, còn có địa phương chưa kịp thời phát hiện vi phạm để kiến nghị, kháng nghị, một số công chức vi phạm phải xử lý kỷ luật, có trường hợp phải xử lý về hình sự.

Tại sao vi phạm trong hoạt động tư pháp lại “đóng dấu mật”?

Là một thành viên trong Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, các phiên họp của Ban Chỉ đạo rất nhiều số liệu công khai. Tuy nhiên những vi phạm trong hoạt động tư pháp, Viện Kiểm sát cho rằng tất cả những vi phạm trong hoạt động tư pháp lại đưa vào danh mục đóng dấu mật. Bà Nga đặt câu hỏi: Tại sao khi bắt đầu điều tra, truy tố, xét xử, tác động đến quyền con người, quyền công dân chúng ta công khai. Nhưng sau khi làm oan lại coi các số liệu về oan, vi phạm trong hoạt động tư pháp là mật?

Từ đó bà Nga cho rằng, như vậy là không hợp lý bởi khi đã đưa ra điều tra, truy tố, xét xử mọi thứ đều công khai, làm tan nát cuộc đời của cả một con người, một doanh nghiệp có thể phá sản nhưng khi các cán bộ làm oan, bao nhiêu trường hợp bị oan, và ai làm oan lại bảo đó là “mật”. Bà Nga cũng cho rằng, tổng số phạm nhân trốn trại, tự sát, chết trong trại thể hiện sai phạm của cơ quan quản lý giam giữ nhưng tại sao lại đóng dấu “tối mật”? Thi hành án vi phạm thì “tối mật”, vậy các cơ quan khác vi phạm có tối mật không?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO