70 năm thế hệ Thiếu sinh quân Việt Nam

Nguyễn Sỹ Ẩn - Trần Kiến Quốc 18/09/2019 09:25

Trước cuộc họp mặt lần thứ 2 của các thế hệ Thiếu sinh quân Việt Nam (TSQ VN) vào ngày 20/9/2019 tại Hà Nội, chúng tôi có buổi trò chuyện thân tình với các cựu TSQ từ 1948 đến những năm sau này. Ông Nguyễn Sĩ Ẩn, cựu TSQ VN từ thuở ban đầu, tuổi đã 87 nhưng vẫn sôi nổi kể lại chuyện xưa. Rút trong cặp ra bài báo, ông khoe: “Đó là bài viết của mình nhân dịp anh em ta được Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu mời lên Trường TSQ Việt Bắc trên Thái Nguyên dự Họp mặt lần thứ nhất các thế hệ TSQ VN. Lúc đó là thu 2009, thế mà đã chục năm rồi”…

70 năm thế hệ Thiếu sinh quân Việt Nam

Nhân 60 năm ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký sắc lệnh thống nhất các nhà trường TSQ (10/11/1948 – 10/11/2008), BLL TSQ VN đến chúc mừng Đại tướng tại Khu biệt thự Hồ Tây.

Trưởng thành từ mái trường TSQ

Tiếp bước người anh hùng nhỏ tuổi Kim Đồng, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, tiếp đến Nam bộ kháng chiến (23-9-1945), Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), theo lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu, cả nước đã dấy lên phong trào tòng quân giết giặc. Cùng với hàng triệu nam, nữ thanh niên tình nguyện tham gia các đội Cảm tử quân, Quyết tử quân, Vệ quốc đoàn, Tự vệ chiến đấu, còn có hàng nghìn em nhỏ 10-15 tuổi xung phong vào bộ đội làm giao liên, trinh sát, tiếp đạn, văn thư, quân giới, sát cánh cùng các anh bộ đội trên các chiến hào từ Nam chí Bắc. Từ những em bé dũng cảm đốt cháy kho xăng, đồn giặc ở mặt trận Thị Nghè, Sài Gòn - Gia Định năm 1945, đến các em bé băng qua lửa đạn đưa thư của Ban chỉ huy Mặt trận Thủ đô Hà Nội đến các chiến hào giữa đêm Thủ đô kháng chiến 19/12/1946 mịt mù khói lửa; và đến hàng nghìn chiến sĩ nhỏ ở các đơn vị chiến đấu, trong các xưởng công binh quân giới khắp mọi miền Tổ quốc.
Đầu năm 1947, báo “Vệ Quốc Đoàn” đăng “lá thư” của một TSQ gửi lên Bác Hồ kính yêu:

Cháu là em bé phương xa,
Theo anh bộ đội xa nhà từ lâu.
Cháu qua sông Đuống, sông Cầu,
Phủ Thông, Đèo Khách,
An Châu, Lũng Vài...

Cố giáo sư, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ đã kể trong một bài đăng trên báo “Vệ Quốc Đoàn” những năm đầu kháng chiến chống Pháp: Khi ở trạm quân y tiền phương ông đã không cầm được nước mắt khi phải cưa cụt một cánh tay của em Ngọc, một liên lạc viên 12 tuổi bị thương từ mặt trận chuyển về. (Ngọc chính là Nguyễn Văn Trình, nay đã quá tuổi “cổ lai hy”, một nhà văn chuyên viết truyện cho thiếu nhi, đang sống ở Hà Nội).

Với tấm lòng của người Ông, người Cha, Bác Hồ đã nói với Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Các cháu còn nhỏ, không nên để các cháu đi chiến đấu, chết uổng lắm. Tuổi các cháu là phải được học hành”. Từ ý tưởng đó, các trường TSQ đã mọc lên từ miền Đông, miền Tây Nam bộ, đến Liên khu 5, Liên khu 4, Liên khu 3, Khu 10, Việt Bắc, tập trung mỗi trường ít thì 5, 7 chục, một vài trăm, nhiều thì hàng nghìn chú bé liên lạc, trinh sát từ khắp các chiến trường về học tập.

Ngày 10/11/1948, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký nghị định số 425/TCH thành lập trường TSQ VN do Thiếu tướng Lê Thiết Hùng - Cục trưởng Cục Tuyên huấn, trực tiếp làm Hiệu trưởng. Vì hoàn cảnh chiến tranh, các trường TSQ từ Liên khu 4 trở vào Nam không có điều kiện về sáp nhập, còn lại các trường TSQ Liên khu 3, Khu 10, Việt Bắc và TSQ các Đại đoàn 308, 304, Cục Tổ chức (Tổng cục Chính trị), Bộ Tổng Tham mưu, đều hành quân về Thái Nguyên, hình thành trường TSQ VN với quy mô lớn: 3 tổng đội, 12 đại đội, quân số hơn 1.000 học viên.

Cuối năm 1951, thành phần học viên trường TSQ VN được bổ sung thêm con em các cán bộ cao cấp của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, quân đội và các ngành ở Trung ương và địa phương: con gái nhà cách mạng Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai; con gái Tổng bí thư Trường Chinh…

Trung tá Thanh Hưng, Chính ủy Trung đoàn Sông Lô nổi tiếng và hàng chục sĩ quan trẻ mới tốt nghiệp Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, trong đó có nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhạc sĩ Huy Du… được điều về làm giáo viên trường TSQ VN.

Năm 1960, ở Trường Văn hóa Quân đội Lạng Sơn thành lập “Tiểu đoàn con em” D1 TSQ. Và 5 năm sau, ngày 15-10-1965, Bộ Quốc phòng cho thành lập Trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi, nuôi nấng, đào tạo con em các cán bộ, sĩ quan đang chiến đấu ở chiến trường và gia đình có công. Con các đồng chí lãnh đạo như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Đại tướng Văn Tiến Dũng và nhiều tướng lĩnh, bộ trưởng, thứ trưởng đã vào học tại đây.

Trong thời kỳ đổi mới có các trường TSQ Quân khu Việt Bắc, Quân khu 9, Quân khu 5, TP HCM…

Từ mái trường TSQ, được Bác Hồ, Đảng, quân đội rèn luyện, đào tạo, lớp lớp thanh niên đã trưởng thành, trở thành lực lượng bổ sung quan trọng cho quân đội và các ngành kinh tế, văn hóa trong cả nước. Các cựu TSQ sau này giữ các cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước, như: Lê Xuân Tùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Vũ Khoan, nguyên Bí thư TƯ Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ; Vũ Mão, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội... Cựu TSQ trường Nguyễn Văn Trỗi thời kỳ chống Mỹ Nguyễn Thiện Nhân hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM.

Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có NSND, đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh, cùng các NSƯT, nhạc sĩ: Cao Việt Bách, Lê Lan, Phan Phúc, Dương Minh Đức; các họa sĩ Trần Quân Ngọc, Cát Lâm Mậu; nhà văn Ma Văn Kháng, các nhà báo Như Đàm, Trần Thọ, Sĩ Ẩn và các nhà khoa học như giáo sư, tiến sĩ Hoàng Thủy Nguyên, Trần Tiến Nguyên, Vũ Trọng Hùng... đều từng là các TSQ.

Người được báo chí nước ngoài tặng danh hiệu “tỷ phú đỏ” là Lê Minh Ngọc, nguyên TSQ Liên khu 4, nguyên Phó viện trưởng Viện KHXH và NV TPHCM. Thiếu tướng Cao Long Hỷ - trưởng ban liên lạc truyền thống TSQ VN TPHCM là cựu TSQ Miền Đông Nam bộ; và Thiếu tướng Nguyễn Việt Quân - Ủy viên T.Ư Đảng, Chính ủy Quân khu 9; Thiếu tướng Phan Tấn Tài - Phó tư lệnh Quân khu 7… là TSQ thời chống Mỹ.
(Nhà báo Nguyễn Sĩ Ẩn)

Trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi thời kì chống Mỹ

Ngày 5/8/1964, giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc XHCN. Ngày 15/10/1964, lật lọng trong vụ trao đổi trung tá Michael Smolen với du kích quân Caracat (Venezuela), Mỹ đã bật đèn xanh cho chính quyền Sài Gòn hèn hạ xử bắn chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Trỗi.

Tháng 3/1965, Trường Văn hóa Quân đội tạm dừng nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức văn hóa cho cán bộ quân đội mà chuyển sang tiếp nhận nuôi dưỡng, giảng dạy cho con em cán bộ sĩ quan các cơ quan bộ đang chiến đấu ở chiến trường B, C, K và gia đình có công. Ngày 15/10/1965, đúng một năm sau ngày anh Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, Bộ Quốc phòng ký quyết định 171/QĐQP thành lập Trường TSQ mang tên anh. Lễ khai giảng chính thức được tổ chức ở cửa rừng sườn đông dãy Tam Đảo, thuộc xã An Mỹ, Đại Từ, Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) – ATK kháng chiến chống Pháp năm xưa.

Chỉ tồn tại 5 năm (1965–1970), đào tạo 1.200 học sinh với 8 khóa (từ lớp 5 đến lớp 10) nhưng đã cung cấp cho quân đội gần 900 chiến sĩ trẻ để đào tạo thành sĩ quan, hơn 1.000 học sinh trở thành kỹ sư, bác sĩ, cử nhân, sĩ quan chỉ huy… hơn 100 giáo sư, tiến sĩ. Trong quân đội và CAND có 4 trung tướng và 16 thiếu tướng cùng hàng trăm cán bộ cao cấp đảm nhận các vị trí trọng trách trong và ngoài quân đội là cựu học sinh TSQ Nguyễn Văn Trỗi.

Tô thắm thêm truyền thống đỏ của nhà trường còn là danh sách 2 thầy giáo và 28 học sinh tuổi mười tám đôi mươi, đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, trong chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc. Họ là Nguyễn Lâm – con trai cụ Hoàng Hữu Kháng (có tên trong đội bảo vệ thân cận của Bác Hồ thời chống Pháp: Kháng, Chiến, Trường, Kỳ…), là Võ Dũng – con trai Thủ tướng Võ Văn Kiệt, là Y Hòa – con trai cụ Y Wang Phó trưởng ban Dân tộc Quốc hội; là Nguyễn Tiến Quân – con trai Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên…

Xin được kể về LS Huỳnh Kim Trung, học sinh khóa 5, được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1973.

70 năm thế hệ Thiếu sinh quân Việt Nam - 1

Chân dung Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Kim Trung.

Về AHLS tuổi 20 Huỳnh Kim Trung

Thành tích chiến đấu

… Sinh ra ở Thủ Dầu Một năm 1952, Trung theo ba - bác Huỳnh Kim Trương, nguyên Tham mưu trưởng Khu 7 của trung tướng Nguyễn Bình - tập kết ra Bắc năm 1954. Năm 1965: nhập trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi, năm 1970: tốt nghiệp. Tháng 12/1970: xung phong nhập ngũ vào lực lượng CAND. Tháng 4/1972, Trung xung phong vào tuyến lửa Quảng Bình, làm công an tập sự giải tỏa ách tắc phà sông Gianh, nối thông huyết mạch chi viện cho chiến trường…

Trong bản báo cáo thành tích đề nghị Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Huỳnh Kim Trung có ghi:

16/4/1972: Giải phóng đoàn xe từ phía nam ra bị tắc, trong khi máy bay Mỹ đánh phá.

29/4/1972: Dập tắt lửa trên xe chở đạn bị máy bay địch bắn cháy, đưa lái xe bị thương đi cấp cứu. Cõng một công nhân bến phà đi cấp cứu trong khi máy bay Mỹ bắn phá.

12/6/1972: Vận động và cùng bà con cứu xe hàng của Đoàn 559 đang đi trên phà bị máy bay Mỹ bắn chìm. Ngay chiều đó, cùng đồng đội vớt và cứu một số đồng chí bộ đội đi dò thủy lôi bị nổ (1 đồng chí được cứu sống, số còn lại hy sinh).

20/8/1972: Trong khi máy bay Mỹ đánh phá, cùng dân cứu kho đạn 37 mm và 85 mm. Đồng chí Trung vác đến hòm thứ 50 thì đạn nổ và bị thương nặng. Khi được cấp cứu, biết không sống được đã yêu cầu cứu chữa người khác nhẹ hơn.

Trạm Công an Giao thông phà sông Gianh, Uỷ ban Hành chính, Xã đội xã Quảng Thuận (Quảng Bình) và Bộ Công an đề nghị tuyên dương Anh hùng LLVTND và truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Nhật ký chiến trường

… Sau khi anh mất, đơn vị đã bàn giao lại cho gia đình nhiều kỉ vật, trong đó có cuốn nhật ký chiến trường. Hãy cùng xem lại những dòng nhật ký nóng bỏng ấy.

Ngoài bìa là hình ảnh cây thông non đang đứng hiên ngang trước bão táp; phía xa bình mình đang lên cùng những cánh chim hải âu; phía trên có mấy dòng thơ:

“Ơi tuổi trẻ say sưa lý tưởng/ Dấn thân vào đường tranh đấu tiền phong/ Lấy khổ ải làm một nguồn sung sướng/ Vấp ngã – sợ gì, rèn luyện ắt thành công!”.

“Chưa thất bại chưa phải người từng trải/ Chưa đau thương chưa phải bước vào đời/ Nếu lòng ta cứ sợ mưa sa/ Thì nắng đẹp mùa xuân đâu sẽ thấy?”

26/6/1972

Như vậy là sắp hết 3 tháng thực tập tại Quảng Bình. Đáng lẽ hôm nay mình và các bạn chuẩn bị đồ đạc, tổng kết để trở về Thủ đô Hà Nội yêu dấu. Thế nhưng, đùng một cái, có lệnh ở lại công tác thêm một thời gian nữa. Thầy Chi – phụ trách tụi mình – đã có giấy gọi về trường.

Đêm hôm chia tay thật là bùi ngùi, lưu luyến. Kể ra thì có buồn thật, nhớ nhà và bà con cô bác, nhớ H., nhớ Hà Nội… Bao nhiêu tình cảm vui buồn lẫn lộn… Thế nhưng biết làm thế nào được, đây là nhiệm vụ của cách mạng, của Đảng giao, ta phải phục tùng và làm tròn. Nghĩ đi nghĩ lại tôi thấy mình còn thua xa những chiến sĩ vô Nam đã hàng chục năm nay, hoặc nhiều đồng chí công tác trong này từ 1966…

Biết đến bao giờ mình được ghé thăm nhà, dù chỉ một lần thôi, rồi đi bất cứ đâu cũng được; vì hôm vô đây đâu có kịp ghé qua nhà! Như vậy, bắt đầu từ nay, mình đã thực sự bước vào đời! Một cuộc sống mới đang mở ra trước mắt mình với đầy gian nan, vất vả, nhưng đầy vinh quang.
30/6/1972

Mấy ngày nay địch đánh ngày càng căng, do chiến trường ta đang thắng lớn, địch như con thú dữ cùng đường đâm cắn càn. B52 của chúng ngày nào cũng rải thảm, đã 10 ngày nay rồi đất Quảng Bình luôn hứng bom B52. Có lần, mình cùng anh Vân đi đào hầm ở nhà anh ấy. B52 rải thảm cách đấy có 1 km. Bom nổ xé trời, đất rung chuyển như muốn sập xuống và như muốn tung lên tất cả. Nghe nó rền rĩ, àm ào như bão tố; thế mà hai anh em cứ nhìn nhau cười, vì hầm mới đào ngang đầu gối. Nguy hiểm thật!

Suốt 15 ngày qua, đêm nào cũng mất ngủ, thật là vất vả. Ngày dỡ nhà cũ, dựng nhà mới ở chỗ khác, rồi đào hầm, đắp hầm… đêm lại trực. Một ngày ngủ nhiều nhất có 2-3 tiếng đồng hồ. Người đen thui, hốc hác, hai hố mắt trũng sâu. Thế nhưng vẫn ca hát, vui cười. Giá có cái đài nghe ca nhạc thì vui biết mấy, hoặc có cây ghi-ta cũng được. Kỷ niệm về những đêm ca nhạc hay chiếu phim ở Hà Nội mãi mãi sống trong lòng tôi. Hà Nội yêu dấu của tôi đang chiến thắng giòn giã. Hà Nội, quê hương thứ hai của tôi ơi! Sẽ có ngày tôi trở về với chiến công chói lọi từ tuyến lửa anh hùng.

8/7/1972

Trưa nay nằm trong hầm, tôi lại giở sổ tay viết vội vài dòng cho khuây khỏa. Suốt 2 tháng trời không được tin nhà, khiến lòng tôi xao xuyến lo âu. Về bản thân cá nhân, tôi không lo cho tính mạng của mình, mà lo cho cha mẹ già và bà chị đau ốm với đứa cháu gái ngây thơ, nhỏ dại, lo cho những người thân của tôi. Không có đài nên tin tức chiến sự cũng mù tịt, chẳng biết gì cả. Buồn thật! B52 với chúng tôi bây giờ như cơm bữa. Hôm nay, chúng tôi lại vừa hoàn thành một cái nhà và một hầm lớn mới.

Các o gái ở đây cứ gặp mình là lại trêu chọc, (thật khổ cho chàng trai chưa vợ), và cũng nhiều lúc họ muốn ngỏ tình chi đây? Thế nhưng, mình cũng ít nói chuyện, mà chỉ cười trừ thôi. Bởi vì tôi còn đợi chờ một hy vọng to lớn, cao đẹp hơn, đó là thống nhất đất nước. Lúc đó tôi mới có thời gian lo nghĩ tới chuyện “kia”. Quê huơng sẽ giang cánh tay đón tôi trở về.

70 năm thế hệ Thiếu sinh quân Việt Nam - 2

Nhật ký chiến trường của Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Kim Trung.

6/8/1972

Hôm nay, cùng một lúc nhận được 3 bức thư: của gia đình, của Mạnh Chiến và Công Trường (những thằng bạn chí thân). Thật khó mà nói hết nỗi vui mừng của mình.

Xem thư ba, thấy gia đình vẫn mạnh khỏe và đã đi sơ tán. Đó là điều ta lo lắng bấy lâu. Cháu Kim Sơn đã lớn khôn và ở với bà ngoại. Đứa cháu gái lên 2 bé bỏng xinh xinh chắc giờ này chẳng nhận ra cậu của nó nữa, vì cậu đã già và có râu như ông ngọai rồi (!). Mới vô Quảng Bình có 4 tháng mà mình đã già đi nhiều quá. Nhiều lúc nghĩ mà giật mình! Tội nghiệp con cháu mới sinh ra đã phải đi sơ tán theo bà, đến lúc mới chập chững biết đi đã phải nếm mùi bom đạn. Biết bao cháu bé trên đất nước này đã phải chịu bao cảnh tang tóc, mồ côi do chiến tranh gây nên. Không hiểu những bà mẹ có lương tri trên trái đất sẽ nghĩ gì về những cháu bé Việt Nam, những cháu bé vô tội, ngày chỉ biết bú no, ngủ ngon đã phải chịu đau thương, tang tóc như người lớn. Những bà mẹ Mỹ sẽ suy nghĩ gì về con cái họ, cũng từ những đứa nhỏ bập bẹ gọi ba, gọi má, mà giờ đây đã trở thành những con quỷ xa tăng ác thú hủy diệt những gì gọi là sự sống trên mảnh đất Việt Nam xa xôi này, chúng giết hại từ những bà mẹ tóc bạc phơ cho đến những cháu bé còn chưa kịp mở mắt trông thấy ánh sáng Tổ quốc mình. Họ sẽ nghĩ sao khi con cái họ đang gây tang tóc và mang những thứ văn hóa đồi trụy của nước Mỹ – mà chúng gọi là văn minh – sang xứ sở này, để từ đó, con cái giết lại mẹ cha, quên cả tình mẫu tử và gây nên những bệnh tình truyền nhiễm, cuối cùng chuốc lấy cái chết nhục nhã và sẽ nằm mãi trên mảnh đất xa nuớc Mỹ hàng vạn dặm này.

Thật đúng là, cha mẹ sinh con - trời sinh tính! Cũng là những đứa trẻ sơ sinh, nhưng ở hai chế độ khác nhau sẽ tạo nên những con người khác nhau. Một bên trở thành những con thú dữ chỉ lấy giết người làm thú tính, mang hình người mà lòng dạ dã thú. Một bên trở thành những con người biết yêu quê hương, yêu gia đình, yêu cuộc sống và con người. Phải chăng chế độ tươi đẹp sẽ tạo nên những con người tốt đẹp, chế độ thú vật sẽ tạo nên những con thú dữ xấu xa. Mà cái tốt đẹp bao giờ cũng có sức mạnh đập tan mọi xấu xa và bất công trong xã hội này. Cái mới bao giờ cũng thắng cái cũ, cái tiến bộ bao giờ cũng dẹp đi cái lạc hậu. Thế phát triển của xã hội bao giờ cũng đi lên, bánh xe lịch sử không bao giờ quay ngược… Mất con, bà mẹ nào chẳng đau khổ. Thế nhưng cái đau khổ đó cũng khác nhau. Cùng đau khổ vì mất đứa con mình đã mang nặng đẻ đau, nhưng sẽ đau khổ hơn, day dứt hơn, khi bị mang tiếng đời nguyền rủa vì đã sinh ra những đứa con ác thú. Một đằng đau khổ, nhưng tâm can được nhẹ bớt phần nào, được an ủi vì con ta đã ngã xuống tại mảnh đất ta sinh ra và lớn lên, vì mảnh đất đó mà con ta đã hy sinh, vì mảnh đất mà tổ tiên và dân tộc giao phó mà con ta hy sinh, vì bảo vệ cuộc sống hoà bình - hạnh phúc cho mọi người lương thiện mà con ta ngã xuống không một điều gì ân hận. Tổ quốc sẽ ghi công ơn, cả dân tộc sẽ đời đời nhớ mãi những người con quang vinh.

Má ơi, con thương má quá! Đáng ra tuổi già như má là tuổi an nhàn, nghỉ ngơi và có những đứa con lớn phụng sự. Thế nhưng vì Tổ quốc kêu gọi, nước còn thì nhà còn, nước mất thì nhà tan, vì vậy chúng con phải tạm thời xa ba má, anh chị và bà con, xa những mái nhà thân yêu từ thuở bé được sinh ra và lớn lên, để khoác súng lên đường đi khắp mọi miền đất nước, giết sạch những con ác thú mang hình người kia, để cứu lấy những bà mẹ già, những cháu bé vô tội.

Chúng con sẽ thực hiện lời Bác: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi”. Quét sạch giặc rồi, lúc đó con sẽ về phụng sự má già, như trăm ngàn đứa con hiếu thảo khác…

Những dòng nhật ký này dừng ở ngày 6/8/1972. Và đúng 2 tuần sau, ngày 20/8, Huỳnh Kim Trung đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn tuổi 20.

Vỹ thanh!

… Gần nửa thế kỉ sau, em trai Huỳnh Kim Thành khi nhận được lá đơn tình nguyện đi chiến đấu của anh mình, đã kể: “Trong đời anh tôi đã 2 lần từ chối sự ưu đãi của nhà nước dành cho để lao vào cuộc chiến của dân tộc. Lần đầu là từ chối giấy gọi đi học Hàng hải ở Ba Lan để theo học ngành CA, gần với cơ hội ra chiến trường. Và lần sau là khi tốt nghiệp trường Cảnh sát, được giữ lại làm giáo viên thì anh lại làm lá đơn tình nguyện ra tuyến lửa Quảng Bình, đúng thời kỳ ác liệt nhất.

Chỉ sau khi viết là đơn này, được nhà trường chấp thuận, anh Huỳnh Kim Trung vào tuyến lửa tháng 5/1972, để rồi mấy tháng sau đi mãi, chưa trở về...”.

Hơn năm sau, ngày 31/12/1973, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký quyết định số 110-LCT, truy tặng anh hiệu Anh hùng LLVTND cho LS Huỳnh Kim Trung!

Huỳnh Kim Trung, bạn TSQ Nguyễn Văn Trỗi của chúng tôi, ra đi đến nay đã 47 năm. Năm nào cứ đúng ngày 20/8 dương lịch, bác Huỳnh Kim Trương cũng mời chúng tôi đến giỗ bạn; và năm nay, khi bác sắp tròn bách niên, vẫn thế…

Huỳnh Kim Trung mãi mãi tuổi 20!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    70 năm thế hệ Thiếu sinh quân Việt Nam