90 năm Phú Riềng

Trần Kiến Quốc 22/01/2020 14:22

Đúng dịp Tết Nguyên đán 1930, 5000 phu cao su dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng (chỉ với 6 đảng viên) đã làm chủ Đồn điền Cao su Phú Riềng trong hơn một tuần lễ. Sự kiện này không chỉ rúng động Nam kỳ mà vang tới tận Paris (Pháp)...

90 năm Phú Riềng

Tượng đài Phú Riềng Đỏ trong khu di tích.

Cao su, những năm đầu thế kỷ XX

Lịch sử ngành cao su Việt Nam có ghi: Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã thành lập hàng loạt các công ty cao su ở miền Đông Nam bộ: Cao su Đông Dương (1906); Cao su Đồng Nai (1908); Cao su Tây Ninh (1913). Trên địa bàn Bình Phước ngày nay có các công ty: Đồn điền Đất Đỏ; Cao su Viễn Đông (1910) và Các đồn điền cao su Mít-sơ-lanh (1917).

Đồn điền cao su miền Đông Nam bộ được ví là “địa ngục trần gian”, mỗi gốc cây cao su mọc lên là một phu cao su người Việt ngã xuống. Phu làm việc cực khổ, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, bị bóc lột đến tận xương tủy, ngày làm việc 12 giờ, ốm đau không được chữa bệnh, thiếu thốn trăm bề...

“Con giun xéo lắm cũng quằn”, phu cao su tự phát chống lại chế độ lao động hà khắc, chống lại sự đối xử dã man, tàn bạo của chủ tư bản với nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Nhưng đấu tranh diễn ra đơn lẻ, thiếu sự lãnh đạo nên chưa kết thành một phong trào đấu tranh chung. Hầu hết bị đàn áp đẫm máu.

Thời điểm đó, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội thực hiện “vô sản hóa”: Các đảng viên, thanh niên đi về nông thôn, vào nhà máy, hầm mỏ, đồn điền... lao động, thâm nhập vào quần chúng, tuyên truyền giác ngộ con đường giải phóng, con đường cách mạng. Các đồn điền cao su miền Đông Nam bộ, trong đó có Phú Riềng, được Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội chú ý.

Thành lập Chi bộ Phú Riềng

Đầu năm 1928, đồng chí Nguyễn Xuân Cừ (dân Bắc Ninh, học sinh Trường Bưởi) được cử đến “vô sản hóa” ở đồn điền cao su Phú Riềng(1). Người đầu tiên tìm bắt liên lạc là Phạm Văn Phu(2) - dân Hà Nam, từng học trường Dòng Hoàng Nguyên, nổi tiếng trong các cuộc đấu tranh của phu cao su, lúc đó làm việc ở trạm xá.

Anh Cừ thường xuyên liên lạc với Ngô Gia Tự, đại diện cho Đông Dương Cộng sản Đảng ở Nam kỳ. Sau thời gian thử thách, đến tháng 4/1928, anh Phu cùng với 3 công nhân (Tạ, Hồng, Hòa) được tổ chức kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội - tổ chức cách mạng có xu hướng cộng sản đầu tiên ở Đông Nam bộ.

Với chủ trương phát triển tổ chức đảng của Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng, Ngô Gia Tự chỉ đạo Nguyễn Xuân Cừ thành lập chi bộ đảng ở Phú Riềng. Vào đêm 28 rạng sáng ngày 29/10/1929, tại khu rừng Suối Đá, thuộc Làng 3(3) diễn ra một sự kiện lịch sử của Đảng và giai cấp công nhân Việt Nam: Chi bộ Phú Riềng được thành lập với 6 đảng viên (bí thư Nguyễn Xuân Cừ cùng Phạm Văn Phu, Tạ, Hồng, Hòa và Doanh). Dưới cờ Đảng, các đảng viên tuyên thệ: “1/ Thề trung thành với giai cấp, với Đảng đến chết không thôi. 2/ Thề giữ bí mật của Đảng đến cùng. 3/ Nếu bị địch bắt dù cho chúng có tra tấn đến chết cũng không cung khai. 4/ Lăn vào quần chúng, thề sát vai nhau cùng đấu tranh. 5/ Bỏ tất cả mọi tín ngưỡng khác, tin tưởng có một chủ nghĩa cộng sản. 6/ Thề chung sức đấu tranh, trước làm cách mạng giải phóng dân tộc, sau làm cách mạng XHCN, tiến tới thế giới đại đồng”.

Sau đó, các đảng viên được học về chủ trương của Đảng, trong đó có vấn đề đem lại ruộng đất cho dân cày; nhà máy, đồn điền cho công nhân và giải phóng dân tộc; được đọc báo “Thanh niên giải phóng” của Đông Dương cộng sản Đảng, báo “Nhân đạo” của Đảng Cộng sản Pháp...

Chi bộ tổ chức đấu tranh đòi các quyền lợi thiết thực: tăng lương, cải thiện chỗ ăn ở, điều kiện sinh hoạt văn hóa tinh thần, đấu tranh không được cúp phạt, đánh đập… và xây dựng nghiệp đoàn công nhân cao su - một trong 3 nghiệp đoàn đầu tiên của Nam bộ (cùng Ba Son) và Đội thanh niên xích vệ - tổ chức tự vệ đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.

Tháng 11/1929, nghiệp đoàn đưa yêu sách cho bọn cai Xưởng cơ khí, đòi tăng lương, chống đánh đập, đòi trợ cấp cho phụ nữ hậu sản… và được chấp thuận. Nghiệp đoàn còn bí mật phát hành tờ “Giải thoát” (tờ báo đầu tiên của công nhân cao su), tuyên truyền, giáo dục ý thức cách mạng, hướng dẫn công nhân đấu tranh theo đường lối của Đảng.

Cuối năm 1929, mật thám Pháp đánh hơi thấy hoạt động của Nguyễn Xuân Cừ nên anh phải chuyển về Sài Gòn. Anh Phu nhận nhiệm vụ bí thư. Vào dịp Tết Nguyên đán Canh Ngọ năm 1930, Chi bộ Phú Riềng đã lãnh đạo công nhân tổ chức cuộc đấu tranh kéo dài 8 ngày, giành thắng lợi lớn.

90 năm Phú Riềng - 1

Mùa “vàng trắng”.

Làm chủ đồn điền

Ngày 30/1/1930 (mùng một Tết), lợi dụng việc “chúc tết năm mới”, phu cao su kéo nhau lên múa lân ở sân nhà Chủ nhất Su-ma-nhắc rồi khéo léo đưa các yêu sách. Nhưng hắn cố tình lờ đi. Anh em ra về, bỏ lại trên sân trắng xóa những tờ bạc của Chủ nhất mừng tuổi.

Trong 3 ngày tết, theo chủ trương của Chi bộ, nghiệp đoàn tăng cường hoạt động nhằm gắn kết công nhân chặt chẽ hơn. Ban ngày, qua lại thăm hỏi nhau; trưa và chiều nấu cơm ăn chung. Tối đến trống chèo, trống lân nổi lên, bà con kéo đến dự rất đông. Trước khi mở màn, đại biểu nghiệp đoàn lên nói chuyện: Tại sao đời ta khổ cực? Chúng ta phải đồng tâm hiệp lực thế nào để đòi được quyền sống? Khi trương cờ búa liềm lên, anh em phu phen trầm trồ nhìn ngắm. Màu cờ đỏ rực như bầu máu nóng sôi sục của anh em, còn chiếc búa và lưỡi liềm vàng trên cờ chính là những vật dụng hàng ngày. Đó chính là lá cờ của những người vô sản. Cuộc nói chuyện và hoạt động của nghiệp đoàn đã tác động đến tinh thần của công nhân. Anh em nhận thấy nếu đoàn kết chặt chẽ thì họ trở thành một lực lượng to lớn.

Ở làng số 2 có đoàn viên nghiệp đoàn ốm chết. Anh em đi đưa ma người xấu số rất đông. Nghiệp đoàn cử người nói mấy lời từ biệt với người đã khuất, nêu lên câu hỏi: Vì sao anh ốm chết? Bọn Tây thấy nguy, định giải tán đám tang nhưng bất thành. Qua 3 ngày Tết, nghiệp đoàn thông báo lệnh bãi công và dặn dò: Đâu cứ ở đó đến bao giờ bọn chủ chịu giải quyết những yêu sách của mình; chỉ khi ban chấp hành nghiệp đoàn thông báo, anh em mới đi làm.

Sáng mùng ba Tết, bọn cai Tây rúc còi mỏi mồm nhưng không ai ra điểm danh, chỉ vài kẻ tay sai lẻ tẻ ló mặt. Bọn cai Tây sục sạo vào lán, thúc anh em đi làm nhưng đến đâu cũng bắt gặp những ánh mắt lạnh lùng. Chúng sợ hãi, rút cả về nhà Chủ nhất và thả tay chân đi dò la.

Bọn chỉ điểm mò xuống bị thanh niên Xích vệ tóm được; gán cho tội: ăn cắp, tán gái... có cớ đánh nhừ tử. Có thằng mật thám, quê ở Bắc Ninh, làm y tá ở làng số 2, đang lởn vởn nghe ngóng bị anh Lự (làm cai nhưng đứng về phía công nhân) bắt gặp, nện luôn. Thằng này bỏ chạy, liền bị anh đuổi tới tận sân nhà Chủ nhất. Bọn cai Tây ùa ra, bắt được anh Lự rồi tống giam.

Lập tức tin này được báo từ làng này sang làng khác. Làn sóng căm phẫn trào dâng. Mấy nghìn phu đùng đùng kéo lên sở, hò la đòi thả anh Lự. Những yêu sách đã đề ra từ hôm mùng một Tết được nhắc đi nhắc lại. Su-ma-nhắc đóng cửa, không dám ra. Anh em vây vòng trong vòng ngoài, hò la rầm trời.

Chiều hôm ấy, qua một đêm, đến sáng hôm sau (mùng bốn) anh em vẫn không lơi lỏng hàng ngũ. Đội Xích vệ cắt người canh gác; còn lại nằm ngay sân đồn điền ngủ. Các làng số 9, số 10 ở xa nên mãi tới 8 giờ sáng mới kéo đến. Các kíp chặt củi, phát hoang ở xa hơn cũng bỏ việc kéo về. Có thêm sinh lực, tinh thần đấu tranh của anh em càng hăng. Tiếng trống đổ hồi thúc vang, truyền từ làng này sang làng khác, gọi anh em còn lại ở nhà cùng lên bàn giấy Chủ nhất.

Bão đã nổi dậy ở Phú Riềng! Năm nghìn phu phen lao khổ đã đứng lên, vây tròn dinh cơ của bọn chủ, chốc chốc lại hò la đòi chúng phải thoả mãn các yêu sách đã đề ra. Không khí đấu tranh sôi sục khiến Su-ma-nhắc sợ xanh mắt và lén gọi điện thoại cho đồn binh Phú Riềng.

Khoảng 10h sáng, một viên đội Tây dẫn 25 lính khố đỏ tiến vào khu vực đồn điền, gặp toán phu các làng số 2, số 3 mới thu xếp xong việc, đang kéo lên sở. Bọn lính ngăn đoàn biểu tình. Viên đội Tây giơ súng lục, doạ: “Đứng lại ngay! Chúng mày làm loạn đấy à?”. Đoàn biểu tình có một tốp phụ nữ đi đầu cứ tiến. Thằng Tây hô tiếp: “Phải nghe quan lớn! Tất cả giải tán ngay, không quan lớn bắn!”. Chẳng ai đếm xỉa, rầm rập xông lên. Viên đội Tây hô lính bắn chỉ thiên dọa. Nghe tiếng súng, càng hăng, anh chị em cùng các đội viên Xích vệ sấn ngay lại; người thì bốc cát ném vào mặt bọn lính, người thì dùng gậy đánh nhau với chúng. Có chị rất hăng, quơ tay ôm ngang lưng lính, vật ngã kềnh rồi cướp lấy súng. Viên đội Tây vừa giơ súng chĩa thẳng vào đoàn người thì một đội viên Xích vệ nhảy ngay tới, nện cho nó một cán cuốc gẫy tay. Nó la om lên: “Thôi thôi, đừng đánh quan lớn! Quan lớn không bắn nữa!”.

Những thằng còn lại ù té chạy. Anh em ta tước được 7 khẩu súng và bắt sống 5 tù binh rồi giải luôn cùng súng ống lên sở. Tin lính đồn bị thua được lan truyền, anh em hò reo sung sướng. Hăng lên, nhiều người xông thẳng đến nhà mà bọn chủ đang nấp, đập cửa rầm rầm.

Su-ma-nhắc sợ quá phải mở cửa, điều đình. Chi bộ cử anh Hồng, anh Tạ làm đại diện đưa yêu sách. Su-ma-nhắc chấp nhận ngay. Biên bản được ký - một bên là đại biểu công nhân, một bên là Su-ma-nhắc. Hai anh giơ cao tờ biên bản kết quả điều đình trong tiếng reo hò ầm ĩ. Bọn chủ nấp kín trong nhà, không dám ho he.

Cuộc đấu tranh thắng lợi bước đầu. Nghiệp đoàn lệnh cho anh em giải tán. Phu cao su phấn khởi tràn trề, rầm rộ kéo về các làng. Rồi tự nhiên xếp vào hàng ngũ, hình thành một đoàn tuần hành. Đảng viên, chấp hành nghiệp đoàn đi đầu; theo sau là 300 chị em, cuối cùng là công nhân của 10 làng. Xích vệ đội vác súng vừa tước được đi 2 bên bảo vệ, chốc chốc lại nã "đoàng" một phát lên trời.

Trương cờ búa liềm lên đầu, anh em hát vang Quốc tế ca: "Vùng lên, hỡi các nô lệ ở thế gian! Vùng lên, hỡi ai cực khổ bần hàn...". Sau đó lại hoà lời hát bài cách mạng theo điệu "Hành vân": “Cực quá rồi, các bạn thợ thuyền ơi! Chúng ta muốn sống phải quyết một phen, phá khai con đường xích lộ...”.

Đoàn biểu tình diễu hết làng này sang làng khác. Có bãi đất rộng nào thì dừng lại, nghe đồng chí trong chi bộ hoặc nghiệp đoàn đứng lên diễn thuyết. Lý luận lúc đó chưa có gì nên những điều người này vừa nói, lát nữa người khác nói lại. Dù diễn giả nói khản cả cổ mà người nghe vẫn cứ say sưa không biết chán.

Đoàn tuần hành kéo về làng số 3. Ở đây có một nhà máy cưa, có tường rào chắc chắn. Mấy tên xu-vây-dăng(4) Tây hy vọng trốn vào đây sẽ thoát được “cơn bão”. Không ngờ ở đây phong trào rất mạnh. Khi đoàn biểu tình tuần hành kéo tới, bọn “xu” Tây có súng nhưng không dám bắn.

Hăng hái nhất là anh em Xích vệ của đảng viên mới Nguyễn Mạnh Hồng. Cổng nhà máy khoá chặt. Anh em nắm gióng cửa rung rầm rầm rồi công kênh nhau leo qua rào. Số anh em nội ứng ở xưởng cưa, do anh Doanh lãnh đạo, lấy gỗ làm vũ khí, đánh mấy thằng “xu” Tây. Khoá cổng được mở, cửa bật tung và dòng người tràn vào nhà máy. Bọn Tây hoảng sợ giơ tay xin hàng.

Anh em tước được mười mấy khẩu súng, rồi tiến về làng số 2. Ở đây có ga-ra ô-tô và nhà máy điện, nhà máy nước với tháp nước đổ bê tông cao chót vót. Anh em ùa vào chiếm luôn.

Cánh thì đi chiếm vườn ươm cây, có kho dụng cụ với nhiều búa nguyệt và dao dựa làm vũ khí. Cánh thì đi chiếm kho gạo. Anh em giương cờ búa liềm, giơ súng, giơ búa vừa đi vừa hô khẩu hiệu, vừa hát rồi điểm vài phát súng thị uy. Xế chiều, đoàn người kéo về văn phòng sở. Đúng lúc tinh thần đang lên, anh em xông vào chiếm luôn. Cả đồn điền Phú Riềng đã thuộc về tay người lao động.

Chủ nhất, chủ nhì, cai sếp, cai Tây, thừa lúc anh em phu tổ chức biểu tình, đã len lén chuồn sạch. Nhà cửa, bàn giấy trống không. Công-tờ-ra, tài liệu, cả biển phu của từng cá nhân bị mang ra sân, nổi lửa đốt. Nhìn ngọn lửa bốc cao, anh em tưởng đã xoá sạch mọi dấu tích nô lệ, từ đây trở đi sẽ hoàn toàn tự do!

Tối mịt, mọi người mới sực nhớ từ sáng chưa có hột cơm vào bụng. Thế là nổi đuốc, kéo về kho lương thực. Vừa đi vừa hát, vừa hô khẩu hiệu vang cả rừng. Đến nơi, lấy gạo, lấy cá ra; bò của đồn điền vật luôn mấy con. Bộ phận thì làm cơm, còn đội chèo thì kéo ra góc rừng chuẩn bị tiết mục.

Cơm chín, thức ăn làm xong, được bày ra. Anh em mở tiệc mừng “Tết chiến thắng”. Tiệc tan đến diễn chèo. Anh em đội chèo diễn vở "Đào Viên kết nghĩa", kể về tình huynh đệ “đồng sinh đồng tử” của Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi thời Tam Quốc. Vở chèo được hoan nghênh nhiệt liệt vì rất hợp với tình đoàn kết của mấy nghìn phu cao su Phú Riềng.

Chuyển hướng đấu tranh

Khi anh em vui mừng chiến thắng thì chi bộ nhóm họp trong căn lều nhỏ ở sau làng số 3. Xa bầu không khí sôi sục ở khu trung tâm đồn điền, không nghe thấy tiếng hô khẩu hiệu, tiếng súng bắn chỉ thiên, tiếng ca cách mạng, chi bộ mới có điều kiện bình tĩnh nhìn nhận lại tình hình một cách sáng suốt.

Cuộc họp rất căng, tiến hành suốt đến sáng. Lúc bấy giờ có hai chủ trương trái ngược:

- Một là nếu địch đem quân lên khủng bố thì đánh trả. Ta sẽ ngả cây chặn các nẻo đường vào đồn điền. Những nơi xung yếu quan trọng sẽ bố trí Xích vệ đội mang súng giữ. Còn bao nhiêu thì đảm nhiệm việc tuần phòng, canh gác kho lương, canh gác máy điện, máy nước. Chủ trương này trùng với tâm lý của đại đa số anh em công nhân.

Ngay trong đêm xem chèo về, anh chị em tự động chia nhau sắm sửa khí giới. Có người khâu những túi tro bếp để sẵn sàng ném vào mắt địch, có người tra lại cán búa cho chắc. Xích vệ đội thì dạy nhau bắn súng vì hầu hết chưa biết bắn. Họ nghĩ rất đơn giản và rất anh hùng: "Sống chết có là gì! Mai nó lên, ta cứ đánh. Đã đánh là đánh đến cùng".

- Chủ trương thứ hai bị coi là thiểu số: Đảng chưa chỉ thị cướp chính quyền. Nếu cướp, phải cướp cùng một lúc, khắp mọi nơi trong cả nước. Như vậy, địch sẽ không cứu ứng được cho nhau. Bây giờ, Phú Riềng nổi dậy riêng rẽ, địch sẽ đem quân lên khủng bố đàn áp. Ta phải chuyển hướng đấu tranh để tránh tổn thất.

Bí thư chi bộ phân tích: “Bài học năm ngoái còn đó: Anh Nguyễn Đình Tư, người Hà Đông, vì không chịu được sự khinh rẻ, đánh đập tàn ác của “xu” Mông-tây, đã “cắt máu ăn thề” với anh em, quyết giết Mông-tây. Một sớm điểm danh đi làm, anh đã bất ngờ dùng búa chém Mông-tây rồi đuổi nó về tận văn phòng. Chưa lên đến cầu thang hắn đã bị 9 nhát chém, chết ngay. Sau đó, anh em còn giết thêm 5 thằng khác.

Bọn “xu” Tây và lính đã nổ súng. Anh em phải chạy vào rừng. Chúng vây ráp, tàn sát, bắt về đến 50 người; số còn lại trong rừng bị lính chặt đầu đem về sở. Sau đó, số bị bắt bị đưa về Sài Gòn, cho ra tòa. Riêng anh Tư bị án tử hình...

Nắm bắt được tình hình có khả năng manh động, Xứ ủy Nam kỳ cử Nguyễn Xuân Cừ về Phú Riềng chỉ đạo “chuyển hướng đấu tranh”. Nhờ đó, chi bộ kịp thời chỉ đạo anh em phu chuyển hướng đấu tranh, trở lại công khai hợp pháp mà vẫn duy trì được phong trào, bảo toàn lực lượng cách mạng, làm tiền đề cho cuộc đấu tranh sau này.

... Quay lại chuyện của Chủ nhất Su-ma-nhắc: Khi chạy về đến Sài Gòn đã yêu cầu Thống đốc Nam kỳ Cơ-rô-hây-me, Công xứ Biên Hòa Mac-ty và Chánh mật thám Đông Dương Ac-nu đến cứu. Chiều hôm trước, 2 máy bay bà già đã vè vè, uy hiếp. Sáng ngày 6/2/1930, chúng cho 500 lính bộ binh, có cả xe bọc thép kéo lên Phú Riềng, sẵn sàng xả súng.

Ngay sáng đó, anh em phu chấp hành lệnh nghiệp đoàn chuyển sang biểu tình ngồi trước sân chủ sở, làm chúng không thực hiện được ý đồ. Đại diện của 5000 phu cao su đứng ra đối đáp với Thống đốc Nam kỳ rồi đưa yêu sách. Trước sức ép của công nhân buộc Thống đốc Nam kỳ và chủ đồn điền chấp nhận một số yêu sách của công nhân...

Ý nghĩa của sự kiện Phú Riềng Đỏ

Cuộc bãi công mở đầu ngày 30/1/1930 và kết thúc ngày 6/2/1930, sau 8 ngày đấu tranh anh dũng, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, 5000 phu cao su đã làm chủ Đồn điền Phú Riềng.

Cuộc tổng bãi công này làm rúng động hệ thống địa ngục cao su Đông Dương, làm chấn động dư luận, báo chí trong nước và nước Pháp. Bài học quý báu nhất là đấu tranh nổ ra đúng lúc, giành thắng lợi, làm thất bại mưu đồ thảm sát của thực dân Pháp và bảo toàn lực lượng. Đây là bước ngoặt trong phong trào đấu tranh của công nhân cao su.

Sau sự kiện này, để ghi nhận vai trò của tổ chức đảng, Chi bộ Phú Riềng được gắn với tên gọi “Phú Riềng Đỏ”. Và ngày thành lập chi bộ (28 tháng 10) được chọn là Ngày truyền thống của ngành Cao su Việt Nam. Con đường trục dài 5km chạy qua trung tâm thành phố Đồng Xoài được đặt tên “Phú Riềng Đỏ”.

Sau này, Phạm Văn Phu tâm sự trong hồi ký lấy tên “Phú Riềng Đỏ” (do nhà sử học Hà Ân chắp bút): “Trong cuộc đời hoạt động cách mạng có 3 thời điểm mà tôi phấn khích nhất: Ngày chiếm được Sở cao su Phú Riềng; ngày 19/8/1945 - tham gia lãnh đạo cướp chính quyền ở Phủ Khâm sai Bắc bộ và ngày 7/5/1954 - chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lúc ấy, tôi chợt nhớ đến lời dạy của Mác: Người vô sản đấu tranh nếu được là được cả thế gian, nếu mất chỉ mất cái xiềng nô lệ. Đúng là toàn bộ khu Phú Riềng rộng lớn đã vào tay chúng tôi. Điều đó khiến tôi và anh em say sưa, nhưng chưa lường hết khó khăn, chưa nhìn rộng ra tình hình cách mạng cả nước...”.

Sau đó, Phạm Văn Phu cùng các đảng viên Tạ, Hồng, Hòa... và số cán bộ nghiệp đoàn bị bắt, bị đưa ra xử sơ thẩm ở Tòa án Biên Hòa rồi phúc thẩm ở tòa Thượng thẩm Sài Gòn. Ông bị đày ra Côn Đảo 6 năm nhưng đây chính là trường học cách mạng để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa vào 15 năm sau...

___________________________

(1) Trụ sở nằm trong khuôn viên Công ty CP cao su Đồng Phú hiện nay.
(2) Trần Tử Bình (1907 – 1967): Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ, lãnh đạo Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 ở Hà Nội và 10 tỉnh đồng bằng Bắc bộ. 1948 – Thiếu tướng QĐNDVN. 1959 – Đại sứ VN tại Trung Quốc.
(3) Nay thuộc Nông trường Thuận Phú, Công ty CP cao su Đồng Phú – xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, Bình Phước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    90 năm Phú Riềng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO