Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 22-12-1944 trong cánh rừng Trần Hưng Đạo. Tuy nhiên, phải tới ngày 29-8-1945, khi Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch được thành lập, chúng ta mới có vị Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên. Người được lựa chọn vào vị trí này là “Hùm xám Bắc Sơn” Chu Văn Tấn…
Một điều thú vị là, nhiều nhà lãnh đạo quân sự của chúng ta ở vị trí đứng đầu Bộ Quốc phòng phần nhiều đều do tự học trong thực tế mà thành, chứ không nhất thiết phải trải qua những học đường quân sự.
Thượng tướng Chu Văn Tấn.
Bộ trưởng đầu tiên, Thiếu tướng đầu tiên, Thượng tướng đầu tiên
Chu Văn Tấn là người từng gắn bó mật thiết với lực lượng du kích Bắc Sơn từ đầu những năm 1940. Ông dân tộc Nùng, sinh tháng 5/1909 ở Võ Nhai, tỉnh Lạng Sơn (nay thuộc Thái Nguyên) trong một gia đình thổ hào, được cho ăn học ngay từ nhỏ. Trong những công việc đầu đời đã sớm bộc lộ thiên hướng tự trị chống chế độ thực dân và xích gần lại các phong trào yêu nước. Khi mới bước chân vào công việc cai quản châu đoàn (lính dõng) cho chính quyền địa phương, ông, dưới ảnh hưởng của những người Cộng sản và rất được người dân địa phương tín nhiệm, đã bí mật tổ chức các đội tự vệ bán vũ trang tại Tràng Xá, Vũ Nhai, Bắc Sơn, tạo tiền đề cho lực lượng quân sự cách mạng sau này. Năm 1935, chưa phải là đảng viên, Chu Văn Tấn đã tham dự chi bộ Cộng sản do đồng chí Hoàng Văn Thụ, Ủy viên BCHTƯ gây dựng ở Võ Nhai và Bắc Sơn và chỉ một năm sau đó đã gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương với bí danh Tân Hồng. Tháng 9/1940, nhân cơ hội quân Nhật bất ngờ tấn công Lạng Sơn làm những đơn vị lính Pháp đồn trú tại đây hoảng loạn tháo chạy về châu Bắc Sơn, ông đã chỉ huy các đội tự vệ tấn công và cướp súng của tàn quân Pháp tại đèo Tam Canh để tự vũ trang cho mình. Ngày 27-9-1940, cũng chính ông đã chỉ huy các đội tự vệ tấn công đồn Mỏ Nhài (Bắc Sơn), hỗ trợ những người Cộng sản vận động dân chúng nổi dậy cướp chính quyền địa phương. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã bắt đầu từ đó. Tiếc thay, do người Nhật đã thoả hiệp với thực dân Pháp nên cuộc khởi nghĩa này đã sớm bị dập tắt. Mặc dầu thế, ông đã cùng một số đội viên tự vệ cùng vũ khí rút được vào rừng sâu Võ Nhai - Bắc Sơn lập căn cứ. Tháng 11/1940, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 tại làng Đình Bảng, Bắc Ninh, đã ra quyết định về việc duy trì và bồi dưỡng lực lượng vũ trang của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, làm vốn quân sự đầu tiên cho cách mạng. Đầu tháng 2/1941, Chu Văn Tấn đã được bầu làm Xứ ủy viên Bắc Kỳ, phụ trách xây dựng đội du kích Bắc Sơn. Và ngày 14/2/1941, Đội Du kích Bắc Sơn đã chính thức được thành lập trong một buổi lễ tổ chức tại khu rừng Khuổi Nọi (nay thuộc xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thay mặt Trung ương Đảng công nhận, trao nhiệm vụ và lá cờ đỏ sao vàng cho Đội du kích Bắc Sơn. Bấy giờ Đội gồm 32 chiến sĩ, do đồng chí Lương Văn Tri làm Chỉ huy trưởng và Chu Văn Tấn làm Chỉ huy phó.
Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 do Nguyễn Ái Quốc chủ trì tại Pắc Pó (tháng 5/1941), Đội du kích Bắc Sơn được đổi tên thành Trung đội Cứu quốc quân thứ nhất. Đồng chí Phùng Chí Kiên được điều về làm Phụ trách chung từ tháng 6-1941. Cuối tháng đó, quân Pháp cùng lính khố xanh, khố đỏ mở cuộc càn quét lớn vào Bắc Sơn. Do lực lượng của ta còn mỏng hơn nhiều so với địch nên ta đành phải để lại 1 tiểu đội chặn địch, còn 2 tiểu đội phá vòng vây. Tiểu đội của các đồng chí Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri bị địch phục kích tiêu diệt, riêng tiểu đội do Chu Văn Tấn chỉ huy đã thoát khỏi vòng vây về được Pắc Pó.
Ngày 16/9/1941, Trung đội Cứu quốc quân thứ hai, với 47 chiến sĩ (có 3 nữ), đã được thành lập tại Khuôn Mánh (nay thuộc xã Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên). Chu Văn Tấn được giao làm Chỉ huy trưởng của đơn vị này. Và ông đã phát triển lực lượng Cứu quốc quân, chiến đấu thắng lợi nhiều trận với thực dân Pháp, làm chúng khiếp đảm, phải đặt cho ông biệt danh là “Hùm xám Bắc Sơn”.
Cuối năm 1944, Chu Văn Tấn chỉ huy lực lượng Cứu quốc quân 2 xây dựng Chiến khu Nguyễn Huệ (nay thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên). Sau Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) từ ngày 15 đến ngày 20/4/1945, Chiến khu Nguyễn Huệ phát triển thành Chiến khu Hoàng Hoa Thám, căn cứ địa vững chắc để đón lãnh tụ Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo khác về hoạt động.
Sau thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 mà Chu Văn Tấn tham gia Ban lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ lâm thời cho đến ngày 2/3/1946... Ông được phong quân hàm Thiếu tướng cùng với 10 tướng lĩnh khác trong đợt phong hàm đầu tiên (1948), làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Liên khu Việt Bắc (1954-1956), Chính ủy, Bí thư Khu ủy Quân khu Việt Bắc, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc (1957-1975). Ngày 31/8/1959, ông được thăng quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng và là một trong hai Thượng tướng lúc bấy giờ.
Thượng tướng Chu Văn Tấn từng được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa III đến khóa V, Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa V, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ông cũng là Ủy viên BCH TƯ Đảng các khóa I, II và III; Đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa V. Năm 1976, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội… Ông mất năm 1984 tại Hà Nội…
Luật sư Phan Anh.
Vị luật sư cương trực và mềm dẻo
Cũng là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của chế độ mới nhưng trong thành phần của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là luật sư Phan Anh (1912-1990). Ông Phan Anh quê ở Tùng Ảnh, Hà Tĩnh, xuất thân trong một gia đình nhà nho. Ông có người em trai là Phan Mỹ, sau này từng làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng… Với bản tính thông minh dĩnh ngộ, ông đã thâu nhận được một học vấn xuất sắc, năm 1926 giành được suất học bổng nội trú của trường Bưởi, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Tú tài, ông theo học ngành Luật tại Trường Đại học Đông Dương, trong thời sinh viên đã tích cực tham gia hoạt động xã hội và là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên rồi gia nhập Đảng Xã hội Pháp đồng thời dạy học ở 2 trường Gia Long và Thăng Long. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Luật (1937), Phan Anh sang Pháp để chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sĩ Luật, nhưng do chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (1939), ông phải về nước. Sau đó, ông vừa hành nghề luật sư vừa tham gia làm báo, cùng các ông Vũ Đình Hòe, Vũ Văn Hiền thành lập báo “Thanh Nghị” và là một trong 5 cây bút trụ cột của báo này, phụ trách nhiều chuyên mục. Những hoạt động này đã giúp Phan Anh trở thành một nhân vật có uy tín xã hội cao thời bấy giờ, chính vì thế nên sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9/5/1945, một số trí thức trẻ xuất sắc được vua Bảo Đại mời vào Huế tham gia nội các mới và ông đã được trao chức Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong chính phủ do học giả Trần Trọng Kim đứng đầu. Trên cương vị này, ông đã có sáng kiến thành lập đoàn Thanh niên Tiền tuyến…
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Phan Anh rời bỏ nội các Trần Trọng Kim, về Hà Nội và được Bác Hồ mời tham gia chính sự. Sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa 1 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 6/1/1946, Chính phủ được thành lập, Phan Anh đã được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Người lên thay ông giữ cương vị này tháng 11/1946 là Võ Nguyên Giáp, vị Bộ trưởng Quốc phòng lâu năm nhất của chế độ ta.
Luật sư Phan Anh sau này từng là Bộ trưởng Bộ Công thương và Phó Chủ tịch Quốc hội. Ông đã cùng với Luật sư Nguyễn Mạnh Tường sáng lập, làm Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới của Việt Nam và Thường vụ Hội Luật gia quốc tế, Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới. Từ năm 1988, ông còn là Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam… Trong các hoạt động chuyên môn, ông được đánh giá là người cương trực, tỉnh táo trong nhận thức nhưng cũng rất mềm dẻo trong các quyết sách.
Ông mất năm 1990 tại Hà Nội.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng của lòng dân
Ngày 3/11/1946, trong bối cảnh tình hình mới, Chính phủ Liên hiệp Quốc dân nhiều thành phần đã được thành lập thay cho Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến. Trên báo “Cứu quốc” số 395 ra cùng ngày đã đăng lời tuyên bố sau khi thành lập Chính phủ mới của Bác Hồ, trong đó có nhấn mạnh: “ Chính phủ này là Chính phủ của toàn quốc, có đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc tham gia”. Người được cử giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ Liên hiệp Quốc dân là Võ Nguyên Giáp. Ông giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng cho tới tháng 8/1947 rồi đi nhận nhiệm vụ mới, đến tháng 8/1948 mới trở lại cương vị quen thuộc này và trụ ở đó cho tới tháng 11/1980.
Võ Nguyên Giáp sinh năm 1911 ở Lệ Thủy, Quảng Bình trong một gia đình nhà nho nghèo nhưng rất giàu tinh thần yêu nước thương nòi. Được nuôi dạy trong một môi trường văn hóa nghiêm cẩn, rất thấm nhuần tư tưởng công tư hòa quyện, cá nhân phải lo lắng cho việc quốc gia đại sự, ông đã được tiếp thu những tinh hoa của đạo Khổng mang đậm tinh thần Việt, từng dạy học ở trường Thăng Long (Hà Nội), sớm tham gia các phong trào yêu nước chống lại chế độ thực dân phong kiến… Được gặp Bác Hồ lần đầu tiên tại Thủy Hồ (Trung Quốc) tháng 6/1040, Võ Nguyên Giáp mãi mãi đi theo con đường mà Người đã chọn lựa cho cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc ta. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và tích cực tham gia thành lập Mặt trận Việt Minh, được giao phụ trách Ban Xung phong Nam tiến. Là một trong những yếu nhân góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, Võ Nguyên Giáp đã đảm đương nhiều chức phận quan trọng trong bộ máy tối cao lãnh đạo đất nước từ “cái thuở đầu tiên Dân quốc” đầy khó khăn và bất trắc. Ông không nề hà bất cứ công việc gì được tổ chức giao cho, dù trông bên ngoài có vẻ như rất không hợp với sở trường trí thức của ông. Và trong bất luận tình huống nào, ông cũng đã bộc lộ được một tài năng lớn và một bản lĩnh vô song trong sự nghiệp phục vụ cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có mắt xanh khi lựa chọn ông làm người phụ trách những hoạt động quân sự trong lực lượng Việt Minh và đứng ra thành lập đội vũ trang mang tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân gồm tất cả 34 người, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ra đời vào ngày 22/12/1944 tại chiến khu Trần Hưng Đạo. Ông cũng từng giữ chức Tổng Chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Tự vệ (1946), có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang quốc gia cho chế độ mới. Chính vì thế nên mặc dù chưa trải qua bất kỳ một trường lớp đào tạo hàn lâm nào về kỹ năng quân sự, nhưng với những chiến công thực tế, Võ Nguyên Giáp mới 37 tuổi đã được phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28/5/1948 theo sắc lệnh 110/SL ký ngày 20/1/1948 theo tiêu chí, như chính Bác Hồ nói: “Đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, thắng trung tướng phong trung tướng, thắng đại tướng phong đại tướng”. Tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí Võ Nguyên Giáp được bầu làm Ủy viên BCH TƯ Đảng và được BCH TƯ bầu vào Bộ Chính trị. Với tư cách Tổng tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết đoán đề nghị thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, được Thường vụ Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch phê chuẩn. Phương án “đánh chắc, tiến chắc” trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã giành được toàn thắng cao nhất với sự hy sinh xương máu thấp nhất…
Từ tháng 9/1955 đến tháng 12/1979, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tháng 9-1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, ông được bầu lại vào BCH TƯ, được BCH TƯ bầu vào Bộ Chính trị. Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tư lệnh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đã thiết kế nên một thế trận hết sức linh hoạt, sáng suốt và quyết đoán, căng địch ra ở hai đầu chiến tuyến, làm chúng suy yếu theo hướng không thể nào cưỡng nổi. Ông tán thành đề xuất của Trung tướng Hoàng Minh Thảo, chọn địa bàn Nam Tây Nguyên làm hướng tấn công chiến lược, xin ý kiến Bộ Chính trị và cử Đại tướng Văn Tiến Dũng vào Nam chỉ đạo đánh đòn "điểm huyệt" vào hệ thống phòng ngự của chế độ Việt Nam Cộng hòa tại Buôn Mê Thuột. Và cũng chính ông nhân đà thắng trận Buôn Ma Thuột đã trực tiếp ra lệnh Trung tướng Lê Trọng Tấn gấp rút giải phóng Đà Nẵng trong 3 ngày. Ông cũng là người đề xuất và ra quyết định mở Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh đồng loạt tiến vào giải phóng Sài Gòn với phương châm “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng".
Tháng 12/1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bầu lại vào BCH TƯ, được BCH TƯ bầu vào Bộ Chính trị; tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V và lần thứ VI của Đảng được bầu lại vào BCH TƯ. Từ tháng 1/1980, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Phó Thủ tướng Thường trực. Ngày 7/2/1980, đã thôi giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng nhưng ông vẫn tiếp tục là Ủy viên Bộ Chính trị đến năm 1982 và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách Khoa học – Kỹ thuật (từ tháng 4/1981 đến tháng 12/1986), liên tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII. Người lên tiếp nối ông làm Bộ trưởng Quốc phòng là Đại tướng Văn Tiến Dũng…
Cho tới phút cuối của cuộc đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn coi mình là người học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rất mềm dẻo và nho nhã trong ứng xử chính trị, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là một chính trị gia theo đuổi tư tưởng tự chủ, tự cường trong mọi mối quan hệ quốc tế. Sau này, trong một cuộc tiếp xúc với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara, ông đã nói: “Có lúc có những chính khách lớn của Mỹ tưởng rằng giao thiệp với Bắc Kinh hoặc với Moskva là sẽ giải quyết được vấn đề Việt Nam. Họ đã nhầm. Trong chiến tranh, Trung Quốc và Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều, nhưng vấn đề Việt Nam là do Việt Nam giải quyết”…
Trong chính sách đối nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn lấy mục đích “Tự do, hạnh phúc cho nhân dân” làm kim chỉ nam trong mọi hành động của mình.
Vào những năm cuối đời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn quan tâm tới tình hình đất nước và vẫn công bố những góc nhìn riêng của mình về quốc gia đại sự. Ông từ trần ngày 4/10/2013 và được đưa về mai táng tại khu vực Vũng Chùa, đảo Yến, quê hương Quảng Bình, theo ý nguyện của ông…
Giáo sư Tạ Quang Bửu.
Trí tuệ bách khoa
Có thể nhận thấy rất rõ một điều là, phần lớn những nhân vật đầu tiên được cử làm Bộ trưởng Quốc phòng của chế độ mới đều hầu như chưa có kinh nghiệm cầm quân thực tế mà chủ yếu xuất thân từ thành phần trí thức. Và cũng phải nói rằng, trong thời gian đầu sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Bộ Quốc phòng của ta chủ yếu lo xây dựng và phát triển cơ sở vật chất cho lực lượng vũ trang kiểu mới nên những trí thức có đầu óc tổ chức khoa học đã được huy động tối đa vào quân đội. Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, để đồng chí Võ Nguyên Giáp có thể tập trung nhiều hơn vào công tác chỉ huy chiến đấu, Bác Hồ đã chọn giáo sư Tạ Quang Bửu vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. Trước đó, ngay từ tháng 9/1945, giáo sư Tạ Quang Bửu đã đảm nhận chức vụ Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi lên làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông gia nhập đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 7/1947, tức là một tháng trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Và ông cũng chỉ giữ cương vị người đứng đầu Bộ Quốc phòng của chúng ta trong một năm, sau đó trở lại làm Thứ trưởng rồi chuyển sang nhiều công tác quan trọng khác, không gắn trực tiếp với quân đội nhưng luôn có ý nghĩa lớn đối với quá trình xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nước nhà.
Giáo sư Tạ Quang Bửu sinh năm 1910 ở Nghệ An, ngay từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh dĩnh ngộ, lớn lên, ra Hà Nội học và được chọn đi du học ở Pháp. Chính trong thời gian đó, ông đã thu lượm được những kiến thức lớn lao và những kỹ năng tư duy nổi trội, tiền đề cho những thành công sau này với tư cách một nhà khoa học cũng như một nhà quản lý tri thức. Trở về Việt Nam từ Pháp năm 1934, ông đã không chọn con đường làm quan như nhiều trí thức tinh hoa thời đó mà đã trở thành thầy giáo để truyền bá kiến thức cho thế hệ trẻ. Ông đã góp phần vun đắp tinh thần yêu nước thương nòi cho các tầng lớp thanh niên và cùng với họ hăng hái tham gia phong trào đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc. Việc ông đến với Bác Hồ và con đường mà dân tộc lựa chọn trong Cách mạng Mùa thu năm 1945 như một lẽ tự nhiên. Trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, chỉ trong một năm ngắn ngủi, ông cũng đã có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng và phát triển quân đội ta. Chính Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu đã chỉ đạo và biên soạn cuốn sách "Bắn máy bay bằng súng trường tập trung" phổ biến rộng rãi khắp nơi, giúp các lực lượng vũ trang còn non trẻ của chúng ta có thêm kỹ năng chiến đấu, khiến máy bay Pháp bắt buộc phải dè chừng trên vùng trời Việt Nam. Về sau, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, kinh nghiệm đó cũng đã được áp dụng cho dân quân du kích Việt Nam dùng súng trường bộ binh chống lại máy bay Mỹ…
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, giáo sư Tạ Quang Bửu lấy việc phục vụ đất nước là mục đích cuối cùng, không nề hà bất cứ trọng trách nào mà tổ chức giao cho. Chính giáo sư Tạ Quang Bửu sau chiến thắng Việt Bắc năm 1947 đã đề nghị Bác Hồ giao lại chức Bộ trưởng Quốc phòng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Theo giáo sư, Bộ trưởng Quốc phòng phải là người chịu trách nhiệm cao nhất và thống nhất cả về hoạt động tác chiến lẫn công tác hậu cầu. Và giáo sư đã vui vẻ xin trở lại với chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông còn đảm nhận cả Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương cho đến sau ngày Hà Nội giải phóng tháng 10/1954. Cũng trong năm 1954, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu tham gia Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Geneve về Việt Nam. Ông là người đại diện cho Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ký Hiệp định Geneve về Việt Nam.
Sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, giáo sư Tạ Quang Bửu đã chuyển sang công tác trong lĩnh vực khoa học giáo dục và đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng một nền khoa học giáo dục Việt Nam mới. Được đánh giá là một trí tuệ bách khoa vào loại hàng đầu của đất nước, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Nhất, năm 1996, được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về khoa học công nghệ với tập hợp các công trình "Giới thiệu khoa học kỹ thuật hiện đại (sau 1945), chỉ đạo các nhiệm vụ quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và những quan điểm xây dựng ngành Đại học và Trung học chuyên nghiệp nước nhà”. Giáo sư Tạ Quang Bửu tạ thế ngày 21/6/1986.