Bức ảnh lịch sử trong Hội nghị ở bản Nà Táu: Từ 'Đánh nhanh thắng nhanh' sang 'Đánh chắc tiến chắc'

Trần Kiến Quốc 07/05/2019 18:07

Tháng 5/2014, tôi đã đến thăm đại tá Lê Trọng Nghĩa - nguyên Cục trưởng Cục Quân báo của chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đó ông đã 93. Giữa những chồng tư liệu lịch sử ngồn ngộn, ông vẫn lục tìm ra bức ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các sĩ quan cao cấp thông qua phương án tác chiến tại Sở chỉ huy mặt trận ở bản Nà Táu”.

Bức ảnh lịch sử trong Hội nghị ở bản Nà Táu: Từ 'Đánh nhanh thắng nhanh' sang 'Đánh chắc tiến chắc'

Là người có mặt trong bức ảnh, ông sôi nổi kể lại sự kiện như vừa mới xảy ra ngày hôm qua: “Sở Chỉ huy mặt trận ban đầu đóng ở hang Thẩm Púa. Tại đây, 15/1/1954, Đại tướng phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án "đánh nhanh thắng nhanh" và “ngày N” nổ súng dự định là 25/1/1954. Để sát với tình hình chiến sự, Sở Chỉ huy chiến dịch được lệnh chuyển sang bản Nà Táu. Theo tin Quân báo, đêm 19 rạng ngày 20/1/1954, quân Pháp đã phát lệnh mở Chiến dịch Atlande đánh vào Tuy Hòa (vùng tự do Khu V Trung bộ). Họ đã đi trước ta.

Sau khi hội ý, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã yêu cầu toàn bộ Sở Chỉ huy phải tiếp tục ra mặt trận thị sát. Trưởng ban Tác chiến Đỗ Đức Kiên, Cục phó Cục 2 Cao Pha cùng Tổng tham mưu phó Hoàng Văn Thái lập tức lên đường... Ở Mường Phăng chỉ còn lại anh Trần Văn Quang, Chánh Văn phòng Tổng quân ủy Nguyễn Văn Hiếu và tôi”.

Những ai có mặt trong bức ảnh lịch sử?

Đưa bức ảnh tư liệu quý báu ra cho xem, cụ Lê Trọng Nghĩa lấy ngón tay chỉ vào người mặc áo đại cán màu đen: “Đại tướng đang đưa tay chỉ vào các cứ điểm của địch… Theo phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” đã thông qua thì chỉ còn vài ngày nữa là tới “ngày N”.

Cụ Lê Trọng Nghĩa cho biết: Đứng chếch bên tay phải Đại tướng là ông Phạm Kiệt (1910-1975, vốn là chỉ huy trưởng của Đội du kích Ba Tơ, Quảng Ngãi, cùng Nguyễn Chánh tham gia lãnh đạo Khởi nghĩa Ba Tơ ngày 11/3/1945; năm 1946 là Đại đoàn trưởng 31 của Khu V, đến năm 1953 là Cục phó Cục Bảo vệ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; năm 1959, ông được phong hàm Thiếu tướng và năm 1961 là Tư lệnh kiêm Chính uỷ Công an Vũ trang nay là Bộ đội Biên phòng).

Sau lưng Phạm Kiệt là Trần Văn Quang (1917-2013, tham gia cách mạng từ 1935, đến năm 1938 là Thành uỷ viên Sài Gòn - Chợ Lớn; năm 1945 tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Nghệ An, cuối 1950 là Chính uỷ đầu tiên của Đại đoàn 304. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, là Cục trưởng Cục Tác chiến - cơ quan giúp việc đắc lực cho Đại tướng, đặc biệt là trong việc chuyển từ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Hòa bình lập lại, đến năm 1959 là Phó tổng Tham mưu trưởng; sau 1975 là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và được phong hàm Thượng tướng năm 1984. Năm 1992, ông được bầu làm Chủ tịch Hội CCB Việt Nam).

Sát bên tay trái Đại tướng là Lê Liêm (1922-1985, Chủ nhiệm chính trị mặt trận Điện Biên Phủ. Trước Cách mạng Tháng Tám là Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách Tổng khởi nghĩa ở Thái Bình, Hưng Yên; tháng 8/1948 nhận nhiệm vụ Cục trưởng Cục Dân quân và tháng 10/1949 thay tướng Văn Tiến Dũng làm Cục trưởng Cục Chính trị. Trong các chiến dịch Biên giới, Tây Bắc… Lê Liêm theo sát Võ Đại tướng với tư cách Chủ nhiệm chính trị mặt trận. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, tham gia trong Bộ chỉ huy mặt trận, đến năm 1958 chuyển ra làm Thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn Bộ Văn hoá).

Người ngồi sát bìa phải tấm ảnh là Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, một trong những thanh niên được Cụ Hồ gửi sang Trung Quốc năm 1926 học Trường quân sự Hoàng Phố (cùng Lê Hồng Phong, Nguyễn Sơn, Phùng Chí Kiên, Trương Văn Lĩnh…). Đầu năm 1946, ông được tấn phong Thiếu tướng “tiếp phòng quân” - tướng lĩnh đầu tiên của nước Việt Nam mới. Những năm 1950-1954 là hiệu trưởng Trường Lục quân Việt Nam cùng Chính ủy Trần Tử Bình. Đầu năm 1954, trên cương vị Tổng Thanh tra quân đội, ông có mặt thanh tra chiến dịch.

Người ngồi đầu bàn phía tay phải Đại tướng là ông Hoàng Xuân Tuỳ. Tốt nghiệp Cao đẳng Công chính Đông Dương, hoạt động trong phong trào Sinh viên Việt Minh. Cuối 1945, ông được cử đi học Trường Huấn luyện Cán bộ VN rồi được giữ lại làm cán bộ cho Khóa 1 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn 1946 - trường đào tạo cán bộ đầu tiên của nước VN mới. Năm 1950 là Chủ nhiệm chính trị sư đoàn 308 và cuối năm 1951 được điều về Tổng cục Chính trị làm ở Báo QĐND. Trong hội nghị Nà Táu, ông có mặt để nắm thông tin, kịp đưa lên mặt báo tuyên truyền động viên bộ đội bước vào chiến dịch. Hòa bình lập lại, năm 1956, ông được điều ra làm Hiệu phó, rồi Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội. Thời gian 1965-1989 là Thứ trưởng Bộ Đại học, đến năm 1990 thì nghỉ hưu.

Chỉ vào người ngồi sát bên tay trái Chủ nhiệm Chính trị mặt trận, ông Nghĩa chia sẻ với tôi bằng cái giọng rất trẻ: “Mình đấy. Ngày ấy còn trẻ, mới có 32 mà nay đã 93”.

Vốn là học sinh Trường trung học bảo hộ Bonnal, ông hoạt động trong phong trào yêu nước của học sinh Hải Phòng, cùng lứa với nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Đình Thi, năm 1943 được lên Hà Nội học tiếp, khi đi rải truyền đơn chào mừng ngày thành lập Đảng thì bị bắt, bị giam vào Hỏa Lò. Tại đây ông được gặp các tù chính trị cùng “thượng cấp” Trần Đăng Ninh (tử tù) và 2 Xứ ủy viên Lê Tất Đắc, Trần Tử Bình, được giác ngộ và tham gia Ủy viên liên lạc của Ban sinh hoạt (tổ chức công khai của các chính trị phạm). Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp.

Lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lí mà các tù chính trị do Trần Tử Bình lãnh đạo, ông đã tổ chức thành công “Đại vượt ngục Hỏa Lò” từ đêm 11/3 đến cả tuần lễ sau đó, theo đường “thăng thiên” (vượt tường rào) và “độn thổ” (chui cống ngầm) cho hơn 100 tù chính trị về với phong trào. Chuyến đi đó, Lê Trọng Nghĩa được giao nhiệm vụ bảo vệ “thượng cấp” Trần Đăng Ninh đi theo đường vượt tường rào. Sau khi ra tù, ông được giao nhiệm vụ tham gia Dân chủ Đảng cùng Vũ Quý rồi là Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội (được Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập ngày 15/8/1945.

Sáng 19/8/1945, khi cánh quân cách mạng đã làm chủ được Trại Bảo an binh (nay đối diện rạp phim Tháng Tám) thì quân Nhật mang xe tăng ra bao vây, có nguy cơ đổ máu. Lê Trọng Nghĩa được cử ra điều đình với quân Nhật. Tối 19-8, dưới sự chỉ đạo của 2 uỷ viên Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ (Nguyễn Khang và Trần Tử Bình), Lê Trọng Nghĩa cùng cố vấn Trần Đình Long vào Tổng hành dinh quân đội Nhật (nay là 33 Phạm Ngũ Lão), trực tiếp điều đình với Trung tướng Tsuchihashi, chỉ huy tối cao của quân đội Nhật ở Đông Dương. Họ đồng ý không đụng độ vũ trang, tránh được tổn thất lớn cho Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Năm 1950, ông được phong hàm Đại tá và được giao nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quân báo; sau đó theo Đại tướng đi các chiến dịch. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ là Trưởng Ban 2. Cục Quân báo đã cung cấp nhiều thông tin chính xác về địch để Đại tướng đưa ra phương án tác chiến đúng đắn. Thời gian 1960-1962 ông tiếp tục giữ chức Cục trưởng Quân báo rồi làm thư kí cho Đại tướng tới 1967.

... Chính trong hội nghị này, sau khi nhận được những thông tin chính xác từ mặt trận của các sĩ quan cao cấp, của Quân báo, của Cục Bảo vệ, Đại tướng quyết định chuyển hướng chiến lược chuyển sang phương án “đánh chắc, tiến chắc”. Và chúng ta đã kéo pháo ra, đã tấn công sang Bắc Lào để làm phép nghi binh cho Navarre...

Tại mặt trận và ngay Sở chỉ huy dù gian khổ như thế nhưng có nhiều chuyện khó quên.

Chuyện Bác giáo dục cán bộ

Cụ Lê Trọng Nghĩa nhớ lại: “Trước ngày lên đường ra trận, tôi tháp tùng anh Văn lên gặp Bác, báo cáo về kế hoạch Navarre. Vì còn trẻ, lại hứng khởi tỏ ra có “bản lĩnh lập trường” mà tôi nói về Navarre, Tư lệnh quân Pháp ở Đông Dương, với giọng hơi xem thường. Nghe xong, Bác đã sửa ngay: không được chủ quan khinh địch, nhớ là Navarre là đại tướng, từng giữ chức vụ rất cao trong khối NATO. Bác còn dặn làm tình báo phải lấy tính trung thực làm đầu, phải luôn nói đúng sự thật, không được nói dựa dù có trái ý cấp trên... Chính đó là những bài học cho tôi khi ra mặt trận và cả những năm sau này".

Khi chia tay, lão tướng Lê Trọng Nghĩa không khỏi bồi hồi: “Thế mà đã 60 năm! Trong số những người có mặt hôm đó tại Sở chỉ huy ở bản Nà Táu giờ còn lại mỗi mình tôi”…

Nhưng cũng chưa đầy một năm sau, ngày 22/2/2015, người cuối cùng còn lại ấy cũng vĩnh biệt chúng ta!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bức ảnh lịch sử trong Hội nghị ở bản Nà Táu: Từ 'Đánh nhanh thắng nhanh' sang 'Đánh chắc tiến chắc'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO