Ca sĩ Nguyệt Ca: Trân trọng giây phút bên gia đình

Việt Quỳnh (thực hiện) 16/05/2020 16:40

Ca sĩ Nguyệt Ca tên thật là Bạch Thị Thùy Linh, sinh năm 1985, được biết tới là giọng ca hát nhạc Trịnh đầy truyền cảm với những bản thu âm, album, live show từ năm 2002 đến nay. Nguyệt Ca chia sẻ về những thay đổi trong cuộc sống của chị và gia đình trong và sau những ngày giãn cách:

Ca sĩ Nguyệt Ca: Trân trọng giây phút bên gia đình

Trong thời gian giãn cách vừa qua, gia đình tôi cũng như hàng triệu gia đình khác như đảo lộn. Con tôi không được đi học, mà cháu lại là một cậu bé mắc chứng tự kỷ dạng tăng động, rất cần được vận động nhiều để giải phóng năng lượng. Trường cháu học thì “nhất định” không chịu tổ chức học online cho đến khi có lệnh bắt buộc, nên tôi buộc phải tự giảm bớt công việc của mình để nghĩ ra các hoạt động học, làm cùng con ít nhất nửa ngày như đọc sách, làm thí nghiệm khoa học, vào bếp tập nấu ăn, đi xe đạp dưới sân chung cư… Cũng may công việc của tôi tự do về thời gian nên có thể tự cắt giảm được, và chấp nhận đồng nghĩa với việc có thể thu nhập cũng giảm, chất lượng công việc khó đảm bảo. Chồng tôi hai tháng đầu vẫn đi làm hàng ngày. Tôi tranh thủ giao con cho bố từ bữa tối để tập trung làm việc đến khuya. Cũng may từ chiều tối, con tôi có ông bà ngoại trông chừng giúp.

Trong những ngày diễn ra dịch bệnh, tôi thường vào báo điện tử uy tín đọc tin tức về số ca dương tính, số người tử vong trên thế giới và Việt Nam và lo lắng, xót xa khi nhìn những con số cứ tăng lên, xen lẫn một chút vui mừng và tự hào vì Việt Nam không bùng phát dịch như nhiều quốc gia khác. Thực ra không cần vào báo điện tử cũng có thể cập nhật rất nhanh, bởi dường như trong những ngày dịch bệnh, mỗi Facebooker trở thành một phóng viên với hàng trăm status cập nhật tình hình mỗi ngày, khiến đôi lúc tôi cũng hoang mang và phải tự chọn lọc để chỉ đọc từ những bạn bè có uy tín cá nhân cao.

Từ đầu mùa dịch, tôi đã trang bị cho cả gia đình khẩu trang y tế, khẩu trang vải, chai cồn xịt tay mini và lúc nào cũng mang theo người. Vào thang máy, tôi tập thói quen bấm nút bằng khớp ngón giữa. Vào quán ăn, tôi xịt cồn xung quanh chỗ ngồi và yêu cầu nước nóng để tráng bát đũa, tất nhiên việc đầu tiên là hạn chế hết sức việc phải ăn ngoài hàng quán. Tuy nhiên, tôi đọc và tin theo những nguồn chính thống như từ Tổ chức Y tế thế giới, để không lao theo cơn sốt tích trữ khẩu trang y tế với cồn rửa tay hay tích trữ mì tôm, gạo, lương thực…

Từ ngay sau Tết Nguyên đán, tôi đã dành hơn nửa ngày với con rồi, điều mà trước đây tôi chỉ có thể làm trong các kỳ nghỉ lễ dài. Trước khi trường con học tổ chức học online, tôi cố gắng duy trì mỗi ngày cho con làm vài bài Toán, đọc vài cuốn sách truyện tiếng Việt, tiếng Anh, chơi những trò chơi giáo dục để trí não con không ngừng hoạt động. Khi có nhiều thời gian với con, tình cảm mẹ con gắn kết hơn rất nhiều, bởi tôi có nhiều thời gian quan sát con, điều chỉnh nhược điểm cũng như cổ vũ những ưu điểm, sở thích của con. Chồng tôi cũng biết giảm bớt công việc và những cuộc gặp gỡ để trông con giúp vợ, cũng như chi tiêu tiết kiệm hơn khi công việc và thu nhập của vợ bị ảnh hưởng.

Tôi cũng dọn về ở với bố mẹ ruột, lần đầu tiên kể từ khi đi lấy chồng. Suốt 3 tháng sống chung, từ một người khá “khắc khẩu” với mẹ, tôi thông cảm và thương mẹ nhiều hơn, chăm sóc được cho bố mẹ nhiều hơn từ bữa ăn, thuốc men, mua sắm các vật dụng trong nhà, và thấy niềm hạnh phúc ánh lên trong mắt bố mẹ.

Công việc chính của tôi là giảng dạy và điều hành chuỗi trung tâm tiếng Anh, thật không may, giáo dục lại là ngành bị đóng băng đầu tiên và hoàn toàn. Tuy nhiên, tôi đã đưa ra quyết định khá nhanh chóng và quyết liệt, chuyển hoàn toàn các lớp học từ offline sang online, áp dụng công nghệ vào quản lý, vận hành, chương trình học… nên toàn bộ các trung tâm chỉ đóng cửa về mặt cơ học, nhưng thực ra vẫn hoạt động đều và chỉ bị ảnh hưởng rất ít. Ban ngày, tranh thủ những lúc con tự chơi và đọc sách, tôi ôm laptop xử lý công việc từ xa, tranh thủ học thêm vài khóa học online để nâng cấp bản thân.

Là người cầu toàn, ngăn nắp, để mình không bị rơi vào trạng trái “trầm cảm”, tôi cũng phải tự hạ thấp một số tiêu chuẩn của bản thân trong những ngày có dịch, ví dụ nhà cửa có thể bừa bộn một chút, đồ đạc có thể để lộn xộn một chút, giờ giấc ăn ngủ sinh hoạt có thể không vào nề nếp một chút… miễn là cả nhà cảm thấy thoải mái, không cãi cọ, chì chiết nhau.

Ở góc nhìn lạc quan, tôi nghĩ đại dịch Covid-19 khiến người ta ít nghĩ đến chuyện hưởng thụ, tiêu xài vật chất xa hoa và bắt đầu nhìn thấy ranh giới mong manh giữa sống - chết, giàu - nghèo và bắt đầu nghĩ và làm những việc tốt, quan tâm đến những người yếu thế nhiều hơn.

Tôi nghĩ không chỉ tôi mà rất nhiều người trên thế giới này bỗng nhiên cảm thấy trân trọng những giây phút ở bên chồng, con, cha mẹ nhiều hơn, bởi ngoài kia người chết quá nhiều, không ai biết lúc nào sẽ tới lượt mình. Sau những chuỗi ngày kêu ca, con người bắt đầu chuyển sang chấp nhận và cảm thông cho đất nước, chính quyền, những nhà lãnh đạo và làm chính sách, bởi có thể tự hào vì Việt Nam chống dịch giỏi như vậy, hơn rất nhiều cường quốc hàng đầu thế giới. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý thức vì cộng đồng của cả đất nước cũng được tăng cao.

Mỗi người, trong đó có tôi cũng nhận thấy rằng chúng ta đang tiêu dùng quá nhiều và phần nhiều trong số đó là không cần thiết. Những ngày trong tâm dịch, chúng ta mới chợt nhận ra rằng thiếu đi 70-80% những thứ đó, chúng ta vẫn sống tốt. Những bản đồ không khí chuyển màu xanh cũng là dấu hiệu cho biết chúng ta đã làm khổ trái đất như thế nào.

Sau một thời gian dài sống cùng gia đình cả ngày thay vì chỉ gặp nhau vào bữa tối, tôi thấy cả gia đình đều điềm tĩnh, kiên nhẫn, bao dung cho nhau hơn, bởi đã cùng nhau vượt qua quãng thời gian dài với nhiều xung đột được giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ca sĩ Nguyệt Ca: Trân trọng giây phút bên gia đình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO