Chạp đồng

23/01/2018 19:25

Cánh đồng đang trước mặt. Chiều nay, những đứa con trở về nơi gắn bó khăng khít với cuộc đời họ không bởi công việc mùa vụ như thông lệ. Tháng chạp, ruộng đồng đón họ trở về để làm phần việc  tri ân với ông bà tiên tổ: đi thăm nom, sửa sang, xây cất hoặc đưa người thân đã khuất về nơi an nghỉ cuối cùng thực sự.

Làng tôi không có nghĩa trang. Mồ mả ông bà được chôn rải rác trên khắp cánh đồng, nơi có những chân ruộng cao ráo, thoáng đãng. Địa điểm lý tưởng là ở trên gò đất cao nhìn xuống vùng ruộng thấp có nước, những chỗ ấy được nhiều gia đình chọn làm nơi yên nghỉ cho các cụ. Những nấm mồ cỏ xanh rười rượi hay đã xây cất, ốp đá, trát xi măng hay đắp hình rồng phượng uy nghi thấp thoáng giữa những chân ruộng cao thấp. Với người thôn quê, tập tục địa táng vẫn còn giữ nguyên như một thói quen từ ngàn đời truyền lại.

Chỉ vài năm gần đây thi thoảng mới có người thực hiện nghi lễ hỏa táng cho người thân. Tuy vậy những khu đồng chỉ dành riêng cho người đã khuất vẫn từng ngày cần thêm nhiều quỹ đất. Cuối năm, trên cái nền xám xịt khói sương, những bóng người thăm mộ lúi húi nhổ cỏ, sắp đặt đồ cúng lễ… làm cho bức tranh cánh đồng tháng chạp vốn ít tươi tắn trở nên sống động hẳn lên. Dịp này, những người con dù đang sinh sống tại quê hương hay bôn ba đi làm ăn xa xứ cũng thường trở về với cánh đồng, nơi ngàn năm gửi gắm linh hồn ông bà cha mẹ họ. Có gia đình tôn tạo xây mới, có gia đình làm lễ tạ mộ với mong ước cho người thân của mình có được cuộc sống an vui nơi chín suối. Lại có gia đình làm lễ sang cát, tức là “thay nhà” cho các cụ hay ông bà cha mẹ mình. Đấy là nghi lễ để đưa người đã khuất về nơi an nghỉ cuối cùng thực sự. Mùi hương trầm vấn vít lan tỏa, làm ấm áp không gian vốn hun hút cái gió bấc lạnh thấu xương. Cảm giác lúc ấy ông bà cha mẹ đang như đâu đó, thật gần bên con cháu, linh thiêng, hư ảo mà hiện hữu quanh đây...

Hai thế giới thực tại và hư vô như đang hòa quyện vào nhau làm một. Mùa đông, trên cánh đồng, người ta không cấy lúa, đôi chỗ chỉ trồng hoa màu như ngô khoai, đỗ lạc, rau, đậu, hành, mùi… còn hầu hết ruộng đang cày phơi đất đợi chờ mùa tới. Các chân ruộng đều khô ráo nên rất tiện để làm những công việc như thế. Bởi vậy mùa này khi ra đồng người ta rất dễ dàng bắp gặp những tốp người gồng gánh cỗ bàn, hương hoa, vàng mã. Người lớn hối hả làm lụng hay sắp xếp đồ cúng lễ, còn lũ trẻ con sung sướng được ra với thiên nhiên nên chạy nhảy tung tăng như đám chim sổ lồng. Người quê tôi quan niệm “trần sao âm vậy” nên ngoài cỗ bàn thịnh soạn, hoa tươi quả tốt, hương trầm thơm ngát, đèn nến lung linh…

Những chú ngựa xanh đỏ dành tế thần linh, những đồ gia dụng hay nhà cửa, tiền vàng, áo mũ… cho người đã khuất với hi vọng ở một nơi xa xăm huyền ảo, người thân của họ sẽ ấm no đầy đủ. Có gia đình còn dâng cúng cả hình nhân thế mạng, mong người thân của mình mau chóng vượt qua kiếp nạn để đến cõi siêu sinh tịnh độ. Những ngôi mộ quanh năm lút mình trong cỏ rậm rạp và phủ đầy những loài hoa dại thì nay được dọn dẹp nom mới mẻ và khang trang sạch sẽ hẳn lên. Bằng tấm lòng thành kính, người quê mong muốn tổ tiên mình đời đời an lạc. Họ cũng hy vọng nơi trần thế, con cháu sẽ được hưởng phúc lộc của ông bà đem lại, cuộc sống nhờ thế mà bớt đi những khó khăn vất vả. Đây cũng là một cách báo hiếu với ông bà cha mẹ, những người thân yêu đã rời xa dương thế.

Với họ đấy là trách nhiệm phải hoàn thành đồng thời cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc chứ không hề là nỗi niềm mệt nhọc. Bởi lẽ, từ ngàn đời, họ đã được thấm nhuần tư tưởng của cha ông truyền lại, cuộc đời con người ta “giàu vì mồ vì mả chứ không ai giàu về cả bát cơm”. Và khi tháng chạp quay về thì cũng là lúc cuộc hành hương trở lại cánh đồng của những người con đã lại bắt đầu…

Thái Hương Liên

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chạp đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO