Chuyện làng thời nông thôn mới

Trần Duy 26/02/2020 15:58

Phong trào xây dựng nông thôn mới diễn ra rộng khắp giúp diện mạo nhiều làng quê đổi thay nhanh chóng. Chung sức đồng lòng, cán bộ, người dân ở nhiều làng quê đã và đang xây dựng xóm làng của mình khang trang hơn, đáng sống hơn...

Chuyện làng thời nông thôn mới

Làng Thành An (xã Nghĩa Phong, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) hôm nay.

Đến nhiều địa phương ở miền Bắc hôm nay rất dễ nhận ra những thay đổi trên các cánh đồng. Ruộng đồng được dồn đổi thành những ô thửa lớn, giao thông nội đồng được mở rộng, nâng cấp, đi kèm là hệ thống tưới tiêu, mặt đường trục chính ra đồng đều được trải bê-tông.

Từ thực tế tham gia công tác dồn điền đổi thửa ở địa phương, ông Nguyễn Đức Thắng, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm 9, xã Hải Hà (Hải Hậu, Nam Định) cho biết đây là một việc rất khó khăn, phức tạp vì liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của mọi gia đình, rất dễ phát sinh mâu thuẫn. Tuy nhiên, nhờ đồng thuận, cẩn trọng, bài bản, khoa học, xóm 9 vẫn thực hiện thành công, giảm căn bản tình trạng ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún. Sau dồn điền, nông dân địa phương có điều kiện sản xuất đồng trà, đồng giống; sức lao động được giải phóng trong khi năng suất, hiệu quả lại cao hơn. “Bà con giờ không cấy nữa mà chuyển sang gieo xạ. Các khâu làm đất, thu hoạch máy móc thay người đảm nhiệm, nhờ vậy bà con có thời gian làm thêm một số ngành nghề, dịch vụ để có thêm thu nhập”- ông Thắng phấn khởi cho biết.

Ở xóm 5, Bãi Vĩnh (xã Tràng An, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) nhà nào nhà ấy rợp bóng cây xanh, lúc lỉu hoa trái; đường làng ngõ xóm rộng rãi, đổ bê-tông phẳng lỳ. Ông Trịnh Tiến Dần- người có nhiều năm làm Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm cho biết, trước đây đường làng ngõ xóm ở đây cũng chỉ rộng chừng 2 mét, việc đi lại, vận chuyển rất bất tiện. Khi tỉnh Hà Nam có chính sách hỗ trợ xi-măng cho các khu dân cư làm đường giao thông nông thôn theo chuẩn nông thôn mới (NTM), đổi lại địa phương phải tự giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công, xóm 5 đã tranh thủ chính sách này. Theo ông Dần, khó nhất là khi mở rộng đường sẽ lạm vào đất, công trình của các hộ dân hai bên. Chẳng có cách nào khác, chi bộ, Ban Công tác Mặt trận phải tuyên truyền, vận động các hộ trên hiến, góp đất cho xóm. “Chúng tôi rất mừng bởi vì lợi ích chung, 31 hộ dân ven đường sau đó đều vui vẻ tự nguyện hiến cho xóm, tổng cộng hơn 1000 m2 đất thổ cư, thổ canh, có hộ hiến trên 100 m2. Ngoài ra, các hộ còn tháo dỡ 500 m2 tường dậu, 12 cổng nhà, giúp xóm thực hiện việc mở rộng đường. Phần đóng góp chung các hộ đều thực hiện nghiêm túc, tổng cộng hơn 1 tỷ đồng. Nhờ vậy đến nay toàn bộ 3 km đường trong xóm đã được mở rộng, trải bê-tông mới”- ông Dần rành rẽ.

Để “có trước có sau”, không để các hộ dân ở liền đường thiệt thòi, các ông lại tuyên truyền, vận động những hộ ở phía trong quyên góp, hỗ trợ thêm cho các hộ trên, tất cả đều vui vẻ thực hiện. Chính vì vậy, làm một việc liên quan đến trách nhiệm, quyền lợi của mọi người, mọi nhà trong xóm nhưng ai nấy, trước sau đều đồng thuận, không để xảy ra mâu thuẫn.

Trong câu chuyện ông Dần cho hay, một trong những thành công của xóm 5 trong xây dựng NTM là Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận xóm đã tuyên truyền, vận động nhân dân trong xóm hình thành được những thói quen tích cực, góp phần bảo vệ môi trường. Theo đó, ngoài việc vận động các hộ thực hiện việc chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận xóm đã vận động các hộ dân trong xóm đào hố rác trong vườn nhà, thực hiện phân loại rác, trong đó rác hữu cơ thì mang chôn để làm phân bón, giấy tờ, túi nylon thì mang đốt...

Ở làng Thành An (xã Nghĩa Phong, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), cán bộ người dân lại đang phát huy sức mạnh của hương ước trong xây dựng NTM. Hương ước làng có những quy định rất chặt chẽ, thưởng phạt nghiêm minh. Theo đó, phần đường gần gia đình nào gia đình đó có trách nhiệm tự quản, tự dọn vệ sinh. Mỗi nhà phải làm một hố tập trung rác thải. Người nào vứt rác ra đường bị phạt 200 ngàn đồng, người nào phát hiện ra người vứt rác được thưởng 200 ngàn đồng; gia đình nào có chuyện đánh cãi, chửi nhau bị phạt 200 ngàn đồng. Riêng những người có hành vi dùng xung điện đánh bắt cá huỷ hoại môi sinh bị phạt 5 triệu đồng; bắt trộm chó, mèo bị phạt 2 triệu đồng. Những người vi phạm, ngoài bị phạt tiền còn bị phê bình trên loa truyền thanh, trong các buổi họp dân và không được xét công nhận gia đình văn hoá. Theo ông Ngô Xuân Trường- nguyên Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm 5, làng Thành An, việc làng có những quy định chặt chẽ, thưởng phạt nghiêm minh như vậy mục đích chính là giáo dục ý thức sống có văn hoá, sống có kỷ cương cho người làng, nhất là thế hệ trẻ thôi. Thực tế từ ngày đưa ra quy định mới đến nay chưa có ai vi phạm để đến nỗi bị làng bắt phạt.

Đồng thuận, sống có kỷ cương, nền nếp như vậy nên ngày nay, đến làng Thành An ai cũng phải trầm trồ về sự khang trang, sạch đẹp. Làng có cổng làng, có nhà văn hoá, bờ sông trước làng được kè đá chắc chắn, phủ kín cây xanh hai bên. Đường làng rộng tới 4-5 m, trải bê tông láng bóng, liền kề có mương tiêu nước rộng đến 3 mét, chia làng thành những cụm dân cư vuông vức như bàn cờ, đứng ở đầu này nhìn thông tầm đến đầu kia, không bị ngôi nhà hay bức tường nào nhô ra cản tầm mắt...

Không chỉ chú trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, ở nhiều địa phương khác, cán bộ, người dân còn đang nỗ lực thay đổi những thói quen, tập tục không còn phù hợp. Theo ông Đặng Công Trụ- Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm 2 (thôn Cao Đài, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), mấy năm qua, hưởng ứng phong trào xây dựng NTM xóm cũng đã làm được nhiều việc, như làm đường, làm nhà văn hóa, chỉnh trang đồng ruộng. Nhưng trong xóm vẫn tồn tại một số hủ tục. “Nặng nề nhất là chuyện ma chay. Mỗi lần có người nằm xuống là lại cỗ bàn linh đình. Có đám con cháu làm đến cả trăm mâm cỗ, mời hết trong xóm ngoài làng. Mà đã hết đâu, đến tứ cửu cũng cỗ, 100 ngày cũng cỗ, giỗ đầu cũng hàng chục mâm. Tóm lại người chết vừa nằm xuống người sống đã phải cuống lên lo chuyện cỗ bàn. Vừa tốn kém tiền bạc vừa mệt mỏi phục dịch trong khi đời sống của phần lớn bà con trong xóm chưa lấy gì làm dư dả vì vẫn dựa chính vào đồng ruộng...”, ông Trụ phản ánh.

Trước thực trạng đó, vào cuối năm 2016, Chị bộ, Ban Công tác Mặt trận xóm đã phát động, tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân trong xóm thực hiện mô hình “Không ăn cỗ, không tổ chức ăn cỗ đối với người đến viếng đám ma”.

“Chúng tôi tập trung tuyên truyền bà con trong xóm thực hiện khi có người “nằm xuống” tang gia không làm cỗ mời người đến viếng, chỉ tổ chức ăn uống trong phạm vi anh em, con cháu ruột thịt hoặc những người có trách nhiệm phục vụ lễ tang; các dịp lễ tứ cửu, 100 ngày hay giỗ đầu cũng chỉ gói gọn việc ăn uống trong phạm vi hẹp. Ban Công tác Mặt trận tập trung, cắt cử người tham gia Ban tổ chức lễ tang, giúp gia đình tổ chức tang lễ cho người qua đời đảm bảo chu đáo, trang nghiêm”- ông Trụ cho biết.

Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm 2 nhớ lại: “Hồi đầu năm 2017, trong xóm có cụ L qua đời, anh em trong Ban Công tác Mặt trận chúng tôi có đến gặp con cháu cụ, đặt vấn đề nên tổ chức đám tang theo nếp sống mới, không cỗ bàn rình rang, chỉ gói gọn trong phạm vi anh em trong gia đình. Ban đầu con trai cụ có ý e dè, cho rằng từ trước đến giờ làng vẫn có lệ thế, nay làm khác đi sợ bị xóm làng cười chê. Anh em chúng tôi chia sẻ lại xóm làng chính là chúng tôi đây, có ai cười chê đâu. Vả lại đây là nghị quyết chung của xóm rồi! Người thân của cụ sau đó cũng nghe ra, “tiên phong” thực hiện nghị quyết của xóm. Để mọi người làm quen dần với sự thay đổi, không “bất ngờ”, trong lúc giúp gia đình đón tiếp người đến phúng viếng chúng tôi bằng cách này cách khác thông báo để mọi người biết kể từ nay xóm thực hiện nếp sống mới trong đám tang, không cỗ bàn linh đình, tốn kém”.

Kết quả sau đó, theo ông Trụ, xóm làng không có một lời phàn nàn nào, ai cũng nhận ra lợi ích của việc không tổ chức ăn uống rình rang, kéo dài trong đám tang, tiết kiệm chi phí, thời gian cho cả tang gia lân xóm làng, hạn chế những tiêu cực phát sinh. Có “tiền lệ” là đám tang cụ L, các đám tang ở xóm 2 - Cao Đường sau đó đều được gia đình, người thân tổ chức theo nếp sống mới, chỉ tổ chức ăn uống trong phạm vi gia đình, góp phần xóa bỏ hủ tục làm cỗ, ăn cỗ linh đình trong đám tang ở địa phương...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện làng thời nông thôn mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO