Đại sứ Phạm Sanh Châu: Nguyên tắc của tôi là kết nối

Cẩm Thúy (thực hiện) 25/10/2019 10:17

Sau chuyến bay thẳng đầu tiên Việt Nam - Ấn Độ, thêm một chặng bay nội địa từ Kolkata, chúng tôi có một hành trình mang tên “Dấu chân Bồ Đề” để đến Tứ động tâm – 4 điểm quan trọng nhất của cuộc đời đức Phật Thích ca Mâu Ni. Nhưng trước khi gặp Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu tại đúng Bồ Đề đạo tràng nơi Đức Phật thành đạo, tôi vẫn không hình dung hết lý do để ông, trong sự bận rộn của một Đại sứ, lại cất công bay từ New Delhi xuống đây, tham gia cùng chúng tôi chuyến đi này.

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Nguyên tắc của tôi là kết nối

Ngày hôm sau, trên một chiếc xe du lịch trong sự ồn ào của cả đoàn mấy chục du khách, giữa những cú lắc lư vì đường xấu, một chặng đường dài từ Bồ Đề đạo tràng qua biên giới Ấn Độ sang Nepal, khi ông tận tình cùng chúng tôi thực hiện cuộc trò chuyện này thì tôi đã hiểu vì sao ông coi trọng những hành khách của chuyến bay thẳng đầu tiên: Vận động được Hãng hàng không Indigo mở đường bay thẳng Ấn Độ - Việt Nam là một mục tiêu quan trọng mà ông đặt ra trong nhiệm kỳ Đại sứ của mình. Mà chỉ vừa tròn một năm, việc này đã thành hiện thực.

Tất nhiên, cuộc trò chuyện không chỉ có chuyện về đường bay thẳng, nhà ngoại giao văn hóa kỳ cựu đang phải quan tâm đến nhiều việc khác mà mục đích tối cao là lợi ích của đất nước, của dân tộc. Như là tranh thủ sự ủng hộ của Ấn Độ đối với vấn đề chủ quyền của Việt Nam, như là nâng kim ngạch thương mại giữa hai nước, như là bảo hộ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam và nâng cao hơn nữa vai trò của ngoại giao văn hóa ở một quốc gia có nền văn hóa đặc sắc này.

PV: Thưa Đại sứ, có lẽ mở đầu như thế này thì hơi đường đột, nhưng tôi rất muốn hỏi trong cuộc đời làm ngoại giao, nguyên tắc cơ bản nhất của ông trong hoạt động là gì?

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Làm bạn với tất cả mọi người, giúp ai được là giúp, đấy là nguyên tắc cơ bản. Thực ra làm ngoại giao là việc nối dài của công việc trong nước. Thế thì đối với một quốc gia, việc quan trọng nhất là bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ, thứ hai là phát triển đất nước, làm cho dân giàu nước mạnh, thứ ba là tạo dựng hình ảnh. Đây là những lợi ích tối cao của đất nước. Để phục vụ lợi ích tối cao này, bên cạnh nỗ lực nội tại cần phải có được sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Vì vậy cần kết nối được bạn bè và nguyên tắc của tôi là connect, connect và connect. Khi đã kết nối được rồi thì trước tiên phải giúp bạn bè, đối tác đã, mình cứ giúp người khác đi rồi có lúc mình sẽ được giúp lại. Nếu đại diện cho đất nước ở bên ngoài quốc tế mà không kết nối được bạn bè, thì thà ở trong nước, ra ngoài làm gì.

Điều này được thể hiện như thế nào ở đây, trong nhiệm kỳ Đại sứ một năm qua, thưa ông?

- Tôi vừa nói việc quan trọng nhất của một quốc gia là bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Là một Đại sứ, tôi làm tất cả những gì đất nước yêu cầu. Khi Trung Quốc đưa tàu vi phạm vùng biển của Việt Nam trong thời gian qua, Ấn Độ là nước đã tích cực ủng hộ lập trường của Việt Nam và ba lần lên tiếng kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế: hai lần phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ và 1 lần phát biểu của Ngoại trưởng Ấn Độ. Quan điểm này của Ấn Độ cũng được thể hiện trong nhiều Tuyên bố chung sau các chuyến thăm song phương của lãnh đạo Ấn Độ đến một số nước. Trong mấy tháng qua, có khoảng 60 bài báo trên truyền thông Ấn Độ đưa tin về tình hình Biển Đông theo hướng ủng hộ Việt Nam và phê phán Trung Quốc. Trong số những nước có lợi ích trực tiếp liên quan đến biển Đông, thì Ấn Độ là nước ủng hộ Việt Nam tích cực hơn cả. Ấn Độ là một nước rất lớn có gần 1,4 tỷ dân và đang đóng vai trò nước lớn trên sân khấu chính trị toàn cầu. Đã là nước lớn thì càng có trách nhiệm phải lên tiếng chống lại bất công.

Ấn Độ có quan hệ truyền thống tốt đẹp với Việt Nam từ lâu. Hai nước có độ tin cậy chính trị cao vì trong lịch sử không có một vướng mắc nào. Trong quá trình vận động sự ủng hộ của Ấn Độ cho lập trường của Việt Nam trong vấn đề biển Đông, chúng tôi chọn cách khai thác yếu tố này và tác động vào giới học giả, giới báo chí và công luận Ấn Độ để giúp họ hiểu hơn và lên tiếng ủng hộ chúng ta.

Ồ, quả là điều phát hiện mới đối với một nhà ngoại giao vẫn được đánh giá là có sở trường hơn về ngoại giao văn hoá?

- Chuyển sang làm Đại sứ ở Ấn Độ, tôi bận hơn trong công tác vận động bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền của mình, bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam khi bị Ấn Độ có các biện pháp phòng vệ thương mại... Còn công tác ngoại giao văn hoá mà tôi từng làm ở nơi khác chưa chắc đã hiệu quả khi áp dụng tại Ấn Độ. Chúng ta không thể quảng bá được áo dài vì trang phục Ấn Độ cũng có áo dài na ná áo dài Việt Nam, khó quảng bá được nem với phở vì đối với gu ẩm thực của người Ấn Độ thì món ăn Việt Nam bị chê là nhạt nhẽo. Vì vậy, trong 3 trụ cột của ngoại giao toàn diện là chính trị, kinh tế và văn hoá, tôi không chọn ngoại giao văn hoá làm trụ cột chính ở Ấn Độ, mà chọn khâu đột phá là ngoại giao kinh tế.

Thưa ông, người ta hay nói đến những cú sốc văn hóa khi đến một vùng đất mới, đặc biệt là ở nơi có nhiều sự khác biệt như Ấn Độ. Nhưng có lẽ đối với một người từng làm Đại sứ ở UNESCO như ông thì đây không phải là vấn đề?

- Tôi thích công tác ở châu Âu vì tôi quen thuộc địa bàn hơn do được học và làm việc lâu năm ở đó. Ấn Độ là một địa bàn mới có nhiều cái rất thú vị nhưng cũng có những cái rất nản lòng. Thú vị vì đây là một vùng đất hoàn toàn khác với những thứ tôi vốn quen thuộc và đó thực sự là một trải nghiệm mới. Mà cuộc đời cần những trải nghiệm mới để nó luôn đáng sống và thú vị. Cái làm tôi rất nản lòng là phong cách làm việc của người Ấn Độ rất chậm rãi, thong thả, nếu không muốn nói là hơi trì trệ. Để đạt được những mục tiêu đề ra đòi hỏi một nỗ lực vô cùng to lớn, một sự kiên trì bền bỉ và cuối cùng là phương pháp mà tôi thường nói là phương pháp “trừ bì”. Tức là mình dự kiến một việc gì trong tương lai thì phải triển khai chuẩn bị trước ít nhất 6 tháng và phải chuẩn bị thật kỹ. Cái trở ngại thứ hai là chính phủ bạn thì nguyên tắc nhưng người dân thì lại xuề xoà đôi khi khó lường. Ví dụ đám cưới mời cả nghìn người, làm mấy ngày liền, ai gọi thêm bạn đến cũng được. Nhưng nhiều sự kiện ngoại giao mình tổ chức với số lượng vừa phải bạn lại không mời mà đến, hoặc khi đến kéo theo vài người làm ảnh hưởng đến ngân sách chi của cơ quan. Các trở ngại khác còn là không có thói quen đúng giờ, giao thông lộn xộn, bóp còi ầm ĩ... và sẽ còn rất lâu để thay đổi tập quán này.

Ông có thể ví dụ về những sự việc cụ thể hơn, những khó khăn khiến mục tiêu đặt ra đã phải kéo dài hơn dự định?

- Ví dụ việc đặt tượng Bác Hồ ở New Dehli chẳng hạn. Hai Đại sứ tiền nhiệm của tôi đã khởi động từ hơn 5 năm trước mà vẫn chưa thực hiện được. Quan hệ hai nước rất tốt nhưng bộ máy hành chính thì lại rất chậm. Ví dụ thứ hai là cơ quan Quân vụ thuộc Đại sứ quán mua nhà mới làm trụ sở và theo công ước Vienna về quyền miễn trừ ngoại giao thì không phải nộp thuế. Chính quyền thành phố New Dehli cứ bắt mình nộp thuế dù Bộ Ngoại giao đã gửi 3 công hàm nói không phải nộp thuế. Họ vẫn cho rằng chính quyền trung ương là sai, làm thất thoát ngân sách của chính quyền địa phương. Cách làm việc như vậy làm cho tôi khá nản. Nó khác hẳn với phong cách làm việc ở châu Âu. Hồ sơ cứ treo như vậy 2 năm và cuối cùng tôi đã giải quyết được nhưng rất mất nhiều công sức.

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Nguyên tắc của tôi là kết nối - 1

Đại sứ Phạm Sanh Châu tại Lâm Tì ni.

Trong một môi trường như vậy, Đại sứ chọn việc gì là đột phá để tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình?

- Tôi đặt ra cho Sứ quán 5 nguyên tắc trong nhiệm kỳ của mình: Thứ nhất phải tạo ra sự khác biệt, thứ hai là phải có sản phẩm cụ thể, thứ ba là phải mang phong cách chuyên nghiệp, thứ tư phải mang tính đào tạo nghề và thứ năm phải đảm bảo cuộc sống và công việc luôn hài hoà và hạnh phúc. Cần luôn đặt ra những mục tiêu rất cụ thể, có sản phẩm và không nói chung chung.

Đột phá đầu tiên tôi muốn làm mà từ trước đến nay chưa ai làm được là thiết lập một đường bay thẳng. Việc chị có mặt ở đây trên chuyến bay thẳng đầu tiên từ Hà Nội sang Ấn Độ là minh chứng cho mục tiêu mà tôi đặt ra đã đạt được. Đấy là một đột phá rất lớn, là ước mơ của biết bao người. Có đường bay thẳng có nghĩa tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí đi lại và mở ra một triển vọng rất lớn cho phát triển kinh tế, du lịch giữa hai nước. Đột phá thứ hai, nhỏ thôi mà tôi cảm thấy rất tâm đắc, đấy là lần đầu tiên đưa được học sinh Việt Nam sang đây du học tự túc. Có rất nhiều người Việt Nam sang đây du học theo diện học bổng của hai nhà nước hoặc của các trường đại học, các viện nghiên cứu. Nhưng mà tự bỏ tiền sang học thì đây là trường hợp đầu tiên. Tất nhiên là trong chương trình Học bổng Đại sứ chúng tôi vận động để được miễn giảm nhiều nhưng vẫn phải đóng tiền. Tôi hy vọng Ấn độ sẽ nhanh chóng trở thành một địa điểm du học nước ngoài mới có tiếng Anh và bằng chuyên môn xịn với chất lượng đào tạo tốt mà ít tốn kém cho sinh viên Việt Nam. Việc thứ ba tôi chọn để đột phá là thúc đẩy phát triển du lịch. Sẽ có nhiều người Việt Nam đi du lịch Ấn Độ, nhiều người Ấn Độ đi du lịch Việt Nam. Cụ thể là tôi đã vận động để một tỉ phú Ấn Độ đến Phú Quốc tổ chức một đám cưới rất hoành tráng. Sắp tới sẽ có một đám cưới của một đại gia nữa được tổ chức ở Đà Nẵng. Khoảng tháng 3 năm sau lại thêm một đám nữa… Như vậy Việt Nam đã trở thành một điểm đến trong bản đồ đám cưới thế giới dành cho giới nhà giàu ở Ấn Độ. Đột phá thứ tư là thúc đẩy thương mại.

Ở chiều ngược lại, người Việt sẽ sang Ấn Độ không chỉ là du lịch tâm linh đến các thánh tích Phật giáo nữa mà còn đến những địa điểm thú vị và hấp dẫn khác.

Thời gian qua chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc xúc tiến thương mại và vận động bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt. Trong năm qua có hiện tượng Ấn Độ tăng cường bảo hộ mậu dịch với 6 vụ điều tra đối với Việt Nam, trong đó có 4 vụ chống trợ cấp và 2 vụ chống bán phá giá làm cản trở hoạt động thương mại. Mới đây nhất Bộ Công Thương đột ngột cấm nhập khẩu hương liệu từ Việt Nam, làm lao đao cuộc sống của hàng trăm ngàn hộ gia đình ở nông thôn Việt Nam. Chúng tôi đang hết sức cố gắng tháo gỡ ở từng khâu, từng bộ.

Trong nỗ lực đó cũng có thành công ở cuộc vận động khác, đó là vận động giải trình cho bạn hiểu không đánh thuế 30% vào sản phẩm kẽm không gỉ của Sơn Hà và khi các sản phẩm của Trung Quốc bị đánh thuế lên gần 40% thì sản phẩm của Sơn Hà và một vài đơn vị Việt Nam khác là 0%.

Đột phá lớn nhất mà tôi mong muốn là thay đổi nhận thức của hai nước về nhau theo hướng tốt đẹp hơn ở tất cả các lĩnh vực. Người Việt Nam nhìn đất nước Ấn Độ khác đi và người Ấn Độ nhìn đất nước Việt Nam khác đi. Và đó là điều mà tôi và các đồng nghiệp tự hào đã phần nào làm được trong năm qua.

Thưa Đại sứ, về câu chuyện mở đường bay thẳng, tôi đã nghe ông Ngô Minh Đức - Chủ tịch HG Holdings – đơn vị đối tác của Hãng hàng không Indigo tại Việt Nam, kể rằng Đại sứ đã rất kỳ công để vận động họ mở đường bay thẳng tới Hà Nội và TPHCM?

- Quả thật là quá trình mở đường bay thẳng Kolkata – Hà Nội/ TPHCM là một hành trình vất vả. Bản thân tôi phải gặp gỡ các hãng hàng không Ấn Độ nhiều lần. Vận động được Indigo rồi thì lại xảy ra tranh cãi trong nội bộ giữa hai cổ đông lớn nhất xem có nên bay hay thôi. Đến khi họ thống nhất được rồi thì hãng Jet Airways lại phá sản buộc Indigo phải tăng chuyến bay nội địa bù vào các tuyến bị đóng của Jet Airways. Điều này làm chậm lại đường bay thẳng và cuối cùng phải mất mấy tháng họ mới triển khai được. Rồi khi chỉ còn 3 tháng nữa là thực hiện chuyến bay thẳng đầu tiên thì lại gặp các trục trặc là giờ hạ cách tại Việt Nam không thuận tiện. Tiếp đó họ muốn tìm một đối tác để làm đại diện tại Việt Nam và tôi đã kết nối với Hương Giang Holdings (HG Holdings) mà chị vừa nhắc tới. Cuối cùng như chị thấy, đến tận tháng 10/2019 ước mơ mới trở thành thực hiện. Nghĩa là từ lúc tôi xúc tiến vận động đến bây giờ là vừa tròn đúng một năm. Indigo là một hãng hàng không lớn, hiện chiếm hơn 50% thị phần hàng không Ấn Độ. Lãnh đạo của Hãng này nói rằng chưa bao giờ trong cuộc đời kinh doanh của họ lại gặp một Đại sứ ráo riết nhiệt tình vận động mở đường bay thẳng đến thế.

Đối với tôi chuyến bay thẳng đầu tiên này rất có ý nghĩa. Đó là công sức mồ hôi, đó là sự hồi hộp chờ đợi hy vọng rồi thất vọng rồi cuối cùng bùng nổ sung sướng. Đó là lý do tôi đến đây tham gia hành trình “Dấu chân Bồ Đề” mà HG Gotadi tổ chức cùng các bạn.

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Nguyên tắc của tôi là kết nối - 2

Đại sứ Phạm Sanh Châu trả lời phỏng vấn báo chí về đường bay thẳng Việt Nam - Ấn Độ.

Ông có nói rằng ngoại giao văn hoá không phải là trụ cột ưu tiên của Đại sứ Việt Nam ở Ấn Độ. Nhưng nếu nói về quãng thời gian làm Đại sứ UNESCO ông nghĩ rằng đóng góp lớn nhất của mình là gì?

- Từ 2006 khi chính thức làm công tác ngoại giao văn hóa, tôi đã cùng các đồng nghiệp của mình góp phần thay đổi nhận thức về ngoại giao văn hóa, củng cố vững chắc hơn trụ cột ngoại giao văn hóa – một trong 3 trụ cột của chính sách ngoại giao toàn diện của Việt Nam. Thật ra công tác ngoại giao văn hóa đã có từ lâu, từ thời chống giặc ngoại xâm. Đến sau đổi mới, chúng ta xây dựng một chính sách ngoại giao toàn diện và ngoại giao văn hóa mới trở thành trụ cột và được công nhận trong các văn bản chính thức của ngành ngoại giao, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Đóng góp lớn nhất của tôi là thay đổi nhận thức. Chỉ 3 năm sau đó, năm 2009 đã được chọn chủ đề là “Năm ngoại giao văn hoá của Bộ Ngoại giao”. Bằng nỗ lực của mình, của đồng nghiệp và nhiều cơ quan liên quan, chúng tôi đã góp phần vào việc chuẩn bị và bảo vệ thành công các hồ sơ khác nhau để UNESCO vinh danh hơn 30 di sản các loại của Việt Nam. Từ đó khơi dậy tiềm năng di sản, đánh thức lòng tự tôn và tự hào dân tộc rằng mỗi tỉnh, mỗi vùng đều có sức mạnh văn hóa, nếu biết bảo tồn, biết phát huy giá trị thì sẽ được UNESCO vinh danh.

Người ta vẫn quan niệm các nhà ngoại giao thì thường khôn khéo. Ông nghĩ gì nếu có ai đó nhận xét rằng ông khéo quá?

- Tôi là người chân thành và thẳng thắn, tôi không nghĩ tôi là người khéo quá, bởi vì đã khéo quá thì không còn thẳng thắn được nữa. Những gì tôi nói về đất nước Ấn Độ, về bạn bè, đối tác ở Ấn Độ từ đầu câu chuyện với chị đến giờ là minh chứng cho điều ấy. Tôi nói hết những cảm nhận của tôi, tuy nhẹ nhàng nhưng là thẳng thắn. Nếu ngoại giao mà khéo quá thì sẽ trở thành không trung thực. Không thực lòng thì không có độ hấp dẫn, cuốn hút, không tạo được niềm tin. Không có niềm tin thì không phát triển được tình bạn để giúp đỡ nhau một cách cụ thể và hiệu quả vì lợi ích của đất nước, dân tộc.

Việc xây dựng hình ảnh có ý nghĩa như thế nào đối với một nhà ngoại giao, thưa Đại sứ?

- Đã làm ngoại giao thì quan trọng nhất là phải biết gìn giữ hình ảnh. Nghề ngoại giao quan trọng nhất là tính đại diện. Cho nên ít nhất là phải để người ta nhìn thấy một hình ảnh tốt đẹp, hấp dẫn, rồi sau đó mới là sự thân thiện và tạo niềm tin. Còn những thứ khác cần thiết cho một nhà ngoại giao như năng lực phân tích, năng lực tư duy, năng lực đánh giá dự báo, năng lực xử lý tình huống... thì là bước tiếp theo, mặc dù trong thực tế không thể đòi hỏi nhà ngoại giao nào cũng phải là một nhà ngoại giao xuất sắc.

Ở Việt Nam và trên thế giới, ông có thần tượng một nhà ngoại giao nào đó không?

- Trong nghề ngoại giao tôi học được rất nhiều ở những người đi trước, ở bạn bè đồng nghiệp mỗi người một chút khác nhau. Người tôi học được cách tư duy, người thì tôi học được kỹ năng xử lý tình huống, người thì tôi học được phong thái và cũng có người thì tôi học được sự hóm hỉnh. Kể tên một người thì không công bằng cho người khác.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại sứ Phạm Sanh Châu: Nguyên tắc của tôi là kết nối