Doanh nghiệp Nhà nước: Đổi mới hay là 'chết'

Lê Anh Đức 28/12/2018 09:05

Những năm qua, các doanh nghiệp nhà nước được quá nhiều ưu ái so với những doanh nghiệp khác nên tạo thành thói quen ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp của Chính phủ. Đó là nguyên nhân hàng loạt “quả đấm thép” hoặc là phá sản, hoặc là gây thất thoát lãng phí hàng nghìn tỷ đồng tiền ngân sách. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, doanh nghiệp nhà nước chỉ còn lựa chọn: Đổi mới hay là “chết”.

Doanh nghiệp Nhà nước: Đổi mới hay là 'chết'

Nhiều doanh nghiệp nhà nước còn đem chuyện thua lỗ của mình ra như một “vũ khí” đe dọa Chính phủ để mè nheo, yêu sách. (Ảnh minh họa: Hồng Vĩnh).

Quả đấm thép yếu xìu

Một thời, các doanh nghiệp nhà nước được kỳ vọng là mũi nhọn tiên phong, là động lực then chốt của nền kinh tế đất nước. Từ trước Đại hội Đảng VI, chỉ có 2 thành phần kinh tế được thừa nhận đó là kinh tế quốc doanh (kinh tế nhà nước) và kinh tế tập thể (HTX). Sau đổi mới, kinh tế tư nhân dần được thừa nhận và đóng vai trò khá quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Tới Đại hội Đảng XII đã khẳng định: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

Như vậy có thể thấy, tư tưởng xuyên suốt qua các kỳ đại hội Đảng vẫn khẳng định kinh tế nhà nước phải luôn là “đầu tàu” để dẫn dắt các thành phần kinh tế khác, hay nói cách khác kinh tế nhà nước phải là hạt nhân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đó chính là lý do trong những năm trước, Chính phủ đã xây dựng các doanh nghiệp nhà nước thành những tập đoàn, với mục tiêu tạo ra những “quả đấm thép” nhằm tạo bước chuyển nhanh chóng cho thành phần kinh tế này. Thời điểm đó, các “quả đấm thép” được kỳ vọng sẽ là những “mũi khoan” đột phá, tạo bước nhảy vọt trong sản xuất kinh doanh, “cầm trịch” dẫn dắt các thành phần kinh tế khác, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế nước nhà. Song, đáng tiếc là hầu hết các “quả đấm thép” lại yếu xìu, không những không tạo ra được đột phá trong phát triển kinh tế, mà còn gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tiền ngân sách.

Nói vậy không phải là vô căn cứ. Hễ không động đến thì thôi, khi tiến hành thanh tra, kiểm toán thế nào cũng khui ra hàng loạt sai phạm, thất thoát, lãng phí hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng tiền ngân sách. Chẳng hạn như Vinashin khiến cả xã hội choáng váng với cú đổ vỡ, thất thoát tới 86.700 tỷ đồng. Sau đó ít lâu, phát hiện Vinalines “nhấn chìm” của nhà nước gần 3.500 tỷ đồng…

Vẫn mang tư duy thời bao cấp

Tạm thời gạt qua một bên khía cạnh tư lợi, lợi ích nhóm, tham ô, tham nhũng... của lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, chỉ xét về tư duy sản xuất kinh doanh thôi thì cũng thấy ngay rằng các “quả đấm thép” không yếu xìu, không gây thất thoát lãng phí ngân sách mới là chuyện lạ. Bất cứ ai dù chẳng được học hành gì về lĩnh vực kinh tế cũng hiểu một điều hiển nhiên rằng khách hàng là thượng đế, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì phải tôn trọng và chăm sóc tốt làm khách hàng hài lòng. Song, hầu hết lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lại không nghĩ như vậy, họ vẫn giữ nguyên tư duy thời bao cấp, nghĩa là hàng hóa, dịch vụ chỉ có vậy không dùng thì thôi.

Một khái niệm cơ bản khác của nền kinh tế thị trường mà toàn dân đều hiểu, chỉ các doanh nghiệp nhà nước là không hiểu, đó là khi khách hàng càng dùng nhiều hàng hóa, dịch vụ thì giá cả càng phải giảm xuống. Thay vì tuân theo quy luật thị trường, các doanh nghiệp nhà nước với tư duy “chỉ có vậy không dùng thì thôi” nên người dân càng dùng nhiều điện, nước sạch... thì càng phải nộp tiền với mức giá cao hơn. Tất nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, người ta không thể không dùng điện, không dùng nước sạch trong sinh hoạt đời sống hàng ngày, điều đó chỉ xảy ra với hoàn cảnh “ăn lông, ở lỗ” trong rừng sâu, trên núi cao hẻo lánh mà thôi. Và đương nhiên đã muốn dùng điện, nước sạch thì phải mua và tuân theo “luật” của các doanh nghiệp, bởi không có lựa chọn khác.

Người ta vẫn hay lý giải theo kiểu “con kiến mà leo cành đa” rằng, do cầu vượt quá cung nên phải “phân phối”, tức là dùng càng nhiều thì giá càng cao để hạn chế sử dụng. Cách lý giải này không chỉ đi ngược với tinh thần của nền kinh tế thị trường, mà còn là thái độ cửa quyền – hệ quả tất yếu của việc kinh doanh độc quyền. Còn nhớ, trước tháng 10/2004, khi đó chỉ có 2 doanh nghiệp viễn thông là Vinaphone và Mobifone kinh doanh dịch vụ điện thoại di động nên giá cước cuộc gọi và thuê bao vô cùng đắt đỏ. Sau đó khi có sự tham gia cạnh tranh của Viettel thì tự nhiên người tiêu dùng đã không phải trả phí viễn thông với mức giá “trên trời” nữa. Hay như các doanh nghiệp bánh kẹo nhà nước đã phải bó tay thúc thủ trước các đối thủ tư nhân mới nổi lên với chất lượng và giá cả vượt trội. Những thương hiệu quốc doanh gắn liền với một giai đoạn lịch sử đất nước dần trở thành quá khứ khi không theo kịp với tiến trình hội nhập kinh tế thời mở cửa.

Đã đến lúc “cai sữa”

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, sở dĩ các doanh nghiệp nhà nước nói chung và các “quả đấm thép” nói riêng làm ăn thua lỗ, không phát triển được phần lớn là do không đổi mới tư duy, thiếu sự năng động sáng tạo, luôn trông chờ ỷ lại vào sự bao cấp của Chính phủ nên không thể nắm bắt được các cơ hội, vượt qua thách thức của nền kinh tế thị trường. Đó là chưa kể thái độ vô trách nhiệm, tư lợi, thông đồng lợi ích nhóm của không ít lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước cũng là nguyên nhân căn bản dẫn đến sự đổ vỡ, phá sản. Chính vì thế liên tục trong nhiều năm, không ít đơn vị làm ăn thua lỗ nặng hoặc gây thất thoát tài sản lớn, tạo gánh nặng cho nền kinh tế đất nước. Tiêu biểu là 12 dự án thua lỗ nặng của ngành công thương, cái nào cũng mất cả nghìn tỷ đồng.
Đáng nói là dù thua lỗ nặng nhưng các chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, ban điều hành... của các doanh nghiệp nhà nước lại không ai phải chịu trách nhiệm, bởi đây là “lỗi tập thể”. Không những vậy, trong không ít trường hợp các doanh nghiệp nhà nước khi thua lỗ còn được rót thêm vốn ngân sách để giải quyết hậu quả. Bởi thế mà hàng năm các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các “quả đấm thép” hồn nhiên báo cáo hòa hoặc âm vốn mà chẳng hề e ngại gì. Thậm chí nhiều doanh nghiệp nhà nước còn đem chuyện thua lỗ của mình ra như một “vũ khí” đe dọa Chính phủ để mè nheo, yêu sách. Một số tập đoàn kinh tế nhà nước còn nganh nhiên thách thức rằng nếu không cho tăng giá sản phẩm, dịch vụ sẽ thua lỗ cả nghìn tỷ đồng ngân sách, hoặc nếu không đáp ứng yêu cầu sẽ cắt dịch vụ... Chẳng phải mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải “đe” lãnh đạo ngành điện về thái độ đó sao?

Việc các doanh nghiệp nhà nước được ưu ái hơn các thành phần kinh tế khác cũng khiến cho lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không chịu đổi mới tư duy kinh doanh trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Có nhiều dự án kinh tế cấp quốc gia, hoặc ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hay bộ, ngành, thay vì kêu gọi đấu thầu bình đẳng giữa các thành phần kinh tế thì người ta mặc nhiên rằng đó là “phần bánh” của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Như vậy, có lý do gì để lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước phải lo để mà phải đổi mới tư duy kinh doanh?

Tất cả những điều đó như những bầu sữa liên tục rót xuống tạo cho lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước có thói quen kiêu ngạo, không chịu đầu tư suy nghĩ hướng làm ăn phát triển doanh nghiệp. Rồi sẽ đến lúc các bình sữa cũng phải cạn, lúc đó các doanh nghiệp nhà nước sẽ ra sao, đi về đâu trong nền kinh tế thị trường của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đây? Vậy nên, bên cạnh việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cần tạo cơ chế cắt “bầu sữa mẹ” đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, để các đơn vị dần thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường. Khi và chỉ khi được lăn lộn, cọ sát trong thực tế thì mới có thể trưởng thành. Sự thành công của Viettel há chẳng phải là ví dụ điển hình minh chứng cho điều đó hay sao?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp Nhà nước: Đổi mới hay là 'chết'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO