Đốc đồng Hà Tông Huân: Làm án cần thực tế chứ không tại hồ sơ

Từ Khôi 07/01/2019 14:32

Xưa nay, lẽ tất nhiên khi đưa các vụ án ra xét xử, hội đồng xét xử thường căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong vụ án. Vậy mới có câu “án tại hồ sơ”. Nhưng tại sao xử đúng hồ sơ mà lại gây ra án oan? Là vì hồ sơ ấy có phần thiếu thực tế, thậm chí ngụy tạo. Vào thời vua Lê Hiển Tông suýt xảy ra vụ án oan sai ở Phùng Xá (nay thuộc Thạch Thất, Hà Nội). Nếu như không tỉnh táo điều tra kỹ càng, vị Đốc đồng Hà Tông Huân sẽ xử y án mà Tổng trấn Sơn Tây đã xử.

Đốc đồng Hà Tông Huân: Làm án cần thực tế chứ không tại hồ sơ

Trạng Vàng tính ương

Hà Tông Huân (1697-1766), người làng Vàng, tên chữ xưa là Kim Vực, nay thuộc xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Tổ tiên xa của nhà ông là Phụ quốc Thượng tướng quân Hà Mại (1334-1410) ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Họ Hà (ở làng Đông Tỉnh, sau đổi tên sang Tỉnh Thạch, tức Hòn đá thức tỉnh) đã sản sinh cho đất nước các danh thần như Tiến sĩ Hà Công Trình (1434-1511), Tiến sĩ Hà Tôn Mục (1653-1707)... Sang đời Lê Trung hưng, một nhánh họ Hà - Tỉnh Thạch đã di cư ra ở tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, họ Hà đã sinh ra danh sĩ Hà Tông Huân (1697-1766).

Không chỉ nổi tiếng học giỏi, từ bé Hà Tông Huân đã nổi tiếng có trí nhớ lạ lùng. Truyện truyền rằng: Một hôm, bố của Hà Tông Huân sai cậu ra chợ mua cuốn lịch đem về. Cậu đi một hồi rồi quay về tay không. Người cha tưởng con đi chơi quên không mua lịch nên bực mình quát: Lịch đâu? Hà Tông Huân thưa: Con thuộc hết rồi không cần mua làm gì nữa bố ạ. Thân phụ ông thử hỏi, thì ông đáp trôi chảy. Không tin, người bố chép lại vài ngày tháng hỏi con rồi ra chợ so với lịch bày bán thấy không sai chút nào…

Hà Tông Huân còn là người ham mê cờ bạc. Nhưng cũng may, tật xấu này không làm ông liên lụy đến sự nghiệp. Còn tài ứng đối của ông, có thể nêu ví dụ: Khi còn nhỏ, vì nghịch ngợm, ông bị bố trói lại bên gốc cau. Van xin cởi trói mãi, bố ông bảo cứ vịnh cây cau đi thì tha. Ông đọc liền: “Lưng đeo đại bạc bao trăm nén, Đầu đội tàn xanh biết mấy tầng”.

Còn với tính ương ngạch, dân gian kể rằng: Theo lệ, học trò trước khi đi thi phải qua một cuộc khảo hạch ở địa phương. Vị quan giám khảo tên là Huân, vì vậy, khi đọc tên, người xướng danh “nịnh” quan mới đọc chệch tên ông là Hà Tông Hươu. Ông bèn tiến đến, bắt bẻ phải đọc đúng tên mình. Người xướng danh tức tối nhưng đành phải đọc đúng. Chuyện đến tai vị giám khảo, nên khi vào khảo thí, ông ta liền ra vế đối khó, cốt đánh hỏng: “Lạn Tương Như, Tư Mã Tương Như”. Ngụ ý của vị giám khảo tên Huân muốn nói rằng ta và ngươi vốn tên là Huân nhưng là hai người khác nhau. Cái tài của câu đối là mượn tên hai nhân vật thời Chiến Quốc và thời Hán. Không ngờ, Hà Tông Huân đối liền: “Ngụy Vô Kỵ, Trưởng Tôn Vô Kỵ”. Câu đối lại lấy tên của hai nhân vật thời Chiến Quốc và thời Đường. Nhưng ý nghĩa lại hàm ý xấc xược: Mày không kiêng sợ thì tao cũng không kiêng sợ. Giám khảo Huân giận tím mặt ra đối tiếp: “Xỉ tính cương, thiệt tính nhu, cương tính bất như nhu tính cửu” nghĩa là: Răng vốn rắn, lưỡi vốn mềm, tính rắn sao bằng tính mềm cho lâu bền. Ông lại đối ngay: “Mi sinh tiền, tu sinh hậu, tiền sinh bất nhược hậu sinh trường” nghĩa là: Lông mi sinh trước, râu sinh sau. Sinh trước chẳng dài bằng sinh sau…

Hà Tông Huân kết giao với Trịnh Đồng Giai và Đỗ Huy Kỳ. Ba người rủ nhau tìm đến làng Bón (làng Châu Bội, xã Vĩnh Tường, huyện Yên Định) tìm thầy Trần Ân Chiêm xin thụ học. Giữa đường, gặp một ông già ngồi dưới gốc cây da bèn hỏi thăm nhà thầy. Ông già bảo cứ đối được thì ông dẫn đến nơi không phải chỉ. Rồi ông đọc: “Đi đường đất thịt trơn như mỡ”. Hà Tông Huân đối liền: “Ngồi tựa gốc da mát thấu xương”. Ông già cả cười bèn dẫn đi. Không ngờ đó chính là thầy Chiêm.

Thầy Trần Ân Chiêm đã gả ba cô con gái của mình cho ba chàng rể. Hà Tông Huân lấy cô út. Và cả ba người sau đó đều đỗ đạt. Hà Tông Huân đỗ Bảng nhãn ở khoa thi Giáp Thìn (1724) niên hiệu Bảo Thái thứ 5 đời vua Lê Dụ Tông. Vì khoa thi này không lấy ai đỗ Trạng nguyên và Thám hoa nên vì thế người dân suy ông là Trạng Vàng.

Sau khi đỗ, Hà Tông Huân được cử giữ nhiều chức vụ: Soạn sử, dạy hoc trường Quốc Tử Giám; Đốc đồng (thanh tra việc kiện cáo); Đốc trấn (quan trấn thủ tỉnh hiểm yếu); Hiến sát (Quan giám sát luật pháp cấp tỉnh); Nhà Ngoại giao chuyên đàm phán các tranh chấp, mâu thuẫn với nhà Thanh (Trung Quốc). Có nhiều tài nên đôi khi từ ngạch quan văn ông lại điều sang ngạch võ. Và vì có công điều binh trực tiếp dẹp loạn, ông còn được thăng đến Binh bộ Thượng thư. Và chức quan cao nhất là Tham tụng (Tể tướng). Năm 65 tuổi, ông xin về quê trí sĩ. Triều đình chấp thuận với điều kiện làm xong trách nhiệm quan Chủ khảo kỳ thi đình. Đến năm 70 tuổi thì ông mất.

Cuộc đời làm quan của Hà Tông Huân được nhiều sử sách ca ngợi, có những câu viết: “ông đến đâu cũng làm phúc tinh soi sáng mọi phương, làm giọt mưa ngọt thấm nhuần khắp cõi. Đi dân nhớ, ở dân thương…”.

Không để án oan

Trong khi làm Đốc đồng, Hà Tông Huân đã điều tra và xét xử lại một vụ án khiến dư luận đương thời rất ca ngợi. Sách Sơn cư tạp thuật của Đan Sơn sống thời Lê Trung hưng viết lại chuyện này. Chuyện như sau: Vào thời vua Lê Hiển Tông xảy ra một một vụ án mạng ở Phùng Xá (nay thuộc Thạch Thất, Hà Nội). Nạn nhân là một người lính nghỉ phép từ Thăng Long trên đường trở về nhà. Xác nạn nhân bị vùi ở ruộng ngô và đang bị phân hủy. Vợ nạn nhân biết tin bèn nhờ một sinh đồ làm đơn kiện dân làng Phùng Xá đã đánh chết chồng mình để cướp tài sản. Sau một thời gian điều tra, thẩm vấn, một nghi can đã nhận tội và điểm chỉ. Nhưng sau đó lại một mực kêu oan…

Vì dân làng Phùng Xá làm đơn tập thể kêu oan cho nghi can nên dù án đã được Tổng trấn Sơn Tây tuyên, nhưng triều đình vẫn quyết định rút hồ sơ để Đốc đồng Hà Tông Huân và Bồi thẩm Nguyễn Nghiễm tra xét lại.

Sau khi xem xét kỹ hồ sơ, Bồi thẩm Nguyễn Nghiễm cho rằng Tổng trấn Sơn Tây đã xử đúng người đúng tội. Riêng Hà Tông Huân cứ đọc đi đọc lại mãi, rồi ông cho gọi vợ anh lính và viên sinh đồ đến tra hỏi. Trước mặt Hà Tông Huân, cả hai vừa khai vừa nhìn nhau như để tìm sự hỗ trợ. Hà Tông Huân sinh nghi bèn ngừng tra hỏi và truyền giam hai người lại. Ông dặn thuộc hạ nhốt họ chung phòng giam và bí mật theo dõi.

Sáng hôm sau, người lính theo dõi báo Đốc đồng là hai người họ ôm nhau ngủ như vợ chồng. Hà Tông Huân nghĩ: Liệu có thể vì gian tình mà họ đã giết người lính? Hà Tông Huân bèn tra hỏi viên sinh đồ nhưng anh ta ra sức biện bạch việc nằm ôm cô vợ lính ngủ là nhất thời trong hoàn cảnh chứ không phải từ trước và kiên quyết không nhận tội. Người vợ lính cũng một mực nói vậy. Hà Tông Huân lại điều tra thêm thông tin từ đơn vị của người lính và hương trưởng của làng. Từ các lời khai cho biết: Vào thời gian anh lính xin về thăm nhà, viên sinh đồ rời làng ra đi. Tiếp tục tìm hiểu thông tin về quãng đường đi. Một chủ quán trọ ở Phùng Xá kể rằng: khoảng tháng trước, anh lính từ kinh đô về làng, còn người học trò từ làng lên kinh đô. Hai bên gặp nhau trong quán. Uống trà xong, mỗi người đi một hướng khác nhau. Đến hôm sau, lại thấy người học trò qua đây. Lời nói của chủ quán cho thấy viên sinh đồ là người cuối cùng gặp nạn nhân…

Hà Tông Huân tiếp tục tra xét. Bằng các phân tích thấu đáo thực tế, viên sinh đồ cuối cùng đã nhận tội. Y khai: Sau khi anh lính nhập ngũ, vợ anh ta và hắn đã lén lút tư thông. Vì say tình nên vợ anh lính xui sinh đồ giết chồng để được sống với nhau. Viên sinh đồ liền chuẩn bị lên Thăng Long tìm cách gặp để giết người lính nhưng không ngờ đến Phùng Xá thì gặp. Hai bên trò chuyện vui vẻ rồi chia tay. Viên sinh đồ đã chạy đường tắt tìm chỗ vắng mai phục rồi đâm chết anh lính, vùi xác xuống ruộng ngô, xong việc hắn quay lại quán trọ tắm giặt trước khi về làng. Và đến khi xác chết bị phát hiện thì cả hai bàn nhau làm đơn đổ tội cho dân làng Phùng Xá.

Tưởng án đã có thể đóng lại, nhưng Bồi thẩm Nguyễn Nghiễm vẫn bảo lưu, cho rằng hồ sơ đã đầy đủ. Vậy là Hà Tông Huân bèn đem sự thể “bộ hồ sơ đầy đủ, đúng quy trình” của Tổng trấn Sơn Tây và những điều tra mới của mình trình lên chúa Trịnh Doanh. Chúa xem xong rất kỹ rồi phê: “Một đằng thì giữ phép tắc, còn một đằng thì xét xử theo tình hình thực tế. Cách xét xử của cả hai đều phải. Song, xử án phải dựa vào thực tế, mưu gian xảo của tên sinh đồ đã lộ rõ hết cả, nên căn cứ vào hành vi giết người mà xử tội nó thôi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đốc đồng Hà Tông Huân: Làm án cần thực tế chứ không tại hồ sơ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO